Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?

Sống ở rạp chiếu phim xưa

12/08/2023 07:36 GMT+7

"Bố mẹ tôi vốn là chủ hàng chục rạp hát, kinh doanh đủ thứ từ Bắc chí Nam, nay con cháu sống chật vật trên nền đổ nát của nhiều rạp hát cũ. Âu cũng là thời cuộc", vợ ông Nguyễn Tiến tâm sự.

Gian nan đi đòi… nhà mình

Xưa, ông Nguyễn Thiêm có tới 16 người con vì gia đình nhiều cơ sở kinh doanh. Di cư từ Bắc vào Nam, ông cật lực làm việc tới mức qua đời khi mới 53 tuổi. Mọi việc kinh doanh ông giao lại cho con cái, bất kể là gái hay trai đều được quản lý rạp hát, rạp phim hoặc các cư xá, hồ bơi, hãng xe… Sau 1975, con cháu ông Thiêm người ở lại, người đi định cư ở Mỹ, Pháp. Những rạp xưa nay chỉ còn lại vài gia đình đang ở tạm bợ chờ ngày giải tỏa, đền bù. Trên nền đổ nát của những rạp phim xưa từng một thời nhộn nhịp, hái ra tiền…, con cháu ông Thiêm nay ngoài gia đình người con út Nguyễn Tiến có cuộc sống ổn định, còn lại đều buôn bán tự do, đời sống chật vật.

Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?: Sống ở rạp chiếu phim xưa - Ảnh 1.

Chị Tâm, cháu nội ông Thiêm, đứng bán nước trước cửa rạp

Ngọc Dương

Gia đình ông Nguyễn Tiến đang ở phần nhà giữ xe xưa kia của rạp Quốc Thái trên đường 3 Tháng 2, Q.11, TP.HCM. Phần rạp chính kế bên được giao cho Nhà nước quản lý sau năm 1975 giờ không còn chiếu phim. Bên trong rạp là khoảng sân trống bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Ông Tiến nói sau 1975, rạp này được giao cho người anh trai thứ 9 - Nguyễn Đạt. Năm 1991, ông Đạt đã bán phần rạp cho Nhà nước, giữ lại nhà giữ xe, cho em trai trước khi định cư ở Mỹ. Nhưng hơn 10 năm sau, vợ chồng ông Tiến mới làm xong giấy tờ để về đây ở. Rạp Quốc Thái sau khi ngưng chiếu phim được cho nhiều người thuê làm nơi buôn bán, sửa xe, ga ra xe hơi… rồi đóng cửa sau dịch Covid-19. Đến nay, mặt tiền rạp chằng chịt số điện thoại cho thuê nhà không biết ở đâu dán lên. Còn bên trong thì bỏ trống. Rạp Hùng Vương, Thăng Long trước năm 1975, các con của ông Tư Thiêm cho hãng phim Trần Quốc Bình thuê để chiếu phim nhập như Ấn Độ, phim Tàu… Nay rạp Hùng Vương cũng được gia đình ông tặng lại cho một đơn vị sự nghiệp, chỉ giữ lại căn hộ nhưng chưa thể làm giấy tờ chủ quyền nhà. Còn rạp Thăng Long thì gia đình ông Tiến tặng cho Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, lầu 1 được giữ lại làm nơi thờ cúng dòng tộc.

Sống ở rạp chiếu phim xưa - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tiến và vợ ở rạp Quốc Thái

Ngọc Dương

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức, vợ ông Tiến, kể: "Khi mình lấy chồng, nghe ông xã kể ngày xưa bố tuy không học hành nhiều nhưng kinh doanh giỏi lắm. Ông có nhiều rạp hát, rạp phim ở Sài Gòn này. Nhưng giờ con cái tứ tán, giấy tờ thì có mà chưa về nhà được. Nên mình mới thay ông xã, đi làm lại giấy tờ nhà cho gia đình. Lúc mình về bãi xe rạp Quốc Thái này bị chiếm, họ chỉ cho gia đình mình một phòng bé tí trên lầu ở. Mà mấy người chiếm chỗ đó dữ dằn lắm, dù mình có giấy tờ, hộ khẩu nhưng họ lại nghĩ mình dân ở đâu về chiếm nhà, gây gổ hoài. "Phép vua thua lệ làng", họ giữ xe rồi ăn nằm như nhà mình như nơi công cộng. Hơn 10 năm vất vả đi gõ cửa nơi này nơi kia, tụi mình mới lấy lại nhà rồi sửa sang lại ở, làm phòng nha như bây giờ".

Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?: Sống ở rạp chiếu phim xưa - Ảnh 2.

Ông Tiến ở bên trong khu rạp Quốc Thái xưa nay bỏ hoang

Ngọc Dương

Con gái chủ rạp chớp bóng Đại Đồng

Ông Nguyễn Tiến dẫn tôi đi thăm gia đình người cháu gái hiện đang ở rạp Đại Đồng trên đường Cao Thắng, Q.3, TP.HCM. Rạp này ra đời năm 1955, là rạp đầu tiên ông Tư Thiêm xây khi vào Nam. Sau khi qua đời, ông Thiêm giao rạp cho người con trai thứ 2 Nguyễn Thịnh quản lý. Trước 1975, rạp Đại Đồng là nơi chiếu phim ngoại nhập nước hai, nước ba của các hãng phim Việt. Tuy là chiếu sau nhưng rạp máy lạnh ngay khu trung tâm Sài Gòn nên luôn cháy vé. Cùng với rạp Đại Đồng Gia Định, đây là hai rạp cuối cùng còn mang tên "Đại Đồng" của ông chủ Tư Thiêm. Rạp thường có các suất chiếu thường trực suốt ngày với giá vé từ 35 - 45 đồng. "Ai mua vé 1 phim thì có thể ở lại rạp xem thêm phim thứ nhì", ông Tiến kể.

Sống ở rạp chiếu phim xưa - Ảnh 4.

Bên trong rạp Đại Đồng Sài Gòn nay đã hoang tàn vẫn còn những thành viên của gia đình ông Tư Thiêm ở lại

Ngọc Dương

Sau năm 1975, rạp được giao lại cho nhà nước quản lý. Lầu 1 của rạp, gia đình ông Nguyễn Thịnh được ở lại, nhưng đến nay vẫn chưa làm chủ quyền được vì còn chung sở hữu với một đơn vị sự nghiệp Nhà nước. Ông Nguyễn Thịnh có 9 người con, hiện tại gia đình của các con ông còn ở lại rạp khoảng hơn 10 người. Chị Nguyễn Minh Tâm, 59 tuổi, hiện sống cùng con trai ở phòng phía sau lầu 1. Hai mẹ con chị ở trong căn phòng lợp tôn dột nát, tường chắp vá xiêu vẹo nhưng không có điều kiện cải tạo để ở. Chị Tâm bán nước ở vỉa hè trước rạp và nhận giữ xe ở khu giữ xe cũ của rạp. "Lẽ ra không được bán đâu nhưng người ta thấy mình nghèo, lại sống ở đây nên cho bán trong thời gian chưa hoạt động", chị Tâm kể.

Sống ở rạp chiếu phim xưa - Ảnh 5.

Poster phim rạp Đại Đồng Gia Định năm 1970

Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp

Bên ngoài rạp Đại Đồng bây giờ, cửa đóng im ỉm. Những tấm poster cũ nhếch nhác vẫn treo trước rạp. Trên tấm biển hiệu còn dòng chữ của hãng phim Phước Sang. "Hồi xưa hình như ông Phước Sang thuê chiếu phim rồi sau làm sân khấu kịch nói. Từ hồi Covid-19 tới giờ đóng cửa luôn, ở trong rạp mà cứ sợ sập. Cũ lắm rồi. Nhưng vì mình buôn bán, con trai tuy có bằng luật sư mà bị tai nạn ở mắt nên xin việc không được, giờ làm bốc xếp theo ngày nên thu nhập không đủ để dọn ra ngoài. Đành ở tạm bợ chờ người ta giải tỏa…", chị Tâm nói.

Trên đống đồ lộn xộn cũ kỹ, chắp vá ở rạp xưa, chị Tâm bùi ngùi: "Hồi đó ông nội có nhiều rạp và giàu có nên mới sinh con đẻ cháu nhiều. Giờ thành cực như vầy". (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.