Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), lòng tôi lúc nào cũng bồi hồi đến lạ. Trên những chuyến bay ấy, có người ôm theo nỗi nhớ quê hương, cũng có người ôm theo một giấc mộng lớn. Họ mơ có một ngày mình sẽ thật sự chinh phục được thành phố này.
Không riêng tôi, TP.HCM cũng là nơi bắt đầu giấc mơ của rất nhiều người trẻ khác…
TP.HCM, nơi ta được vẫy vùng
Ra khỏi văn phòng làm việc lúc 10 giờ đêm, anh Huỳnh Triệu Phúc (23 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) tranh thủ tạt vào quán “ruột” ăn một tô hủ tiếu gõ. Lên TP.HCM gần 5 năm, anh nói mình vẫn chưa hiểu hết về thành phố này, chỉ biết rằng nó rất đáng sống, đáng để vẫy vùng, thử thách trong những tháng năm tuổi trẻ.
Anh Phúc là người con của mảnh đất Phú Yên, hiện đang làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường. Tôi hỏi anh lý do vì sao hồi đó chọn TP.HCM, anh đăm chiêu một lúc rồi mới trả lời: “Hồi đó có biết gì đâu, nghe người ta bảo TP.HCM đẹp và năng động, cơ hội việc làm cũng nhiều nên cứ liều lĩnh mà đi. Tuổi trẻ mà, ai chẳng muốn được một lần bơi giữa biển lớn, có gì để mất mà sợ”.
Anh Phúc có cách ví von về TP.HCM rất thú vị. Trong mắt anh, TP.HCM giống như một tách cà phê. Khi uống vào sẽ thấy đắng nhưng hậu vị để lại lúc nào cũng gây thương nhớ.
“Lúc trước tôi không uống được cà phê, chỉ cần một ngụm nhỏ cũng khiến tim đập nhanh, xây xẩm mặt mày. Vậy mà uống quen lại thấy ngon, ngày nào cũng phải làm một ly mới tập trung làm việc được. Cũng giống như TP.HCM, thời gian đầu đến đây còn lạ lẫm, nhìn đâu cũng thấy xô bồ, chuyển động. Nhưng ở lâu lại thấy nơi này đáng sống, luôn khiến người ta khắc khoải mỗi lần rời xa”, anh Phúc lý giải.
TP.HCM luôn mang đến cho con người một nguồn năng lượng trẻ trung, sôi động, tự do, phóng khoáng. Đây cũng là nơi cho anh được phát triển, thỏa niềm đam mê, cháy hết mình với công việc anh yêu thích.
“TP.HCM là một thành phố rất công bằng, tôi nghĩ mình bỏ ra bao nhiêu nỗ lực sẽ được nơi này đền đáp lại bấy nhiêu, thậm chí còn nhiều hơn. Mà nơi đây có cái hay, người ta hiếm khi để tâm đến việc bạn là ai, xuất phát điểm như thế nào, chỉ cần đặt chân đến, chúng ta đều sẽ bình đẳng, đều là những chiến binh đang theo đuổi giấc mơ của riêng mình”, anh Phúc bộc bạch.
Anh Phúc nói, người ta khó lòng mà chán ghét nơi này. TP.HCM được tạo nên bởi những điều bình dị, tử tế. Một anh chạy xe công nghệ sẵn sàng giúp đỡ người bị nạn, cô công nhân mua ủng hộ mấy em nhỏ tờ vé số lúc dừng đèn đỏ. Những hộp cơm, tô hủ tiếu, hộp sữa miễn phí chẳng bao giờ thiếu. Hay chính bản thân anh cũng được yêu thương bởi những người xa lạ.
Nói thế thôi chứ cũng có lúc, anh Phúc thấy "sợ hãi" vô cùng, không dám đối diện với thực tại: sự cạnh tranh và áp lực cơm áo gạo tiền khiến anh đôi khi thấy mình nhỏ bé, không thuộc về nơi này… Nhưng khi trải qua rồi, anh lại thấy biết ơn vì nó giúp anh trưởng thành, vững vàng bước tiếp.
Nói đoạn, anh cho tôi xem một vài bức hình người thân và ngôi nhà của mình ở quê. Anh nói ít lâu nữa sẽ đón mẹ lên TP.HCM chơi, để mẹ cũng được trải nghiệm những điều tuyệt vời nhất của thành phố này.
Giữa đêm muộn, tôi thấy mắt anh lấp lánh khi kể về những giấc mơ của mình ở TP.HCM.
TP.HCM không tính thuế ước mơ
Rời quê hương Bình Định lên TP.HCM học tập, chàng trai Đỗ Văn Chính (21 tuổi, ở TP.Thủ Đức) khiến tôi rất ngạc nhiên khi hỏi: “Bộ trên Q.1 đẹp lắm hả chị, em xem trên mạng thấy mà mê”. Hỏi ra mới biết, toàn bộ thời gian của Chính đều để dành đi học và đi bán Takoyaki (một loại bánh có nhân bạch tuộc, xuất phát từ Nhật Bản) kiếm thêm thu nhập. Lên thành phố gần 3 năm, Chính chỉ quanh quẩn ở trường học, chỗ bán và chiếc phòng trọ nhỏ xíu xiu.
Gia đình Chính không khá giả, mẹ làm nông dân còn ba lên Đắk Lắk để phụ hồ. Trong nhà, Chính là anh hai nên từ sớm đã đi làm thêm để có tiền trang trải, phụ mẹ nuôi em ăn học.
“Hồi trước, gia đình ngăn cản em lên TP.HCM học nhưng có gì đó cứ thôi thúc trong tim khiến em phải đi. Sống ở đây em hạnh phúc lắm, cái cảm giác mà về quê hay đi bất kỳ đâu cũng không thể nào có được”, Chính gãi đầu ngại ngùng. Anh bạn mời tôi ăn thử vài chiếc bánh bạn ấy bán, bánh thơm, nóng hổi và rất lạ miệng.
Tôi thương Chính như em trai, hiểu cái cảm giác đi xa quê, một mình bươn chải vất vả thế nào. Vậy mà hay, Chính lúc nào cũng tươi cười lạc quan: “Có mấy hôm bán ế, em ăn bánh thay cơm, ăn miết mà ngán. Nhưng mà vui lắm chị, có mấy cô chú thấy em ế nên mua ủng hộ. Họ già rồi, không biết Takoyaki là chi, vậy mà vẫn mua. Có cô chủ nhà thì lâu lâu lại miễn phí cho em tiền mặt bằng, cô bên cạnh cho xài nước ké. Có gì ngon là to nhỏ gọi em vào ăn cùng. Người TP.HCM dễ thương và bao dung, may có họ em mới vượt qua được tháng ngày khó khăn đó”, Chính tâm sự.
Nhìn dáng người nhỏ gầy, tấm áo ướt đẫm mồ hôi có thể thấy Chính đã phải nỗ lực thế nào khi sống ở TP.HCM. Thật lạ, tôi chưa bao giờ thấy Chính than mệt, ngược lại còn luôn miệng bảo sống ở TP.HCM vui lắm, thích lắm.
“Bây giờ cuộc sống khó khăn, em sẽ làm hết sức, làm gì cũng được, miễn sao được ở lại TP.HCM. Em ước mơ nhiều lắm, nhằm khi bạn bè còn nói em bị ảo tưởng. Nhưng tương lai còn dài, em tin chỉ cần mình chịu khó, TP.HCM nhất định sẽ không bạc đãi”, Chính vừa nói vừa lật nhanh mấy chiếc bánh tròn vo trên bếp.
TP.HCM cho Chính sức mạnh để đương đầu với khó khăn. Ở đây, chàng sinh viên ấy luôn có cảm giác tự tin, được lắng nghe, được tôn trọng. Mỗi khi mệt mỏi, Chính đều tự nhắc nhở mình phải vững lòng, có thể đây sẽ là một bước lùi để tiến bước xa hơn.
“TP.HCM không tính thuế ước mơ của ai, vậy nên em sẽ mơ thật nhiều. Một ngày nào đó, em nhất định sẽ đặt chân đến tòa Landmark để nhìn thành phố về đêm. Em sẽ trải nghiệm hết tất cả những địa điểm nổi tiếng ở đây, len lỏi từng ngõ ngách để khám phá. Em sẽ có cho mình một chỗ ở rộng rãi, thoáng mát hơn; tốt nghiệp đại học và có một công việc tốt. Như vậy, ba mẹ không phải lo cho em nữa. TP.HCM là mảnh đất cho những kẻ mộng mơ. Còn chị, chị có ước mơ chi khi sống ở đây?”, Chính nhoẻn miệng cười, tay lau mồ hôi đang nhỏ giọt trên trán.
TP.HCM dễ sống nhưng sống không dễ
Ông Lê Văn Thành (nguyên Trưởng phòng Văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), cho biết ngoài lý do kinh tế, rất nhiều người chọn đến TP.HCM vì bị thu hút bởi “ánh sáng đô thị”. Người ta thường có xu hướng thích đến những thành phố văn minh, hiện đại, tiện nghi. Đặc biệt, trong thời buổi hiện nay việc di chuyển từ nơi này đến nơi khác ngày càng dễ dàng nên không ít người đã chọn vào TP.HCM sinh sống.
“TP.HCM là thành phố dễ sống nhưng sống không dễ. Thành phố này đất chật người đông nên mức độ cạnh tranh cũng rất khủng khiếp. Bên cạnh đó, thành phố lớn có nhiều cám dỗ, dễ khiến con người ta sa ngã. Muốn đứng vững ở đây, chúng ta phải thật sự nỗ lực, có ý chí vươn lên, kỷ luật với chính bản thân mình”, ông Thành nói.
Bình luận (0)