Ruộng đồng bạc trắng, dân “khát nước”
Thời gian qua, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh ở miền Trung cùng các tỉnh phía Bắc xảy ra tình trạng nắng nóng trên diện rộng, nền nhiệt luôn ở mức từ 38 - 40 độ C. Nắng nóng kéo dài khiến cuộc sống của người dân Hà Tĩnh bị đảo lộn hoàn toàn, nhất là tại huyện miền núi Hương Khê - nơi được xem là cái “rốn” của gió Lào khô khốc.
[VIDEO] Quay cuồng sống trong "chảo lửa" gió Lào ở Hà Tĩnh
|
Nhiệt độ tại huyện Hương Khê luôn ở mức cao nhất cả tỉnh, có thời điểm lên đến trên 41 độ C. Người dân nơi đây ngoài việc vất vả chống chọi với nắng nóng thì cũng đang lâm vào tình cảnh khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Đặc biệt, hàng trăm héc ta đất sản xuất nông nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị mất trắng do thiếu nước tưới.
|
Con đường bê tông dẫn vào xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) hai bên là cánh đồng trồng ngô rộng lớn của người dân thôn 1. Khoảng 2 tháng trước, nếu đi qua nơi này sẽ thấy những cây ngô xanh ngắt cao ngang ngực người, đang trong giai đoạn trổ cờ đơm bông. Còn bây giờ, hầu như toàn bộ cây ngô đã chuyển qua màu vàng, từ gốc đến tận ngọn. Mặc dù khoảng 2 tháng nữa là vào thu hoạch, nhưng nắng nóng kéo dài đã “thiêu cháy” toàn bộ diện tích ngô vụ hè thu, người dân cũng chả còn muốn ra đồng để chăm bón vì tình hình đã không thể cứu vãn.
Nhìn ruộng ngô cháy khô, bà Hoàng Thị Hường (60 tuổi, ngụ thôn 1, xã Hương Thủy) lắc đầu ngao ngán: “Gia đình tôi có 5 sào ngô trồng được hơn 3 tháng. Nhưng cả tháng nay, trời không có mưa nên đất bị khô hạn, khiến cây không thể phát triển. Đặc biệt, hầu hết diện tích trồng ngô đều cháy khô, bắp bị lép hết. Vốn bỏ ra rất nhiều nhưng bây giờ coi như mất trắng”.
|
Nắng hạn hoành hành còn khiến 5/11 ha lúa vụ hè thu và nhiều diện tích trồng cây ăn quả của người dân ở thôn 2 (xã Hương Thủy) bị thiếu nước tưới nghiêm trọng. Cả tháng trời ruộng không có giọt nước nào nên đất đai bạc trắng, nứt toác, trong khi cây trồng thì còi cọc, héo úa vì khát nước. Đặc biệt, tại thôn này người dân còn chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Ông Phan Khắc Đại, trưởng thôn 2, cho biết hạn hán kéo dài khiến cho giếng đào, giếng khoan cạn trơ đáy. Hiện chỉ có 5 giếng khoan của người dân trong thôn có nước, phục vụ nước uống cho cả 186 hộ dân. Riêng nước để tắm rửa thì người dân phải ra nhánh của sông Ngàn Sâu lấy về.
“Người dân dù tốn hàng chục triệu đồng để thuê máy móc về khoan xuống đất sâu hàng chục mét nhưng cũng không tìm được mạch nước. Cực chẳng đã và không còn cách nào khác, mọi người phải tìm đến những hộ dân có nước để xin về dùng”, ông Đại nói.
Tìm cách đối phó với “ông trời”
Ông Nguyễn Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy, buồn bã nói rằng chưa bao giờ nắng nóng gay gắt xảy ra trên địa bàn lại kéo dài như thời điểm hiện nay. Cả xã có 9 hồ đập thì hiện nay chỉ còn 3 hồ có nước. Do vậy, hiện nước tưới chỉ phục vụ đủ cho 50 ha/250 ha lúa vụ hè thu. Trong khi đó, cây ăn quả với diện tích 300 ha là cây trồng chủ lực của xã đang rơi vào tình trạng thiếu nước tưới tương tự, nguy cơ bị mất mùa rất cao.
“Để đối phó với nắng hạn, chúng tôi chỉ còn cách hướng dẫn người dân phủ thêm đất, lá cây xung quanh gốc cây ăn quả, chắt chiu nguồn nước để bổ sung tưới cho cây. Riêng diện tích lúa thiếu nước thì chỉ còn biết cầu mong trời… đổ mưa mới cứu được”, ông Thọ nói.
|
Tương tự, cuộc sống người dân nhiều xã nằm trên địa bàn huyện Hương Khê như Phúc Trạch, Hương Đô, Phương Điền, Phương Mỹ… thời gian qua cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và nắng nóng. Người dân đang tìm mọi cách để đối phó với nắng nóng khắc nghiệt trước đây chưa từng xảy ra.
Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, cho hay hiện nguồn nước trên địa bàn chỉ đủ để người dân sử dụng cho việc sinh hoạt và ăn uống. Do vậy, hơn 200 ha trồng cây bưởi đặc sản Phúc Trạch và 20 ha đất trồng hoa màu buộc phải… chịu khát. Không có nước tưới cộng với nắng nóng kéo dài khiến quả bưởi đang trong giai đoạn làm múi bị héo, mềm nhũn như quả bóng. Đó là chưa kể 15/204 ha lúa vụ hè thu đã bị chết cháy.
|
Trong khi đó, theo ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn huyện Hương Khê, tại địa phương có 157 hồ đập lớn nhỏ thì chỉ có trên dưới 20 hồ đập là vẫn đủ nước phục vụ cho số nhỏ diện tích cây trồng, còn lại đã cạn khô. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện hiện có hơn 2.700 ha diện tích trồng cây cam, bưởi và 1.000 ha lúa hè thu bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới.
“Hầu hết các hồ đập trên địa bàn chủ yếu trông chờ vào nguồn nước tự nhiên nên việc chống hạn hán vô cùng khó khăn. Không còn cách nào khác, chúng tôi khuyến cáo người dân sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước để tưới cho cây ăn quả. Riêng diện tích lúa hè thu và diện tích đất trồng hoa màu thì buộc phải chờ đến khi trời đổ mưa may ra mới vãn hồi được”, ông Vinh nói.
Bình luận (0)