'Sóng ở đáy sông, Thời xa vắng' của Lê Lựu với diện mạo mới

12/06/2021 06:13 GMT+7

Đã từ lâu, những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu hầu như vắng bóng ở các nhà sách. Vì vậy, Sbooks và NXB Văn học quyết định tái bản hai tiểu thuyết Sóng ở đáy sông và Thời xa vắng của Lê Lựu giữa lúc nhà văn đang trong cơn trọng bệnh.

Ở bản in lần này, Sóng ở đáy sông Thời xa vắng đã được hai họa sĩ tên tuổi là Kim Duẩn vẽ bìa, Linh Giang vẽ minh họa, góp phần làm nên diện mạo mới mẻ cho sự trở lại của hai tác phẩm nổi tiếng đã đi vào lòng người đọc của nhà văn Lê Lựu.
Trong Sóng ở đáy sông (từng được chuyển thể thành bộ phim truyền hình được yêu thích khi phát sóng lần đầu vào năm 2000), cuộc đời Núi trượt dài trong tăm tối, bất hạnh đeo đẳng khi anh được sinh ra từ sự sai lầm của người cha, sau những lần “không thể kìm hãm trước con ở” khi “đang thời bừng dậy rừng rực”. Một khoảng cách không thể kết nối lại gần với những gì được gọi là chính thống, được sự thừa nhận hợp pháp khi chiến tranh và một thời kỳ bao cấp nặng nề có thể khiến con người ta trở nên vĩ đại hoặc thấp hèn… Tiếc cho một cậu học sinh học giỏi, do số phận đưa đẩy bị trượt dài để rồi trở thành một tên trộm cắp. Tiếc cho một nếp sống tưởng như gia giáo nghiêm ngắn lại đẩy con người ta vào tội lỗi, hận thù. Mà người chủ trương lối sống nghiêm ngắn đến khắc nghiệt trong gia đình lại chính là người cha đa đoan, tưởng mình tử tế lại cố tình gây ra bao điều không tử tế cho đám con “không chính thức” và cả “chính thức”. Một cuộc tình đẹp, trớ trêu thay, lại bị đứt gãy để suốt quãng đời của những con người như Núi, Hiền mãi chạy vòng quanh trốn tìm nhau…
Ngược lại, Thời xa vắng (được chuyển thể thành phim điện ảnh năm 2003) diễn ra trong bối cảnh đã có sự chuyển giao quan trọng của xã hội; nhưng ngay từ lúc vào truyện, tác giả đã đưa ra một bầu không khí tù túng, u ám, ít ánh sáng. Bầu không khí nặng nề này dẫn độc giả đi theo bước chân nhân vật bằng hình ảnh cả một dòng họ nháo nhào với biết bao nhiêu giáo điều tới từ người cha thuộc về xã hội cũ - xã hội thực dân nửa phong kiến. Cha của nhân vật chính Giang Minh Sài là một ông đồ nên càng để ý tới nền nếp gia đình, làm bất cứ điều gì cũng phải để ý tới thể diện. Ở điểm này, ông khá giống với cha của Núi, cùng là những người gặp cơn chấn động bất ngờ khi chế độ cũ sụp đổ, ngơ ngác trước thời đại mới, cơ chế mới, chưa kịp phản ứng lại bất cứ điều gì và cũng đã quá già để tiếp nhận những gì mới mẻ hơn.
Bóng ma thuộc về cuộc hôn nhân ép buộc từ khi còn bé ám ảnh Sài tới mãi về sau, ngay cả khi nhường suất học cho Hương vào bộ đội, rồi bị thuyên chuyển khắp nơi cho tới tận lúc hòa bình lập lại, Sài vẫn không thực sự có được hạnh phúc của riêng mình. Bản chất của Sài là một nghệ sĩ, khi không thể thỏa mình vùng vẫy trong hiện thực, Sài dầm mình vào những cơn tưởng tượng trong chính nhật ký của cuộc đời mình. Bi kịch đẩy lên tới đỉnh điểm khi cuốn nhật ký của Sài bị tịch thu, bị đọc trộm, rồi còn bị lôi ra để lấy làm bằng chứng bêu riếu kỷ luật. Chấp nhận ràng buộc cả thân xác và tâm hồn, cuối cùng Sài lại sống như ý định mà anh thừa nhận: “Hãy im lặng chịu đựng”…
Nói về Thời xa vắng của Lê Lựu, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Công cuộc đổi mới đất nước vừa được mở ra thì ngay lập tức, văn học đã ghi được dấu ấn bất ngờ bằng tác phẩm Thời xa vắng của Lê Lựu. Ông viết từ mình, rút ruột mình ra mà kể chuyện mình, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời. Cái thời đó tác giả gọi là “thời xa vắng” nhưng thật ra vẫn chưa qua”. Còn nhà văn Võ Thị Xuân Hà bàn về sức sống của tác phẩm này nhiều hơn: “Có lẽ Thời xa vắng bền lâu bởi một hình ảnh của nhân vật nông thôn mới bắt đầu thành hình, bởi hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên vào thời kỳ chớm đổi mới, và vẫn còn vọng ngân đến hôm nay, thậm chí cả mai sau...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.