Sống ở TP.HCM: Chợ Bình Tây, biểu tượng trăm năm khu người Hoa

22/02/2025 04:39 GMT+7

Ở trung tâm Q.6, chợ Bình Tây được xem là một trong những ngôi chợ lớn nhất TP.HCM. Chợ mang dáng dấp kiến trúc Á Đông độc đáo và là điểm giao thương sầm uất của thị dân hơn cả trăm năm nay.

Giữa lòng TP.HCM hiện đại, chợ Bình Tây tồn tại như một nhân chứng lịch sử, phản chiếu đậm nét văn hóa và đời sống của cộng đồng người Hoa suốt hơn một thế kỷ qua. 

Không chỉ là nơi giao thương nhộn nhịp, khu chợ này còn là biểu tượng của sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo về kiến trúc, ẩm thực…

Một biểu tượng văn hóa của TP.HCM

Các khu chợ ở TP.HCM không đơn giản chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là minh chứng cho sự phát triển và thay đổi không ngừng của thành phố này.

Sống ở TP.HCM: Chợ Bình Tây, biểu tượng trăm năm khu người Hoa- Ảnh 1.

Chợ Bình Tây chính thức khánh thành vào năm 1930

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Chúng tôi đến chợ Bình Tây vào một sớm cuối tuần, vừa đặt chân đến đây đã vội cảm nhận được không khí sầm uất, náo nhiệt bên trong. Khuôn viên chợ Bình Tây tọa lạc giữa 4 tuyến đường Tháp Mười - Lê Tấn Kế - Phan Văn Khỏe - Trần Bình.

Theo nhiều tư liệu, chợ được một thương gia người Hoa tên Quách Đàm bỏ tiền ra xây dựng, chính thức khánh thành vào năm 1930. Trải qua 2 lần trùng tu và sửa chữa, năm 2015 chợ được Trung tâm bảo tồn di tích thuộc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Sống ở TP.HCM: Chợ Bình Tây, biểu tượng trăm năm khu người Hoa- Ảnh 2.

Cổng chính chợ Bình Tây thu hút đông đúc người đến mua hàng và tham quan

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Trong chợ Bình Tây ở TP.HCM, có nhiều tiểu thương đã gắn bó hàng thập kỷ. Không chỉ là nơi mưu sinh, họ dần xem nơi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình, lưu giữ biết bao buồn vui trong cuộc sống.

Dừng chân tại sạp hàng của bà Mai Quế (52 tuổi) trong chợ Bình Tây, chúng tôi được bà kể cho nghe về những năm tháng tuổi trẻ của bà tại khu chợ sầm uất này. Bà Quế sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, bắt đầu bán bánh kẹo, các loại mứt, thực phẩm khô ở chợ từ những năm 20 tuổi.

“Tôi đã gắn bó với chợ Bình Tây hơn nửa đời người. Hồi trẻ, tôi hay theo mẹ ra chợ phụ giúp, rồi dần dần kế nghiệp bà ấy. Thời gian trôi qua, tôi cùng với các chị em ở đây đã chứng kiến bao đổi thay. Từ khi chợ còn được xây dựng đơn sơ, đến khi mở rộng, rồi trùng tu khang trang như bây giờ. Khu chợ này được xem là niềm tự hào của cộng đồng người Hoa ở TP.HCM, cũng là biểu tượng của cả thành phố vì ai đến đây du lịch cũng phải đi chợ thử một lần”, bà Quế nói.

Sống ở TP.HCM: Chợ Bình Tây, biểu tượng trăm năm khu người Hoa- Ảnh 3.
Sống ở TP.HCM: Chợ Bình Tây, biểu tượng trăm năm khu người Hoa- Ảnh 4.
Sống ở TP.HCM: Chợ Bình Tây, biểu tượng trăm năm khu người Hoa- Ảnh 5.
Sống ở TP.HCM: Chợ Bình Tây, biểu tượng trăm năm khu người Hoa- Ảnh 6.

Đa dạng các mặt hàng được bán tại chợ Bình Tây

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Theo chia sẻ của nữ tiểu thương, trong kinh doanh, người Hoa cực kỳ chú trọng chữ tín và sự đoàn kết. Chợ Bình Tây bán đa dạng mặt hàng, nhiều nguồn gốc xuất xứ nhưng các tiểu thương luôn ưu tiên bán đồ có nguồn gốc an toàn.

Đó cũng là lý do mà nhiều sạp hàng đã tồn tại được hơn mấy chục năm. Hơn thế, tư tưởng "buôn có bạn, bán có phường” cũng rất được người Hoa coi trọng.

“Ở đây, cùng một mặt hàng nhưng nhiều người bán. Chúng tôi luôn tôn trọng lẫn nhau, ai thuận mua thì vừa bán chứ không chơi xấu, phá giá. Ai buôn bán lâu năm cùng nhau ở chợ đều xem nhau như bạn bè, người thân. Thời gian sau dịch Covid-19, nhiều người khó khăn phải đóng sạp, chúng tôi buồn không nói nên lời”, bà Quế tâm sự.

Nét độc đáo chợ Bình Tây không nơi nào có được

Giữa lòng TP.HCM phồn hoa, chợ Bình Tây lặng lẽ tồn tại như một nét chấm cổ xưa giữa những đổi thay không ngừng của thành phố. Người ta đến đây không chỉ để mua bán, mà còn để cảm nhận nét kiến trúc độc đáo của một khu chợ lâu đời.

Sống ở TP.HCM: Chợ Bình Tây, biểu tượng trăm năm khu người Hoa- Ảnh 7.
Sống ở TP.HCM: Chợ Bình Tây, biểu tượng trăm năm khu người Hoa- Ảnh 8.
Sống ở TP.HCM: Chợ Bình Tây, biểu tượng trăm năm khu người Hoa- Ảnh 9.
Sống ở TP.HCM: Chợ Bình Tây, biểu tượng trăm năm khu người Hoa- Ảnh 10.

Các gian hàng tại chợ Bình Tây

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Chợ Bình Tây được người Pháp thiết kế nhưng tổng thể công trình lại mang đậm phong cách Á Đông. Chợ có mặt bằng hình chữ nhật, tọa lạc trên diện tích khoảng 25.000 m².

Điểm nhấn kiến trúc nổi bật nhất của chợ là tòa tháp chính sừng sững với 4 mặt đồng hồ, cùng hình ảnh "lưỡng long chầu châu" mang đậm dấu ấn phong thủy phương Đông. 

Mái chợ được lợp bằng ngói âm dương, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố thẩm mỹ và công năng, giúp không gian bên trong luôn thông thoáng. Đặc biệt, phần mái ở các góc có những đường nét uốn lượn mềm mại, tương tự lối kiến trúc chùa chiền truyền thống của phương Đông.

Chợ Bình Tây được xem là khu chợ sầm uất tại TP.HCM với hơn 2.000 sạp hàng, cung cấp đa dạng mặt hàng từ tiêu dùng hằng ngày đến các sản phẩm xuất khẩu sang các nước.

Sống ở TP.HCM: Chợ Bình Tây, biểu tượng trăm năm khu người Hoa- Ảnh 11.
Sống ở TP.HCM: Chợ Bình Tây, biểu tượng trăm năm khu người Hoa- Ảnh 12.
Sống ở TP.HCM: Chợ Bình Tây, biểu tượng trăm năm khu người Hoa- Ảnh 13.

khu chợ sầm uất tại TP.HCM với hơn 2.000 sạp hàng

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Bên trong khuôn viên chợ có một tầng trệt và một tầng lầu, chia thành nhiều gian hàng riêng biệt. Các lối đi được thiết kế khoa học, tạo sự thuận tiện cho cả tiểu thương lẫn khách mua sắm. 

Khu tầng trệt bán các mặt hàng gia dụng như chén đĩa, nhang đèn, giày dép, trang sức. Khu đường Lê Tấn Kế nổi tiếng với các loại hải sản khô, rau củ quả, trầu cau. Khu đường Trần Bình chuyên cung cấp hải sản tươi sống. Khu đường Phan Văn Khỏe bày bán thịt, trứng, cá và các thực phẩm tươi sống khác.

Nằm ngay giữa khuôn viên chợ Bình Tây là một khu vực thờ cúng đặc biệt. Ở đây có tượng bán thân của Quách Đàm, thương nhân đã bỏ tiền bạc xây dựng chợ, cùng 4 con rồng phun nước và 4 con kỳ lân uy nghiêm. 

Các tiểu thương của chợ cho hay, họ thường hay lui tới khu vực này thắp hương để cầu mong buôn may bán đắt. Không những vậy, chốn linh thiêng này còn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh và tìm hiểu về lịch sử của chợ.

Sống ở TP.HCM: Chợ Bình Tây, biểu tượng trăm năm khu người Hoa- Ảnh 14.
Sống ở TP.HCM: Chợ Bình Tây, biểu tượng trăm năm khu người Hoa- Ảnh 15.

Chợ Bình Tây có một khu thờ cúng đặc biệt

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Một điểm cộng lớn của chợ là sự thân thiện của các tiểu thương. Dù là một khu chợ lâu đời, mang tính thương mại cao, nhưng khách mua sắm không hề gặp phải tình trạng “chặt chém” hay chèo kéo. Các chủ sạp luôn niềm nở, sẵn sàng tư vấn sản phẩm một cách nhiệt tình, thậm chí có thể trò chuyện với khách hàng bằng tiếng Việt và tiếng Hoa.

Dù đã trải qua hàng chục năm tồn tại, chợ Bình Tây vẫn giữ được sức hút riêng, trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ đối với du khách khi đến TP.HCM. 

Ngày nay, chợ Bình Tây vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống người dân, vừa là nơi mua bán, vừa là điểm đến của những ai muốn cảm nhận một phần Sài Gòn xưa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.