Sẽ thật khó để tìm được một thành phố nào ở Việt Nam chấp nhận, yêu thương cộng đồng LGBT như TP.HCM. Nơi đây thường xuyên diễn ra các hoạt động dành riêng cho người đồng tính, tạo cơ hội để giao lưu, gặp gỡ, công ăn việc làm cho họ.
LGBT là cộng đồng của những người có xu hướng tính dục cũng như bản dạng giới khác với những người có xu hướng tính dục và bản dạng giới thông thường. Cộng đồng này bao gồm nhiều nhóm nhỏ khác như cộng đồng Les, cộng đồng Gay hay cộng đồng người chuyển giới...
Đến TP.HCM để làm con gái
Được cha mẹ đặt tên là Nguyễn Thành Công (32 tuổi, quê Sóc Trăng) nhưng từ lâu, mọi người đã quen gọi chàng thanh niên này là Tây Thy. Mà phải gọi là chị mới đúng vì giờ đây, Thy đã là một người phụ nữ thật sự sau khi trải qua cuộc phẫu thuật đau đớn vào năm ngoái.
Năm 14 tuổi, chị Tây Thy bắt đầu cảm nhận được giới tính thật sự của mình. Thy thích bộ bà ba màu hồng, màu tím, thích để tóc dài và chơi búp bê. Gia cảnh khó khăn, người thân chưa chấp nhận và bị làng xóm kỳ thị, đã nhiều lần Tây Thy nghĩ đến cái chết. Nhưng khao khát được làm con gái, được sống là chính mình cứ sục sôi bên trong; thế nên chị lên đường đi TP.HCM, lúc đó là năm 2017.
“Thời gian đầu lên TP.HCM cũng khổ lắm, làm đủ thứ nghề hết trơn. Được cái lên đây không còn sợ ai chê trách, kỳ thị. Đến năm 2021, tôi chuyển sang bán bắp nướng, được cộng đồng mạng ủng hộ nên khấm khá cho đến bây giờ. Nhờ có TP.HCM thương yêu, tôi đã thực hiện được ước mơ của mình là phẫu thuật chuyển giới”, chị Tây Thy bộc bạch.
Người TP.HCM không ai xa lạ với bắp nướng Tây Thy, nằm nép mình trên con đường Bình Thới (Q.11). Quán của chị luôn rộn rã tiếng cười nói của những vị khách thân quen.
Người ta biết đến Tây Thy không chỉ với hình ảnh một người con gái duyên dáng, tích cực mà còn là người có trái tim thiện lành. Lợi nhuận bán bắp nướng mỗi tháng, chị đều trích ra một phần nhỏ đến san sẻ với người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật.
“Tôi thấy mình đã nhận được quá nhiều yêu thương từ TP.HCM và những con người nơi đây nên muốn làm gì đó để trả ơn. TP.HCM tốt với tôi, với cộng đồng LGBT của tôi, luôn dang tay che chở, đón nhận mà không hề có sự phân biệt nào”, chị Thy nhìn vào mắt tôi, ánh mắt lấp lánh tự hào.
Ngẫm lại, nếu ngày trước không quyết định lên TP.HCM, chị Thy bảo rằng có lẽ mình sẽ chẳng bao giờ được làm con gái.
Chọn TP.HCM để “tỏa sáng”
“Ở TP.HCM, không cần biết bạn là ai, chỉ cần đến đây, bạn sẽ được chấp nhận, được sống như con người bạn vốn là”, anh Lâm Thắng (21 tuổi, ở Q.3) đã nói với tôi như thế.
Thắng sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, nơi mà cộng đồng LGBT có lẽ vẫn còn là một điều gì đó khá xa lạ. Không ít lần, Thắng tủi thân khi về quê mà phải cố gồng mình, không được trang điểm, điệu đà như trên thành phố.
“Kể từ ngày đến TP.HCM, cuộc sống mình đã thay đổi rất nhiều. Mình dám sống thật với bản thân, được làm những điều mà mình thích. Ở đây, hầu như không có sự kỳ thị LGBT, ai cũng hiểu, thương và quý”, Thắng bộc bạch.
Anh bạn cũng bày tỏ, LGBT không phải là một căn bệnh, không ai có thể “bẻ cong” hay lôi kéo người khác trở thành người đồng tính. Chỉ là những người như Thắng trước đây chưa có được một môi trường an toàn để thật sự sống là chính mình.
“Nhiều người vẫn giữ định kiến vào TP.HCM sống, gặp bê đê nhiều nên bị lây. Nhưng sự thật không phải vậy, đơn giản chỉ là họ đã tìm được một môi trường phù hợp để được sống và làm những điều mình mong muốn mà thôi”, Thắng khẳng khái.
Thắng nói với tôi, cái cảm giác không được là chính mình khó chịu lắm. Nó như một chiếc áo chật, gò bó khiến con người ta muốn nghẹt thở. TP.HCM đã cho Thắng sức mạnh để thoát khỏi chiếc áo chật chội đó và đi tìm hạnh phúc thật sự cho mình.
Tương tự như Thắng, Nguyễn Tuấn Kiệt là một chàng sinh viên từ quê hương Quảng Trị vào TP.HCM học tập. Kiệt nhảy rất đẹp, anh chàng hoạt động năng nổ trên mạng xã hội, có những clip nhảy thu về hàng nghìn lượt yêu thích. Trong những năm tháng sống ở quê, tuy không quá gò bó nhưng Kiệt cũng chưa được thật sự sống trọn vẹn với giới tính thật của mình.
“Cảm ơn TP.HCM đã luôn cho Kiệt cảm giác an toàn, được sống là chính mình, làm điều mình thích mà không bị dèm pha, soi mói”, đó là lời cảm ơn mà Tuấn Kiệt gửi đến TP.HCM, nơi đã cho bạn được sống và tỏa sáng theo cách riêng.
Cộng đồng LGBT ở TP.HCM rất đông, ngày càng phát triển và có nhiều hoạt động tôn vinh, mở rộng kết nối cho mọi người. Bản thân là một người hoạt động sôi nổi trong cộng đồng, Kiệt khẳng định sự đón nhận cộng đồng LGBT ở TP.HCM không thua kém gì các quốc gia văn minh khác trên thế giới.
“Sự bình đẳng, tôn trọng ấy không chỉ thể hiện bằng lời nói khẩu hiệu, mà còn thể hiện qua các hành động thực tế như tổ chức các chiến dịch nhằm xóa bỏ định kiến về cộng đồng LGBT, các quán cà phê, workshop dành riêng cho những trái tim ngũ sắc… Mình luôn trân trọng và biết ơn TP.HCM về tất cả”, anh bạn bộc bạch.
Bộ luật Dân sự sửa đổi 2015 có hiệu lực từ ngày 1.1.2017 nêu rõ:
"Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan".
Theo khẳng định của Bộ Y tế, đồng tính, song tính, chuyển giới không phải bệnh, không được ép buộc điều trị đối với các đối tượng này. Nếu như có cũng chỉ là việc hỗ trợ về mặt tâm lý và điều này phải được chính người có chuyên môn, hiểu biết thực hiện. Và người đồng tính, song tính, chuyển giới khi khám chữa bệnh hoàn toàn nhận được sự tôn trọng, công bằng, không có bất kỳ sự phân biệt, kỳ thị.
Bình luận (0)