Sống ở 'thành phố đáng sống'

TP.Đà Nẵng được du khách biết đến gắn liền với danh xưng là “thành phố đáng sống”, nhưng thời gian vừa qua dư luận lại đặt ra câu hỏi: Đà Nẵng có còn... đáng sống?

Thành phố đáng sống
Năm 2017, nhiều tờ báo đưa tin Đà Nẵng bị trượt ra khỏi danh sách “thành phố đáng sống”; năm 2018, lại đưa tin Đà Nẵng lọt vào top 10 thành phố đáng sống nhất thế giới.
Thực ra, việc các tạp chí bình chọn là theo tiêu chí của riêng họ. Đà Nẵng không nằm trong danh sách 231 thành phố đáng sống nhất năm 2017 theo công bố của Mercer, là do từ "vòng sơ loại" Mercer đã chọn những thành phố có quy mô lớn, dân số lớn nên Đà Nẵng đã không nằm trong số đó, chứ không phải “trượt”.
Năm 2018, tạp chí du lịch Live and Invest Overseas (LIO) công bố danh sách 10 địa điểm tốt nhất để sống ở nước ngoài, trong đó có Đà Nẵng. Theo Kathleen Peddicord, nhà sáng lập LIO, “thành phố lớn thứ 3 VN là sự kết hợp hoàn hảo giữa dư vị quá khứ và tinh thần đổi mới hiện đại”.
Ông Đặng Việt Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng: Lâu nay nói “thành phố đáng sống” chủ yếu là cảm nhận của du khách khi đến thành phố cảm thấy an toàn, thân thiện, trong lành, sạch sẽ, thoáng mát và nghĩ đó là “đáng sống”.
Trong nước chưa có một cuộc thăm dò, bầu chọn, thậm chí chưa có một tiêu chí chung cụ thể nào để xếp hạng mà tùy thuộc vào từng địa phương.
Ngày 27.2, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức buổi tọa đàm lấy ý kiến của lãnh đạo các sở ban ngành về Bộ tiêu chí xây dựng “thành phố đáng sống” của Đà Nẵng. Tuy nhiên, danh xưng (hay danh hiệu) thành phố đáng sống mà du khách gắn cho và nhiều người biết đến, theo tôi, còn vinh dự hơn bất cứ cuộc bình chọn nào.
Con người của thành phố đáng sống

Cho dù rồi đây thành phố có định ra được tiêu chuẩn “thành phố đáng sống” hay không, thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Bởi tiêu chí đó cũng là để hướng đến con người.

Thuật ngữ “thành phố đáng sống” trên thế giới hiện nay được dùng với hàm nghĩa cơ bản là thành phố quản trị tốt để có sự phát triển hài hòa cả về kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội một cách bền vững, nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Từ đó cho thấy, nó có 2 vế: định lượng và định tính. Định lượng là phần có thể đo đếm được (về tiêu chí phát triển kinh tế- xã hội). Phần định tính, có thể nói nôm na là sự cảm nhận của người dân và du khách. Cảm nhận của chính người dân của thành phố về thành phố, sự hài lòng về điều kiện sống, về dịch vụ y tế, giáo dục, sự phục vụ... Còn cảm nhận của du khách là cảm nhận về chính con người ở thành phố này.
Như vậy, có thể nói, con người thành phố Đà Nẵng có ý nghĩa quan trọng trong trong việc làm nên “thương hiệu” của thành phố.
Lâu nay, nói đến Đà Nẵng đầu tiên người ta thường nói về sự thân thiện của con người nơi đây. Người Đà Nẵng, cho đến bây giờ cơ bản vẫn giữ được tính cách đó. Nếu được người khác hỏi đường, người Đà Nẵng sẽ trả lời và chỉ dẫn rất tận tình. Trong nhiều trường hợp, họ còn có thể dẫn đi đến nơi. Đó là điều không phải nhiều nơi làm được.
Đà Nẵng còn được biết đến từ những việc tưởng rất bình thường. Anh Nguyễn Hồng Lợi, một người hay đến công tác tại thành phố, nói rằng trong 10 năm liên tục, mỗi lần anh đi taxi từ ga tàu về chi nhánh công ty, tài xế taxi đều cho xe đi theo lộ trình ngắn nhất, chưa bao giờ có trường hợp nào đi vòng vèo để “câu đường”.
Cảnh sát giao thông là những người, có thể nói, góp phần làm nên thương hiệu địa phương mình một cách tốt nhất và nhanh nhất. Địa phương có thể làm đủ mọi biện pháp để “lấy lòng” du khách nhưng mỗi lần họ nghĩ, đến đó, CSGT quá sức phiền hà, vậy là hỏng hết. Một địa phương gần Đà Nẵng thôi, CSGT chưa bao giờ làm người hướng dẫn, chỉ dẫn mà chỉ làm sao để phạt cho được, không lý này thì lý khác, rất nhũng nhiễu, vậy là hỏng. CSGT Đà Nẵng có tiếng là thân thiện. Tất nhiên, đâu đó cũng có những trường hợp này nọ, nhưng rất hãn hữu. Ví dụ, đi vào đường cấm hoặc ngược chiều, nếu là người sống ở Đà Nẵng thì bị phạt nhưng người nơi khác đến thì được nhắc nhở (vì chưa quen đường). Thế thôi, cũng làm cho du khách rất có cảm tình.
“Gánh nặng”
Để giữ được “thương hiệu” thành phố đáng sống không phải dễ.
Như trên đề cập, trước hết phải do con người. Thời gian gần đây, các vụ “lùm xùm” như việc nhiều lãnh đạo bị kỷ luật, người có chức vụ cao bị cách chức, một doanh nhân “đình đám” đào thoát rồi bị bắt, vụ đào xới Sơn Trà, những vụ “chặt chém” du khách ở vài khách sạn, nhà hàng, một vài vụ xâu ẩu, đánh nhau, lừa đảo, nghiện ngập, buôn bán ma túy, vài vụ tài xế taxi tính tiền bắt chẹt hành khách nước ngoài... được báo chí phản ánh và mạng xã hội lan truyền. Những luồng thông tin đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của thành phố.
Người viết bài này không đồng tình với quan điểm của một tờ báo hình, khi chỉ ghép vài vụ quấy rối trên đường phố rồi đặt cái tít rất nặng nề: “Thành phố đáng sống chỉ còn hư danh”. Đó là một phản ánh phiến diện và không có tính xây dựng.
Nếu “nhìn đâu cũng thấy vi trùng” thì cái nhìn sẽ tiêu cực, và nói thật, chỉ có thiên đường mới hoàn hảo (mà chưa ai trong chúng ta thấy được thiên đường).
Nói thế để mà nói, Đà Nẵng có còn đáng sống hay không không chỉ phụ thuộc vào con người Đà Nẵng mà cả du khách, những người đến làm ăn ở thành phố này.
Trong nhiều cuộc hội thảo, nhiều người đặt ra vấn đề, ở khía cạnh do Đà Nẵng có nhiều dân nhập cư nên tính cách, phong cách rất đa dạng, cái hay cũng có mà cái dở cũng nhiều, thậm chí dở nhiều hơn hay. Người Đà Nẵng không nói và không thích nói kiểu “Anh nói cho chú biết”, “Bố bảo mày nhé”... Họ không thích thì ta đừng nói. Và nếu nói theo cách của họ hay hơn, thân thiện hơn thì ta nên nói. “Nhập gia tùy tục” là thế.
Cho dù rồi đây thành phố có định ra được tiêu chuẩn “thành phố đáng sống” hay không, thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Bởi tiêu chí đó cũng là để hướng đến con người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.