Sống ở TP.HCM: Người bố đơn thân chỉ ước mong con được đến trường

08/12/2024 04:00 GMT+7

Phận ‘gà trống nuôi con’, ước muốn duy nhất của ông Lê Xuân Hoàng (61 tuổi, TP.HCM) là cho hai đứa con được ăn học đến nơi đến chốn.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, ánh mắt người cha ở TP.HCM vẫn chứa đựng tình thương vô hạn, đầy ắp niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn. Trong từng ánh nhìn, ông gửi gắm hy vọng về một tương lai tươi sáng cho gia đình mình. TP.HCM không chỉ là nơi ông sinh sống mà còn là nơi ông ấp ủ những giấc mơ cho con cái. Bài học về tình yêu thương và sự kiên trì là món quà quý giá nhất ông để lại cho thế hệ sau.

21 giờ, tôi gặp ông Hoàng và bé Duyên (3 tuổi) ở góc ngã tư đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Ông Hoàng đang ăn vội hộp cơm từ thiện, còn bé Duyên thì ngồi nghịch mấy chiếc lá trên nền đất. Vợ bỏ đi lúc Duyên chỉ mới 8 tháng tuổi, một mình ông gồng gánh nuôi hai con đến nay. Cuộc sống cả gia đình chỉ dựa vào mấy cây chong chóng giấy do ông tự tay làm.

Tình cha con thiêng liêng

Mỗi ngày, ông Hoàng chở theo bé Duyên từ Đồng Nai lên TP.HCM bán chong chóng. Vì kinh tế khó khăn, gia đình ông phải chấp nhận dời ra phía ngoài thành phố để thuê một căn phòng trọ giá rẻ.

Bán chong chóng đã hơn 25 năm, ông nói đời mình buồn vui có đủ, “mà nỗi buồn chiếm hơn nửa cuộc đời”. Mất cha mẹ từ sớm, ông lái xe đi bán chong chóng khắp các nẻo đường TP.HCM. Ngày trước cũng từng bỏ mối cho nhiều nơi nhưng giờ đây loại chong chóng giấy này đã “hết thời”.

Sống ở TP.HCM: Người bố đơn thân chỉ ước mong con được đến trường- Ảnh 1.

Bé Duyên luôn quấn quít bên ba mình

ẢNH: THÁI THANH

“Để con đi bán cùng, chịu cảnh sương gió tôi cũng xót xa. Nhưng tôi chưa có điều kiện cho con đi mẫu giáo, đứa lớn gửi nhờ nhà hàng xóm, đứa nhỏ đành theo cha rong ruổi ngoài đường”, ông Hoàng nói.

Kể về hoàn cảnh của mình, ông Hoàng lặng người vài phút, cố nén tiếng thở dài. Vì lập gia đình muộn nên ở tuổi lục tuần, hai đứa con ông vẫn còn rất nhỏ. Người vợ không chịu được cảnh khốn khó nên cũng đã bỏ ba cha con mà đi, đến nay ngót nghét 3 năm.

Dẫu vậy, ông chưa từng một lần oán hận, ngược lại còn luôn mong mỏi vợ quay về. “Cũng là do tôi nghèo quá, không lo cho vợ được đầy đủ như người ta. Tôi đã già mà con lại nhỏ dại, mong vợ suy nghĩ mà quay về để con có đủ cả cha và mẹ. Tôi sẵn lòng bỏ qua, không trách móc gì cả”, ông Hoàng bộc bạch.

Ông Hoàng tự làm và bán chong chóng ở TP.HCM đã hơn 25 năm

Ông Hoàng tự làm và bán chong chóng ở TP.HCM đã hơn 25 năm

ẢNH: THÁI THANH

Người đàn ông ấy luôn tự dằn vặt bản thân, tự trách mình không lo được cho gia đình. Để hôm nay con cái cũng phải chịu cảnh cực khổ, không thể cho con một gia đình vẹn tròn.

Bé Duyên thông minh, hiểu chuyện. Lúc nào cũng ngoan ngoãn, tự chơi một mình để ba làm chong chóng, bán hàng. Thấy tôi đến, em sà vào lòng ôm chặt tôi rồi mếu máo. Dường như, bên trong đứa trẻ ấy, niềm khao khát tình thương của mẹ đang lớn lên từng ngày.

“Thấy có cô nào đến nó cũng chạy lại ôm vậy đó cô, chắc nhỏ nhớ mẹ. Cô thông cảm nhe cô”, ông Hoàng ngại ngùng.

Chiếc biển hiệu ông Hoàng được một nhóm bạn trẻ ở TP.HCM vẽ tặng

Chiếc biển hiệu của ông Hoàng được một nhóm bạn trẻ ở TP.HCM vẽ tặng

ẢNH: THÁI THANH

Giữa đêm muộn, hai cha con vẫn cười nói ríu rít với nhau, nhộn nhịp cả một góc đường. Cuộc sống cơ cực là thế, người cha ấy vẫn yêu thương con bằng tất cả những gì mình có. Có lẽ, cả một đời dài, ông Hoàng chỉ có một niềm vui duy nhất chính là hai đứa con thơ.

Mong được thấy con đến trường

Hơn 60 tuổi, sức khỏe ông Hoàng cũng bắt đầu yếu dần. TP.HCM những ngày này nắng mưa thất thường nên ông cũng đau nhức tay chân, cảm thấy mệt mỏi.

Vừa tỉ mẩn làm từng chiếc chong chóng, ông vừa kể về ước mơ lớn nhất của đời mình. Cả cuộc đời, ông chẳng dám mơ ước gì cho bản thân, chỉ mong sao có sức khỏe để đi bán kiếm tiền nuôi con học hành tới nơi tới chốn.

Bé Duyên ngoan ngoãn, hiểu chuyện, không quấy khóc để ba làm chong chóng

Bé Duyên ngoan ngoãn, hiểu chuyện, không quấy khóc để ba làm chong chóng

ẢNH: THÁI THANH

“Đời tôi khổ đủ rồi, nhất định phải cố gắng cho con đi học để có được chút chữ nghĩa. Có học vấn may sao mới đổi đời được. Nếu con cũng như tôi, phiêu bạt khắp nơi thì dễ bị người ta xem thường, rồi sau này dựng vợ gả chồng cũng vất vả. Hy vọng tương lai con được tươi sáng hơn, có công việc ổn định, an nhàn”, ông thủ thỉ.

Khi tôi hỏi Duyên có thích đi học không, em chỉ cười rồi chạy ùa tới ôm lấy ba. Tầm tuổi em, có lẽ phải được ở nhà học chữ, xem tivi, được ba mẹ cho đi khu vui chơi ngày cuối tuần. Em như “thứ trái cây chín sớm” vì nắng nôi, sương gió cuộc đời. Tuy chưa hiểu chuyện đời nhưng đã hiểu ba em phải vất vả, nhọc nhằn như thế nào, thương em ra sao.

Nhiều người ghé mua chong chóng ủng hộ hai cha con

Nhiều người ghé mua chong chóng ủng hộ hai cha con

ẢNH: THÁI THANH

Chỉ cần con được vui vẻ, được đi học, ông Hoàng sẵn sàng chịu mọi khổ cực. Ông tâm tình, ba cha con may mắn được người TP.HCM thương yêu, mua ủng hộ chong chóng thường xuyên. Mỗi ngày nếu thuận lợi, ông bán được khoảng 20 chiếc.

“Người ta mua thì hay bo thêm 5.000 - 10.000 đồng, nói tôi để dành mua bánh cho con. Có người mang cơm, sữa đến cho nên cũng đỡ đần được nhiều lắm. Tôi biết ơn các cô chú rất nhiều”, ông Hoàng nói.

Trò chuyện với ông Hoàng, tôi thật sự xúc động trước tình cảm cha con thiêng liêng, cao quý. Giữa những bộn bề, lo toan của cuộc sống, ba vẫn ôm ấp, che chở cho con, làm tất cả để con được vui vẻ.

Duyên ngủ thiếp đi trên vai ba

Duyên ngủ thiếp đi trên vai ba

ẢNH: THÁI THANH

Ghé mua ủng hộ ông Hoàng một chiếc chong chóng, chị Lê Thị Lan Hương (32 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) chia sẻ: “Thấy con mình được đầy đủ, chăn ấm nệm êm, tôi xót xa cho bé Duyên lắm. Đi ngang qua đây nhiều lần, lúc nào tiện tôi ghé vào mua cho chú cái chong chóng, tặng bé hộp sữa. Mong hai cha con được khỏe mạnh, sau này Duyên lớn lên, chắc chắn em sẽ rất thương ba của mình. Vì tất cả những nhọc nhằn ba đã trải qua”.

Tạm biệt tôi, hai cha con lại tiếp tục hành trình mưu sinh. Đằng sau nụ cười của ông Hoàng, tôi vẫn luôn cảm nhận được sự yếu đuối, có chút bất lực nhưng cố gượng. Một người đàn ông mạnh mẽ, có lẽ đã có nhiều đêm trằn trọc, nhiều lần rơi nước mắt trong âm thầm.

“Nhiều lần muốn buông xuôi nhưng khi nhìn hai đứa con ngủ ngon giấc, tôi lại tự động viên mình phải cố gắng lên. Có con là có tất cả rồi”, người đàn ông xúc động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.