Khi niềm tin bị đánh mất
Không ít bạn trẻ khi vào thành phố học tập hay làm việc, vì ảnh hưởng bởi những câu chuyện của người đi trước hoặc gặp phải những tình huống, bất cập không mong muốn tồn tại quá nhiều, từ đó dẫn đến mất niềm tin vào mọi thứ và các bạn gọi đấy là những nỗi sợ không tên.
Trần Thị Ngọc Hương, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, kể: “Một lần tình cờ đang đi mua sắm tại đường Tô Hiến Thành (Q.10), lúc đó cũng khoảng 19 giờ, một bác gái lại xin quá giang xe để về vì trong người không còn đồng bạc nào hết. Nhưng chỉ cần mới thấy bác lại gần là đã né người sang một bên vì lúc đó hay lan truyền chuyện bùa ngãi nên mình rất sợ. Né sang một bên rồi mình nói với bác là mình không về cùng đường, để bác quá giang người khác. Nhưng khi đi về rồi mình thấy cắn rứt lương tâm, tự nghĩ nếu lỡ bác đang gặp khó khăn thật mà mình không giúp thì sao. Nhưng nói thật là từ ngày vào trong này sống, mình nghe và chứng kiến nhiều vụ lừa đảo rồi nên mình sợ lắm”.
tin liên quan
Khi người ta trẻ: Hãy cho đi
Kể xong, Hương nói tiếp: “Thú thật, mọi người nghĩ người trẻ tụi mình giờ vô tâm, nhưng nói như thế thì cũng oan cho tụi mình. Giờ ra đường đâu dám tin, làm sao để biết được đâu là thật, đâu là giả. Phòng vẫn hơn mà”.
Câu chuyện của Đặng Thị Mỹ Linh, sinh viên năm cuối Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, còn buồn hơn. Linh kể: “Một lần đi sinh nhật bạn về thì xe bị thủng bánh nên phải dắt bộ tìm quán sửa xe, lúc đó cũng gần 24 giờ nên các quán sửa xe nghỉ hết, đi một đoạn dài vẫn không tìm thấy quán. Bổng có 2 anh từ đằng sau chạy đến, nói ngồi lên để một anh chở rồi, người còn lại sẽ giúp đẩy xe đi sửa. Nhưng sợ bị lừa nên em từ chối. Dắt thêm đoạn nữa thì các anh lúc nãy chở một thợ sửa xe lại và vá ngay tại chỗ cho em. Khi về em kể lại cho bạn cùng phòng nghe, nhưng bạn ấy vẫn không tin và nói ở thành phố này tìm đâu ra người tốt thế. Từ đó em mới nhận ra là nhiều khi mình sợ nhiều thứ quá rồi hoài nghi cả lòng tốt của người khác”.
Đèn xanh bạn có tự tin đi?
Chỉ mới vừa nhắc đến lý do vì sao lại sợ nhiều thứ đến như vậy? Hương hỏi ngược lại tôi: “Có bao giờ đi ngoài đường, khi từ đèn đỏ chuyển sang đèn xanh chị tự tin chạy xe liền không?”. Chưa kịp trả lời, Hương đã nói tiếp: “Em thì chưa bao giờ. Mà em thấy hầu hết ai cũng vậy, đèn xanh nhưng phải nhìn trái nhìn phải xem có ai vượt đèn đỏ không, nếu không bị đâm cái là chết. Hay đơn giản giờ ai đó nói là bán thực phẩm sạch, chị có tin 100% không. Chắc chẳng ai dám tin đâu”.
Còn Nguyễn Công Huy, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thì chia sẻ: “Tôi sợ nhất là cảnh cô đơn nơi Sài Gòn, mà ở đây không phải cô đơn vì không có ai, mà cô đơn vì sự ghẻ lạnh giữa người với người. Có lần trong đêm khuya đi về, xe lủng bánh chẳng tìm được chỗ vá và xin gửi xe nhờ ở những ngôi nhà đang sáng điện, nhưng chẳng ai cho. Họ sợ phiền phức, họ sợ nếu có chuyện gì đó xảy ra lại phải bồi thường. Nếu ở quê tôi, ai cũng sẽ cho gửi nhờ rồi mai đến lấy, và tôi có thể bắt xe ôm về”.
Và Huy kể tiếp câu chuyện thứ 2: “Một lần khác, trên chuyến xe buýt, tôi và rất nhiều người khác nhìn thấy một kẻ móc túi, nhưng chẳng ai hó hé ra một tiếng. Họ sợ liên lụy đến mình. Tôi thì cố chen lấn lên để nhắc nhở người bị móc túi nên cảnh giác, kẻ móc túi thấy liền chỉ mặt hăm dọa tôi, và khi đó những người khác, dẫu thấy cũng làm ngơ chẳng ai bênh vực tôi”.
Dễ hình thành thói quen vị kỷ
Theo anh Đặng Hoàng An, giảng viên tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết điều dễ thấy ở các bạn trẻ mất niềm tin là tâm lý hoài nghi về mọi thứ xung quanh, nếu điều này tồn lại lâu ngày thì sẽ khiến các bạn ấy sống thu mình lại và thói quen vị kỷ dần hình thành. Một khi niềm tin bị đánh mất hay đặt nhầm chỗ rất dễ tạo ra cảm giác hẫng hụt, bất mãn, làm cho cuộc sống bị mất cân bằng. Trong khi các bạn trẻ kinh nghiệm sống còn hạn chế thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất (mất ngủ, chán ăn, stress,…) và tinh thần (thờ ơ, bi quan, tư duy thiếu tích cực,…). Và đôi khi còn tự đánh mất cơ hội quý đáng có hay từ chối lòng tốt của người khác dành cho mình.
Theo anh An có nhiều lý do để khiến các bạn trẻ mất niềm tin vào cuộc sống như kinh nghiệm sống của người trẻ còn hạn chế, thiếu sự định hướng từ gia đình và nhà trường, xã hội thiếu công bằng, lắm nhiễu nhương, rồi tác động từ nền kinh tế thị trường,…
“Điều đầu tiên mà các bạn trẻ cần có là giữ cho mình 'cái đầu lạnh và trái tim nóng' để phân định được đúng - sai, điều nên - không nên làm và hành xử nhân văn, sống có trách nhiệm và bớt vô cảm. Đây là việc làm rất khó cần có sự khổ luyện và kiên trì. Thứ 2 là tập cho mình tính tư duy tích cực, nghĩa là khi gặp bất kỳ tình huống khó khăn hay vất vả thì phải nghĩ đến tính hai mặt của vấn đề. Bên cạnh đó, nên duy trì thói quen sống tích cực, khi có quyết định muốn giúp đỡ người khác thì đừng quá đặt nặng vấn đề sẽ nhận lại được gì,…”, anh An khuyên.
Bình luận (0)