Kể về cái ngày đầu tiên đặt chân lên TP.HCM, chị Trần Thị Thái Huyền (44 tuổi, quê Quảng Trị) đã từng mơ một ngày nào đó sẽ kiếm được số vốn rồi về quê sống bình yên cùng ba mẹ già. Nhưng thành phố nghĩa tình này, đã níu chân chị ở lại, dù đời công nhân sớm tối chỉ loanh quanh trong 4 bức tường.
Dằn vặt vì thấy mình bất hiếu
Tôi thường nghe chuyện về những người công nhân sống ở TP.HCM, có người nhiều năm chưa một lần về quê do không có điều kiện, cũng có người bị đồn bỏ đi biệt xứ.
Ghé xóm trọ nhỏ trên đường Tân Thới Nhất 1 (Q.12) vào một trưa cuối tuần, tôi gặp chị Huyền đang loay hoay nấu cơm. Bỗng ở phòng đối diện có tiếng gọi lớn: “Chị ơi, mẹ gọi”. Người phụ nữ ấy lật đật chạy sang, 2 tay lau vội mồ hôi trên trán rồi nhoẻn miệng cười tươi, nói: “Mẹ à, khỏe chưa đó? Chị em con chuẩn bị ăn cơm đây”.
Chị Thái Huyền vào TP.HCM mưu sinh từ năm 14 tuổi, ít lâu sau thì em gái Trần Thị Thái Hòa (40 tuổi) cũng theo chị vào đây. Trước khi làm công nhân, chị Huyền từng làm giúp việc, vú em, bưng bê tại nhiều cửa hàng, tích góp được một số tiền mới đi học nghề rồi sau đó xin vào một công ty may mặc để làm.
Nhiều năm qua, chị luôn sống trong nỗi nhớ thương ba mẹ, cũng không ít lần tự dằn vặt mình là một đứa con gái bất hiếu. Miệng đời chua cay, một nhà có đến 2 người con đi TP.HCM nên ba mẹ ở quê bị đồn thổi là “cay nghiệt quá mức nên con bỏ nhà mà đi”.
“Tha phương hơn 20 năm, tôi thấy mình có lỗi với ba mẹ nhiều lắm. Họ già rồi, mong được gần con gần cái, lúc nào gọi điện cũng hỏi tôi có tính về quê không. Bà con làng xóm cũng mỗi người một câu góp vào khuyên răn nhưng thật tâm mà nói tôi không có ý định về quê ở hẳn”, chị Huyền bộc bạch.
Hỏi tại sao thì chị cười xòa, nói rằng sống ở TP.HCM lâu rồi nên quen. Chị làm công nhân nhiều năm, giờ bảo tìm việc khác rồi bắt đầu lại từ đầu thì khó lắm. Vả lại, chị cũng đã gắn bó với TP.HCM gần nửa đời người, không thể nói bỏ là bỏ được.
Mỗi lần nghe ba mẹ ốm đau, chị Huyền cũng đứt ruột đứt gan, nhiều đêm tỉnh giấc, mở cửa ra ngoài hiên ngồi khóc một mình.
“Nhà có 2 chị em gái đều đi làm xa quê, ba mẹ tôi cũng buồn tủi nhiều. Họ cũng biết chúng tôi xem trọng TP.HCM như thế nào, dễ dàng gì mà từ bỏ một thứ đã gắn bó với mình rất lâu. Năm ngoái tôi đón ba mẹ vào chơi, họ cũng thích TP.HCM dữ lắm, đi đâu cũng thấy đẹp, thấy lạ”, chị Hòa lau nước mắt cho chị gái, tâm sự.
“Thương TP.HCM để đâu cho hết”
Ở TP.HCM, chị đã gặp chồng là anh Nguyễn Văn Anh (47 tuổi), cùng anh yêu thương rồi xây dựng tổ ấm. Chị Huyền tự hào kể lại, ngày xưa khi chị làm đám cưới, chị đã dùng hết số tiền tiết kiệm để chụp một bộ ảnh ở nhà thờ Đức Bà, có cả đàn bồ câu. Vì đó là hình ảnh đẹp nhất của cái thành phố nghĩa tình này trong mắt chị. Chứng kiến không ít sự thay đổi của nơi đây, chị ngày càng thương và xem như quê hương thứ hai.
“Những sự kiện quan trọng trong đời tôi đều gắn liền với TP.HCM, nhìn đâu cũng thấy thương, thấy nhớ. Sống ở đây, khó mà buồn được. Buổi tối tan làm thấy đường sá nhộn nhịp, nhai bịch bánh tráng trộn hay ăn tô hủ tiếu gõ, bao mệt mỏi đều tan biến liền”, chị Huyền cho hay.
Chị Huyền kể với tôi, năm 2009, chị có cùng chồng về quê, định bụng sẽ sinh con rồi sống yên ổn đến già. Nhưng nỗi nhớ TP.HCM cứ quay quắt, chị đành chờ con cứng cáp rồi khăn gói vào lại, “tái hợp” với thành phố này.
“Tôi không sinh ra ở TP.HCM nhưng lại lớn lên, trưởng thành nhờ sự bao dung của con người chốn thị thành. Khi tôi đói khát, cũng được bà chủ trọ san sẻ chén cơm nóng. Khi đi làm bị ngất xỉu vì kiệt sức, cũng là nhờ chị em đồng nghiệp xoa dầu, cạo gió. Ngày tôi biết tin mình có thai sau nhiều năm mong con, cũng là được người TP.HCM ôm lấy chúc mừng…”, chị Huyền nghẹn ngào.
Tuy đời sống công nhân quanh quẩn chỉ có công ty và căn phòng trọ nhỏ xíu nhưng chị Huyền vẫn hạnh phúc và thỏa mãn. Chọn gắn bó với mảnh đất này cũng là khi chị phải đánh đổi nhiều thứ.
“Vợ chồng tôi đã quyết định sẽ ở lại đây lâu dài, chờ con gái lớn lên, cho nó học hành, phát triển trong một môi trường năng động, cởi mở. Tôi mong con sẽ có cuộc đời tươi sáng, không chịu cảnh làm thuê, làm mướn vất vả như vợ chồng tôi. Ở thành phố lớn, con cũng sẽ được hưởng những điều tốt đẹp nhất”, anh Nguyễn Văn Anh (chồng chị Huyền) nói.
Ở càng lâu, càng giống người TP.HCM
Nhớ khi mới đến TP.HCM tìm việc, chị Huyền từng bị móc túi ở bến xe, lúc đó chị hoang mang và phải nhịn đói gần 2 ngày trời.
“Giờ nhớ lại, tôi thấy mình như siêu nhân. Thân con gái một mình đi tha phương, giọng miền Trung đặc sệt khiến người nghe chữ được, chữ mất. Hồi đó thấy mảnh đất này đáng ghét, có gì đâu mà ở. Nhưng gắn bó lâu rồi, tự nhiên thấy cũng dễ thương. Móc túi, cướp giật đã ít hơn hẳn”, chị Huyền tay phe phẩy chiếc quạt giấy, cười nói.
Giờ đây, khẩu vị ăn uống, giọng nói của chị Huyền cũng đã thay đổi nhiều. Tôi thấy chị giống hệt như một người TP.HCM chính hiệu, rất hào sảng, cởi mở và lạc quan. Chị nói với tôi: “Cưng mà ở đây ít năm nữa, chắc cũng thương nơi này như chị hà”.
Bình luận (0)