Sống ở Cuba: Nghề tay trái

31/12/2016 10:02 GMT+7

Tục ngữ có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nhưng điều này hầu như không thể áp dụng tại Cuba.

Giáo viên giúp việc nhà, kỹ sư làm thợ hồ, bác sĩ giao pizza... Ở Cuba, bên cạnh công việc chính, hầu như ai cũng phải làm thêm một việc nào đó để cải thiện cuộc sống.
“Ở đây hầu như ai cũng phải làm thêm cả”
Tôi ở nhà Nguyễn Trọng Việt vài hôm. Việt học và lập gia đình tại Cuba, hiện là bác sĩ nội trú Khoa Tim mạch Trung tâm tim mạch tỉnh Villa Clara, cách thủ đô Havana 300 km. Căn nhà 28 m2 là nơi vợ chồng anh cùng đứa con 3 tháng tuổi sinh sống.

tin liên quan

Sống ở Cuba: Cuba thời @
Ngày nay, khi internet 3G, 4G tốc độ khủng đã trở nên quá quen thuộc với thế giới thì ở Cuba, internet còn rất hạn chế, sim 3G vẫn chưa có.
Lúc tôi đến, cô vợ Lismary đang hì hụi trộn bột, thịt bằm và gia vị để làm croqueta (một dạng xúc xích). “Tụi em bán 1 peso/cái. Vợ chồng ai rảnh thì đến từng nhà giao. Nhiều người trong xóm biết cũng tới mua. Nếu làm thường xuyên thì được thêm khoảng 300 - 400 peso/tháng”, cô cho biết.
Buổi chiều ở bệnh viện về, trên người vẫn còn khoác chiếc blouse trắng, Việt lại tất tả xách giỏ đi bộ giao bánh pizza. Cả xóm và những khu xung quanh hầu như đều biết anh, í ới cất tiếng chào, nam bắt tay, nữ hôn má chùn chụt (phép xã giao của người Cuba). “Em lấy pizza giá gốc 15 peso, giao tận nhà giá 20 peso/cái. Mỗi cái lời 5 peso. Thỉnh thoảng, vợ chồng còn săn hàng giảm giá rồi mang về quê bán nữa. Tụi em có con rồi, làm thêm để cải thiện đời sống. Đỡ được đồng nào hay đồng đó”, Việt nói.
Khi biết tôi muốn tìm hiểu về nghề tay trái của dân Cuba, người bạn tình cờ quen được tại Havana nửa đùa nửa thật: “Ở đây hầu như ai cũng phải làm thêm cả. Chạy xe ngựa, xe thồ, làm thợ hồ, bán hàng rong, chăn nuôi heo tại gia... đều có thể là cử nhân, thạc sĩ đấy. Muốn tìm hiểu tôi giới thiệu cho, nhiều lắm”. Và tôi biết Veronica qua người bạn ấy.

tin liên quan

Sống ở Cuba: Thời tem phiếu chưa qua
Sáng thứ bảy, bà hàng xóm đập cửa rầm rầm: “Thịt đến, có thịt rồi nhé!”. Nghe được tin vui, cả xóm chộn rộn hẳn lên.
Veronica là thạc sĩ giáo dục mầm non, đi dạy đã 25 năm. Cô cho biết mức lương giáo viên dao động tùy vào thâm niên và chức vụ nhưng khởi điểm từ 450 peso cho đến lương hiệu trưởng 850 peso. Ở Cuba, ngành y tế và giáo dục được trả lương tương đối cao hơn các ngành khác. Hiện tại, công việc chính của Veronica là dạy mỹ thuật tại trường sư phạm mầm non, 5 ngày/tuần, lương 700 peso/tháng. Mỗi tuần cô đi dọn dẹp, vệ sinh cho 2 gia đình, mỗi nhà 2 lần/tuần được 1.800 peso/tháng. “Dù giúp việc thu nhập cao gấp 2 lần nghề giáo nhưng tôi yêu nghề giáo nên vẫn sẽ tiếp tục đi dạy. Dĩ nhiên là vẫn tiếp tục giúp việc nhà vì đó là nguồn thu nhập chính của tôi mà”, Veronica nói.
Dù sao Veronica cũng may mắn có thể tiếp tục đeo đuổi công việc mình yêu thích. Nelson, 33 tuổi, kỹ sư tin học ở tỉnh Sancti Spíritus, thì không được như vậy.
Sau khi tốt nghiệp, anh đi làm nghĩa vụ xã hội (mọi sinh viên ra trường đều phải làm 2 năm nghĩa vụ xã hội theo đúng chuyên ngành đã học) với mức lương gần 500 peso. Vợ đi dạy tin học được 585 peso/tháng. Rồi vợ có thai, những đứa con lần lượt ra đời. Chi tiêu trong gia đình ngày càng cao.

tin liên quan

Sống ở Cuba: Tâm linh ở xứ xì gà
Tôi cùng Lismary đi chợ. Vừa ra đầu ngõ, cô chợt khựng lại, hoảng hốt chỉ vào xác con gà cùng lông vương vãi rồi lẩm bẩm: “Biết ngay, bị ếm bùa rồi!”.
“Có giai đoạn, tôi làm việc cho ngân hàng với mức lương khá cao so với mặt bằng chung là 1.200 peso/tháng nhưng vẫn không đủ sống. Chúng tôi đã thử để riêng 1.000 peso/tháng dành cho tiền ăn và tiêu vặt. Vậy mà chỉ cỡ 20 ngày là sạch tiền. Vì thế, tôi phải bỏ nghề theo bố làm phụ hồ. Tùy vào công việc mà ông trả lương cho tôi được 1.500 - 2.000 peso/tháng. Mới đó mà đã theo nghề thợ hồ được mấy năm rồi”, Nelson nói.
Ước mơ bình dị
Ở Cuba, những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống đều có trợ cấp. Nhà ở hầu như được cấp hoặc cho thuê với giá rất rẻ. Thực phẩm cũng được cấp. Giáo dục, y tế miễn phí. Giao thông công cộng giá chỉ tương đương vài trăm cho đến 1.000 đồng, các hoạt động văn hóa thường là miễn phí.

tin liên quan

Sống ở Cuba: Tiếng lành đồn xa
Nhiều người biết giáo dục và y tế ở Cuba hoàn toàn miễn phí, nhưng “tận mục sở thị” thì còn thú vị hơn.
Tuy nhiên những mặt hàng như áo quần, điện thoại, thiết bị điện tử, thiết bị điện gia dụng... Cuba phải nhập khẩu nên giá rất đắt. Sử dụng điện thoại di động trong 40 phút, internet trong 10 tiếng có thể tiêu hết một tháng lương bình quân. Tiết kiệm cũng thành nếp sống của người Cuba. Đi ăn tiệc, đồ ăn luôn được mang về nhà...
Nelson mời tôi về nhà. Phương tiện đi lại của cả hai vợ chồng là chiếc xe đạp cà tàng, sên xích cứ chực tuột ra, “cái gì cũng kêu trừ cái chuông”. Khi đạp chở tôi ra chợ mua đồ, nhìn cách anh nâng niu chiếc xe, khóa xe cẩn thận làm tôi muốn phì cười. “Xe của anh, ai mà thèm lấy”, tôi đùa. “Biết đâu đấy, cẩn thận vẫn hơn. Dù sao đó cũng là “cái chân” duy nhất của vợ chồng tôi. Mất thì không biết sao đi làm”, anh cười hiền.
“Bây giờ anh muốn điều gì nhất?”, tôi hỏi. “Điều ước thực tế nhất tôi muốn là vẫn có thể theo đuổi chuyên môn tin học của mình với mức lương 4.000 - 5.000 peso/tháng. Mức lương này có thể sống đầy đủ tại Cuba. Nhưng bây giờ cũng chỉ là mơ thôi...”, anh nói rồi thở hắt ra.
Xe nhà nước phải cho dân quá giang
Ở Cuba có lực lượng độc nhất vô nhị được gọi là Inspector Popular với nhiệm vụ đón xe “giá bèo” cho dân. Người dân có nhu cầu di chuyển sang các địa phương khác thường ra đứng ở các nút giao thông, tại đây sẽ có nhân viên Inspector Popular mặc đồng phục màu vàng chuyên...chặn các xe công nào còn trống chỗ để dân quá giang. Mỗi người chỉ phải trả tượng trưng 1 peso/chuyến. Xe nào không dừng sẽ bị ghi lại biển số và phạt rất nặng. “Vì Cuba còn nghèo, giao thông chưa phát triển mạnh nên việc đi lại còn khá khó khăn. Việc này nhằm tận dụng tối đa phương tiện nhà nước để giúp dân”, một nhân viên cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.