Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt. Trải qua bao thế hệ, ngư dân Quảng Ngãi nói riêng, cả nước nói chung, đều đánh bắt ở đây. Sau ngày Hoàng Sa bị
Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm, việc đánh bắt ở Hoàng Sa gặp vô vàn khó khăn, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống, nhưng ngư dân Việt vẫn kiên cường bám biển.
Xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) nằm dọc biển. Xưa nay, xóm này có nhiều tên lóng: xóm “kình ngư”, xóm “lặn”, ấn tượng nhất là “
xóm lặn Hoàng Sa”. Bao đời nay, đàn ông từ 17 tuổi trở lên xóm này đều sống ở Hoàng Sa nhiều hơn ở nhà, mưu sinh trứ danh với nghề lặn bắt hải sản.
Một thuở “ghe máy cột buồm”
Sau quãng thời gian tham gia công tác tình nguyện ở Campuchia, năm 1986, ông Nguyễn Thanh Nam (nay 57 tuổi) về nhà ở Gành Cả. Quăng ba lô vô góc nhà, cởi ra bộ đồ lính, ông Nam ngày ấy leo ngay lên ghe và trực chỉ ra Hoàng Sa. "Ghe anh đi hồi đó thuộc diện “xịn”: dài 15 m, công suất 22 mã lực, loại lớn. Còn lúc đó, ghe đi Hoàng Sa chủ yếu là các loại tàu dài 12 m, chạy máy nhỏ, buồm trương lên phần phật trong gió khơi, 5 ngày mới ra đến đảo Hoàng Sa", ông Nam nhớ lại.
“Ra biển, sóng to không ngán. Tiền bối bao đời ra biển Hoàng Sa, mình qua trận mạc sống chết rồi, sợ chi sóng gió đời trai nữa”, ông Nam hào sảng và cho hay những năm tháng ấy, ghe ông đi 3 ngày mới tới. Dù ghe ông có máy công suất khá lớn nhưng cũng chỉ lẹt quẹt, cũng như nhiều ghe khác, đều phải gắn thêm cái buồm, phụ mà thành chính. Những khi gió thuận, buồm góp phần đẩy ghe đi nhanh. Từ Sa Kỳ (xã Bình Châu, H.Bình Sơn) ra biển, đến khi nào thấy
chim hải âu bay đầy trời, biết là gần đến đảo Hai Trụ (đảo Quang Ảnh, nằm trong cụm đảo Lưỡi Liềm), còn nếu nước chảy lệch là đến đảo Đá Lồi (Hoàng Sa).
Ông Nam bảo, nói thì nghe dễ, còn hành trình ngày ấy ra
Hoàng Sa rất gian nan. Khi ra khỏi bến Sa Kỳ mấy hải lý, phải có một người lên cabin quan sát, làm hoa tiêu cho con tàu, nhìn mây, nhìn mặt trời, mặt trăng để ghe đi cho chuẩn hải trình. "Hầm ghe hồi đó to nhất chứa 50 cây đá lạnh chớ mấy. Còn chừng 20 cây đá khác, lấy bao bố bọc dày lại, để trên boong. Đến nơi, 20 cây đá này mang ra xài liền, may thì gom lại chỉ còn 3 - 4 cây là cùng", ông Nam kể.
Xay đá ướp cá trên tàu cá ở biển Hoàng Sa
|
Khi ấy, mỗi ghe ra biển là 8 lao động, cả chủ tàu, thuyền trưởng đều ôm ống hơi nhảy xuống biển. Lặn một mạch sâu khoảng 30 m, không có đồ nhái, trang phục lặn sâu như bây giờ. Nếu gặp hải sản nhiều thì dừng ghe tổ chức đánh bắt, không có hải sản thì chuyển vị trí khác. Mỗi chuyến biển đi 20 ngày. Hồi đó trừ cá cơm, còn biển Hoàng Sa cá gì cũng nhiều, ngay cá nục xanh cũng có, cá mú, cá phèn, cá nục to nhiều lắm. Đi một phiên thì khoảng 150 - 200 kg tôm hùm, giờ chỉ khoảng 40 kg. "Hải sâm ngày xưa như trồng khoai lang dưới biển, không biết giá trị như ngày nay nên ít lấy về, chủ yếu cũng để muối ăn thôi", ông Nam nói rồi chỉ vào hai chân bị liệt của mình: "Ham lặn quá, đồ nghề lại kém nên một lần lặn sâu, tôi bị tai biến, làm liệt cặp giò. Nay đỡ tí, nhưng vất vả thời bám biển Hoàng Sa thì nhớ mãi. Đó là xương máu trong đời".
Thời ông Nam là vậy, còn trước đó, ngư dân Gành Cả làm gì có ghe máy mà đi. Ra Hoàng Sa bằng ghe 2 buồm. Không có gió thì chèo, nhiều ghe không có thiết bị hỗ trợ, kể cả la bàn cũng không. Mỗi ghe có vài ngư dân rành hải trình, nhìn sóng, mặt trời, mặt trăng và màu nước để đi. Vậy mà ra Hoàng Sa như ra vườn, ra ruộng ở nhà. "Trời đẹp là biết liền. Vì ngay đảo Đá Lồi có dãy cát lớn. Trời nắng nước trong, đến gần chừng 30 hải lý, sẽ thấy phản chiếu nước và bầu trời màu xanh lá chuối non. Ấy vậy, nhưng có khi ra khỏi Lý Sơn,
thời tiết xấu không định hình được, ghe đi nhầm, phải quay về hướng Lý Sơn mà ra lại biển, tiền bối đi biển ngày trước mất cả chục ngày mới đến nơi", ông Nguyễn Tuấn (55 tuổi, ở Gành Cả) góp chuyện.
Nhớ cồn cát “ông già”
Trong bữa cơm trưa với cá đánh bắt từ Hoàng Sa, do ông Nguyễn Tuấn đi biển vừa về hôm qua, chúng tôi nghe các ngư dân lớn tuổi hay nhắc cồn
cát Ông Già (cạnh đảo Hữu Nhật trong cụm đảo Lưỡi Liềm). Ông Tuấn nói ngày ông ra cồn cát Ông Già thì mới chừng hơn 20 tuổi, giờ đã 33 năm sương gió nữa rồi. Từ khoảng 2004 - 2006 đến giờ, cái cồn cát ấy ông chưa được đặt chân trở lại, do
Trung Quốc cưỡng chiếm giữ mất.
Cồn cát Ông Già ấy với người Gành Cả có nhiều kỷ niệm. Ai đi ghe qua đảo này cũng đều bước lên. Dân biển Gành Cả luôn nhớ rằng, uống rượu ngâm trái nhàu, rễ nhàu sống ở trên đảo Hoàng Sa, chữa bệnh đau lưng, trật gân rất tốt. Cồn cát Ông Già thì cây nhàu mọc đầy. Cây, trái giống ở Gành Cả, nhưng nhàu ở quê lại không chuộng. Vậy là ngư dân Gành Cả, Lý Sơn đi ngang qua là dừng ghe bước lên cồn cát để đào rễ, hái trái nhàu đưa xuống ghe, mang về đất liền ngâm rượu.
Trên biển, ngư dân Quảng Ngãi cũng gặp ngư dân Trung Quốc. Ông Tuấn cho biết khoảng từ 1988 trở về trước, đi ra đảo Hoàng Sa, khi gặp ngư dân Trung Quốc rất thân thiện. Không biết tiếng nhưng có thể trao đổi bằng cách ra hiệu cho nhau biết về thời tiết trên biển. Hoặc có khi thiết bị, vật dụng trên tàu hư hỏng, ngư dân ta và ngư dân Trung Quốc sửa chữa cho nhau. Thiếu lương thực cũng có thể cho nhau.
Ngư dân trên tàu cá QNg-90399 TS của ông Đặng Dũng (ngụ xã Bình Châu) từ Hoàng Sa về ngày 4.4
|
“Ăn chung, uống rượu chung với ngư dân Trung Quốc thì có rồi. Duy có một điều, ngư dân Trung Quốc không làm được. Đó là bọn tui lặn 30 m dưới biển. Ngư dân Trung Quốc qua học hỏi, nhưng lắc đầu rồi chào thua. Nhưng đó là chuyện mấy mươi năm về trước, bây giờ ngư dân Trung Quốc thuần chất vẫn hiền, chỉ có ba cái ông tàu “dân quân” Trung Quốc có súng to, mình đi cách chừng mấy hải lý đã bị thò súng lên dọa bắn”, một ngư dân kể.
Ở Hoàng Sa nhiều hơn... ở nhà
Lâu lắm chúng tôi mới về Gành Cả. Nay con dốc lởm chởm đá trước đây từ trung tâm thôn Châu Thuận Biển xuống xóm này, đã thay bằng đường bê tông phẳng lỳ. Làng nhìn phía ra biển. Hai bên làng có hai gành đá nhô ôm gọn Gành Cả vào lòng. Gành Cả bây giờ sầm uất, nhà kiên cố, nhà lầu mọc lên như nấm.
Theo ông Nguyễn Thanh Nam, nếu ngày trước, Gành Cả chỉ hơn chục chiếc tàu, thì giờ có non trăm chiếc tàu đi biển, trong đó có gần 50 tàu lớn chuyên đi lặn ở Hoàng Sa. Nghề lặn đầy hiểm nguy nhưng giá trị cao hơn nhiều so với nghề lưới. "Ở đây chưa ai chuyển đổi nghề bao giờ, chỉ có nghề lưới chuyển sang nghề lặn mà thôi", ông Nam cho biết.
“Sao có người gọi là xóm “kình ngư”, “xóm lặn Hoàng Sa”?, chúng tôi hỏi. Ông Nguyễn Tuấn giải thích: Xóm chỉ chuyên nghề lặn như cá kình trên biển ở Hoàng Sa nên có biệt danh này. 16, 17 tuổi, đám con trai làng tập lội gần bờ bắt ốc, cá trên các rạn biển. Đến khi lặn ngon lành là theo ghe tàu ra quần đảo Hoàng Sa lặn hải sản, tôm hùm, mực nang... Cứ thế, đời đàn ông Gành Cả đẻ ra nghe sóng, lớn lên với sóng và mưu sinh trên sóng. Cưới vợ xong vài bữa, đám con trai ở đây nghe sóng Hoàng Sa gọi, vậy là xa vợ lên tàu ghe biền biệt, mỗi phiên biển nhanh thì một tháng, còn lâu hơn thì thêm chừng 10 ngày nữa. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, đời cha đi lặn Hoàng Sa, đời con nối gót, cha truyền nghề, con học kinh nghiệm.
“Một tháng 25 ngày lặn biển Hoàng Sa, 5 ngày về đất liền ngủ với vợ. Mỗi năm đi nhiều phiên biển, ít thì 4 - 5 lần, còn năm mà biển hiền thì đi liên tục. Mỗi năm, đàn ông Gành Cả bọn tôi, sống chủ yếu ở biển Hoàng Sa còn nhiều hơn nằm trên giường ngủ với vợ. Như tôi đây, 22 tuổi ra Hoàng Sa, giờ 55 tuổi rồi, chỗ nào Hoàng Sa cũng biết, nhưng chắc gì biết hết… vợ”, ông Tuấn hóm hỉnh, nửa đùa nửa thật.
Bình luận (0)