Nằm lọt thỏm giữa 4 con đường náo nhiệt ở TP.HCM (Lý Thường Kiệt, Tân Phước, Hòa Hảo và Nguyễn Kim), cư xá Lý Thường Kiệt vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng, dung dị như hơn 50 năm trước. Điều đặc biệt nhất ở đây là ngay tại khu vực hành lang chung có quán ăn và chợ mà cư dân có thể vừa ăn uống, đi chợ, vừa có thể hỏi thăm nhau mỗi ngày.
"Nghèo mới ở cư xá"
Đó là chia sẻ của bà Vân (57 tuổi). Tròn 40 năm trước, bà Vân theo mẹ của mình dọn đến nơi này sinh sống. Cơ duyên trở thành cư dân ở đây theo bà Vân là "bởi vì nghèo". Thuở đó, mẹ của bà Vân là công nhân, ở nhà thuê tại Q.Bình Thạnh. Vì khó khăn, không có tiền mua đất dựng nhà nên được cấp cho căn hộ tại tầng 3 cư xá này. Bà Vân cho biết trải qua thời gian cả một đời người, nơi đây không có gì thay đổi. Có chăng là cư dân sửa chữa bên trong căn hộ tùy theo nhu cầu sinh hoạt.
Bà Vân kể, cư xá nằm ở vị trí đắc địa với 4 mặt tiền, có 5 tầng. Mỗi tầng có 53 căn hộ, mỗi căn có bề rộng 4m, dài 18m, thông cả 2 hướng trước sau. Các dãy nhà liên kết với nhau, quay mặt vào giếng trời cung cấp ánh sáng tự nhiên ở giữa. Khoảng sân chung này tủa ra những hành lang rộng rãi cả trăm mét vuông, nối vào những bậc cầu thang bằng bê tông mòn vẹt theo thời gian. Trong ký ức của bà Vân, cư xá này từng là nơi sinh sống của ca sĩ Khánh Ly, nghệ sĩ cải lương Diệp Lang.
"Tôi nghe kể vì thích đá banh mà nghệ sĩ Diệp Lang chọn mua căn nhà số 1, tầng 1 ở đây để tiện đường đi qua sân banh", bà nói và chỉ sang Trung tâm TDTT Thống Nhất nằm đối diện cư xá, trên đường Nguyễn Kim.
Giữa lòng TP.HCM có con hẻm không lo mất cắp, nghe gà gáy như ở quê: Chẳng ai nỡ rời đi
Không gian chung ở mỗi tầng là nơi yên ả, thân thuộc với cư dân nhưng khá "lạ lẫm" với nhiều người trẻ hiện nay. Một trong đó là quán bán đồ ăn sáng của bà Thắm (49 tuổi) ở tầng 3 cư xá. Bà kể gia đình chồng mình là một trong số hiếm những người sống ở cư xá này vào ngày đầu mới xây xong, từ năm 1968. Với bà, bà chính thức gắn bó với cư xá này tròn 30 năm, từ khi về làm dâu.
"Tôi nghe người nhà kể 2 dãy nhà hướng ra đường Lý Thường Kiệt được xây trước, từ năm 1968. Còn dãy nhà hướng ra đường Nguyễn Kim được xây năm 1972. Vì xây sau nên khu này thoáng và trông sáng sủa hơn", bà Thắm cho hay.
Trước đây, cư xá cũng có người bán đồ ăn sáng cả chục năm. Bà Thắm bỏ việc làm thuê bên ngoài để mở một quán ăn sáng phục vụ cho cư dân.
"Từ ngày không còn quán ăn, tôi thấy cư xá này buồn lắm, hành lang vắng tanh, người qua lại chẳng chào hỏi nhau. Muốn xây dựng tình cảm xóm giềng nên 2 năm trước tôi mở một quán ăn sáng như người ta đã từng làm trước dịch Covid-19", bà Thắm kể.
Theo thời gian, những cư dân thế hệ thứ nhất, thứ hai như gia đình bà sinh sống ở đây không còn nhiều. Vắng bóng những người hàng xóm đi ra thấy mặt, đi về nghe tiếng, bà Thắm thấy chạnh lòng. Vì thế, nhờ quán ăn này mà bà làm quen được nhiều người hàng xóm mới. Cứ mỗi buổi sáng, người qua lại, ngồi ăn lót dạ chạm mặt, chào hỏi nhau như nếp sống hình thành suốt bao nhiêu năm.
Sạp hàng gợi nhớ góc chợ thôn quê
Ở không gian chung tầng 1, cũng có một nơi mọi người lui tới thường xuyên suốt 30 năm qua. Đó là chỗ họp chợ nho nhỏ của vợ chồng bà Liên (52 tuổi). Từ mờ sáng, vợ chồng bà đã quày quả chở nhau trên chiếc xe máy với lỉnh kỉnh cả trăm món hàng đem đến phục vụ cư dân. Ngồi tựa lưng vào tường, bà Liên bày ra trước mặt đủ loại thức ăn tươi ngon từ thịt, cá, tôm cho đến rau củ, trái cây… Những chiếc ghế con đặt xung quanh cho mọi người ngồi vừa túc tắc đi chợ vừa rôm rả trò chuyện đến trưa.
"Bán cho tui 2 ngàn hành lá đi bà Liên", một người phụ nữ tiến lại sạp hàng nói lớn.
Tay bốc mấy cây hành, bà Liên đáp lại: "Thôi lấy đi".
Vị khách nói nửa đùa nửa thật: "Tui lấy đi thì ai trả lại cho bà?". Nghe vậy bà Liên chỉ cười rồi tiếp tục bán hàng cho những vị khách khác. Tiếng cười xuề xòa của bà giòn tan qua những toan tính lời lỗ, thiệt hơn… dễ thương như sạp hàng nhỏ của bà.
Người phụ nữ trung niên này quê ở Quảng Ninh, vào Nam lập nghiệp từ thời trẻ. Khoảng 30 năm trước, bà bắt đầu đến buôn bán ở góc cư xá này. Cư dân sống ở đây cũng quen với việc đi chợ ngay trong nơi sinh sống. Trước đây có vài sạp tương tự nằm ở tầng 2, tầng 3 nhưng giờ chỉ còn mỗi vợ chồng bà Liên còn bám trụ lại.
Dù sát bên cư xá có chợ Nhật Tảo và hệ thống các siêu thị lớn nhưng góc chợ của bà không ngày nào ế khách. Không chỉ đến mua hàng, bất kỳ ai đi qua đều có thể ghé vào chợ ngồi tám chuyện, rôm rả hỏi thăm nhau.
Biết bà Liên thường đi chợ sớm lấy hàng nên vào những dịp nhà có khách, cư dân ở đây hay gửi bà mua giúp những món ngon, từ con gà cho đến hũ mắm ruốc… Khoảng 10 giờ, khi chợ vãn, chồng bà Liên lại xách từng bịch hàng đặt trước này giao tận nhà.
"Người ta bán chuyên một loại hàng thì dễ chứ tui bán nhiều quá, mỗi thứ một chút đôi khi tính cũng nhức đầu lắm. Khi có khách mua nhiều món hàng, tui phải ghi ra giấy chứ không thể tính nhẩm nổi", bà Liên cười… Cũng từ những thứ lặt vặt đó, vợ chồng bà đã nuôi 4 người con trưởng thành.
Những thế hệ tiếp nối đến và đi, nhưng ai cũng ấn tượng với nếp sống nhẹ nhàng ở cư xá này. Người trẻ, cũng yêu quý như những người đã gắn bó một đời với nó. "Mình mới dọn đến cư xá này thuê căn hộ ở cùng vài người bạn khoảng 1 năm. Dù từng ở trọ tại nhiều chung cư trong thành phố nhưng duy nhất ở đây có quán ăn và chợ ngay trong hành lang rất tiện, các cô bác thì thân thiện, vui vẻ", Khánh Ly (29 tuổi) cho biết.
Bình luận (0)