Khoảng chục năm về trước, báo giấy dường như là một phần không thể thiếu trong đời sống của thị dân thành phố này. Bây giờ vẫn vậy. TP.HCM được xem là trung tâm báo chí sôi động bậc nhất cả nước, nơi quy tụ nhiều tòa soạn báo và hàng nghìn phóng viên, cộng tác viên.
Tôi từng nghe một ý kiến rất hay về chuyện đọc báo của thị dân TP.HCM. Đó là câu chuyện của lịch sử tạo ra nét đặc trưng văn hóa. Từ xưa, người tứ xứ đến nơi này khai hoang, lập nghiệp. Quá trình ấy, thông tin là một nhu cầu tất yếu.
Cộng đồng cần thông tin để hiểu hơn về nơi mình tìm đến trú ngụ, nắm bắt thời cuộc, biết chuyện mình chuyện người để trao đổi, bàn chuyện sinh kế, hợp tác làm ăn; hơn nữa là để tránh rủi ro sinh tồn trong những buổi đầu còn "lạ nước lạ cái". Dần dà qua tháng năm, đó trở thành một "quy luật" sống, thành văn hóa trong đời sống thị dân...
Nhớ cái thời bán báo giấy… mua vàng
Có những người bán báo giấy ven đường vẫn quyết tâm bám trụ với nghề, không chỉ vì mưu sinh mà còn vì cái nghĩa, cái tình với con chữ, tờ báo. Họ là những người đã chứng kiến nhiều đổi thay, biến động của thời cuộc. Họ cũng là người thấu hiểu bao nốt thăng trầm của đời sống báo chí.
Bạn đọc ở TP.HCM có lẽ không còn xa lạ gì với sạp báo có tuổi đời gần 30 năm của vợ chồng ông Văn Đức (74 tuổi) và bà Huỳnh Kim Ngà (70 tuổi) trên góc đường Điện Biên Phủ (Q.3).
Ông Đức kể, khoảng thập niên 80, báo giấy bán "đắt hàng như tôm tươi". Mỗi sáng, ông và vợ chia nhau đi lấy báo từ các tòa soạn rồi dọn hàng ra bán từ lúc 4 giờ. Đặc biệt, những ngày cuối tuần, người mua báo xếp thành một hàng dài, đông tới mức đội trật tự đô thị phải ra hỗ trợ. Hồi đó, vợ chồng ông còn làm luôn công đoạn lồng ruột báo vì tòa soạn làm không xuể.
"Ngày đó, đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu hay bên Lý Chính Thắng người ta thường gọi vui là con đường báo chí. Dọc đường sạp báo đếm không xuể, đó là chưa kể những người bán rong đây đó. Những tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Công an nhân dân, Pháp luật TP.HCM... phải giành giật nhau mới mua được. Vợ chồng tôi thời trước bán báo còn mua được cả vàng mà", ông Đức dí dỏm.
Khi kể về thời hoàng kim của nhật báo, trong mắt ông Đức hiện rõ sự luyến tiếc. Ngày trước mỗi ngày vợ chồng ông bán cả ngàn tờ báo, bây giờ số lượng chỉ tính hàng trăm tờ. Đối với những cuốn tạp chí, tuần san, ông Đức cho hay: "Ôm mấy món này sợ lắm, vì giá thành cao hơn mà người mua thì ít. Nhiều khi tôi khuyên vợ đừng lấy những loại này về bán mà bả không chịu, thà chịu lỗ chứ lỡ khách hỏi mà không có là bả áy náy dữ lắm".
Tôi hỏi ông Đức vì sao đến bây giờ hai vợ chồng vẫn quyết tâm bám trụ với nghề. Ông Đức nói vợ chồng ông không có con, anh em đều làm ăn xa xứ nên cả hai tìm niềm vui từ việc bán báo ven đường. Vợ ông khoái nói chuyện, bàn luận tin tức với người mua, có khi nói chuyện hăng say quên cả lấy tiền.
"Nói bán báo mà mua vàng chắc ít ai tin nhưng thực tế báo giấy đã từng có một thời huy hoàng, rực rỡ như vậy. Dù giờ đây người mua báo giấy không còn nhiều nhưng cái thú uống cà phê sáng, nghiền ngẫm tờ báo đã trở thành nếp văn hóa thú vị của người dân nơi đây", ông Đức vừa nói, vừa tranh thủ che bạt cho sạp báo phòng khi mưa đến bất chợt.
Tạt xe vào sạp báo của ông Đức, ông Vũ Hồng Văn (57 tuổi, ở Q.Phú Nhuận) mua một tờ báo Thanh Niên kèm một tờ lịch đấu giải Euro 2024. Ông Văn là khách quen ở đây nhiều năm, ngày nào cũng chạy xe mấy cây số để đến mua báo.
"Tôi quen đọc báo giấy từ hồi còn thanh niên, giờ con cái có mua cho cái di động mà ít khi xài tới. Đọc báo không chỉ để biết đây biết đó với người ta mà còn là để bản thân mình không bị thụt lùi", ông Văn tấm tắc.
"Báo chí phải biết sống theo thời đại"
Bình minh thức giấc, ông Lê Văn Hùng (55 tuổi, ở Q.3) đã có mặt trước cổng Trường đại học Kinh tế (Q.3) để bày biện sạp báo của mình ra bán. Ông cho hay, hơn 20 năm qua, ông có nhiều mối quen mua báo rất sớm nên nắng mưa gì cũng phải đi bán đúng giờ.
Trên sạp của ông Hùng có đủ các loại báo, tạp chí. Ngoài số mới ra, ông còn bày bán thêm những số báo cũ. Nán lại trò chuyện, tôi phát hiện người đàn ông bán báo giấy này có một "biệt tài" rất thú vị. Chỉ cần nhìn từ xa hay nghe một tiếng bóp còi xe, ông Hùng đã nhận diện được đó là vị khách nào, mua báo gì, số lượng bao nhiêu. Hay theo phản xạ, chỉ cần nhìn đồng hồ điểm 9 giờ, ông sẽ đứng dậy lấy sẵn tờ báo Thanh Niên và 4.000 đồng tiền lẻ để đưa cho một vị khách quen của mình.
Mà cũng hay, muốn nhận diện những người bán báo giấy thì dễ lắm, chỉ cần nhìn vào hai bàn tay nhem nhuốc mực in hay nghe họ kể vanh vách về đặc điểm riêng của từng tờ báo, những chuyên mục nổi bật, tiêu điểm hôm nay là gì...
Ông Hùng khẳng định, thời nay tuy vị thế của báo giấy không còn được như trước nhưng nó sẽ không bao giờ biến mất, đời sống báo chí cũng sẽ không bao giờ ngừng lại. Bởi vì mạng xã hội dù phát triển đến đâu cũng không thể thay thế báo chí hoàn toàn.
"Những thông tin viết trên nhật báo là thông tin mang tính chọn lọc, được phân tích sâu sắc, mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện. Báo điện tử thì chắc chắn phải có rồi vì nó phục vụ độc giả những thông tin nhanh, tức thời, đáp ứng nhu cầu nghe nhìn bằng âm thanh, hình ảnh, video. Không nên so sánh báo giấy với báo mạng vì hai cái vốn dĩ hỗ trợ nhau, góp phần làm nên đời sống báo chí đa dạng, sôi động, ngày càng phát triển", ông Hùng đúc kết.
Ông Hùng kể thêm, TP.HCM được xem là một trong những trung tâm báo chí năng động bậc nhất cả nước. Từ mấy chục năm trước, đời sống báo chí ở TP.HCM đã đa dạng, sôi động, trong tương lai chắc chắn còn phát triển hơn khi có thêm nhiều người trẻ tham gia, mang đến những cách viết, cách làm báo mới mẻ.
"Không chỉ báo chí mà tất cả các ngành nghề khác đều phải biết sống theo thời đại. Cái gì cũng cần đổi mới cho hợp thời, nếu cứ đi theo một con đường xưa cũ thì không trụ được. Tôi bây giờ ngoài báo giấy cũng thường đọc thêm báo điện tử, xem mạng xã hội… để đa dạng hóa nguồn thông tin của mình", ông Hùng thổ lộ.
Ông Hùng tâm sự thêm, ông luôn khuyến khích con cái đọc báo thay vì dành thời gian lướt điện thoại, chơi game. Không phải chỉ những người làm việc đầu óc mới cần phải đọc báo mà người lao động tay chân, buôn bán lề đường cũng nên đọc báo để tự "làm giàu" cho chính mình. Thời đại này nếu mình không nắm giữ và làm chủ thông tin thì sẽ bị chúng điều khiển ngược lại.
"Còn người đọc báo giấy, tôi còn bán"
Những người bán báo giấy như ông Hùng, vợ chồng ông Đức… đều luôn khắc khoải nỗi lo sau này không có ai kế nghiệp của mình. Bản thân họ dù từng trải qua nhiều khó khăn nhưng chưa từng có ý định bỏ nghề.
"Từng nào còn khỏe, còn người đọc báo giấy thì tôi còn bán. Nhiều người ngộ lắm, đến mua báo thì phải vợ tôi ra bán mới chịu. Bà ấy có nói với tôi, hai vợ chồng cố gắng bán đến khi nào hết sức, nằm một chỗ thì mới nghỉ", ông Đức bộc bạch.
Tương tự, với ông Hùng, dù đời sống kinh tế không dư giả, ông vẫn "chung thủy" với sạp báo. Ông nói: "Cả con đường này giờ còn mình tôi bán báo giấy, tôi mà nghỉ nữa thì độc giả biết tìm mua báo ở đâu. Tôi cứ nghĩ như vậy mà gắng được đến tận bây giờ, khó khăn nào cũng qua hết", người đàn ông nói rồi cười một tiếng giòn tan.
Bình luận (0)