Sông rạch miền Tây tiếp tục sạt lở nghiêm trọng

14/06/2021 07:17 GMT+7

Tại 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp, tình trạng sạt lở bờ sông, rạch ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân và các công trình giao thông.

Theo kết quả quan trắc, đo đạc của Sở TN-MT An Giang, toàn tỉnh hiện có 53 đoạn sông bị cảnh báo sạt lở. Đặc biệt, chiều dài và mức độ nguy hiểm của sạt lở gia tăng, nhiều vụ xảy ra ngoài các điểm đã cảnh báo.

Hàng ngàn hộ cần di dời

Liên tiếp từ ngày 20.5 đến nay, dọc rạch Ông Chưởng (H.Chợ Mới, An Giang) đã xảy ra 3 vụ sạt lở bờ sông, khiến 12 hộ dân thuộc các xã Long Kiến và Long Điền B phải di dời khẩn cấp. Sạt lở cũng khiến tỉnh lộ 946 (đoạn thuộc ấp 1, xã Long Điền B) lở một đoạn dài hơn 40 m và ăn sâu hơn nửa mặt đường, khiến các phương tiện vận tải lớn không thể lưu thông.
Trong khi đó, 11 nhà dân dọc bờ rạch Ông Chưởng (thuộc ấp Long Hòa 1, xã Long Kiến) phải di dời khẩn cấp tài sản khi nơi đây xuất hiện vết răng nứt dài khoảng 60 m, ăn sâu vào tỉnh lộ 946 khoảng 2 m. Ông Lê Trường Nhựt (48 tuổi, ngụ ấp Long Hòa 1) lo lắng: “Thấy sạt lở dữ quá nên nhiều hộ dân lo lắng lắm. Nếu không di dời thì nhà sập xuống sông là tiêu tan hết”.
Chiều 11.6, sau khi đi khảo sát thực tế, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đã chỉ đạo ngành chức năng tỉnh ban bố tình trạng sạt lở khẩn cấp khu vực dọc rạch Ông Chưởng. Đồng thời, yêu cầu nhanh chóng di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân. Ông Bình cũng chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương triển khai tuyến đường mới để giảm tải giao thông cho tỉnh lộ 946 và xem xét điều chỉnh quy hoạch tuyến dân cư gần đó để bố trí các hộ vào ở đảm bảo an toàn.
Tỉnh lộ 946, đoạn thuộc ấp 1, xã Long Điền B, H.Chợ Mới (An Giang) sạt lở khiến 1/2 mặt đường sạt xuống rạch Ông Chưởng

Tỉnh lộ 946, đoạn thuộc ấp 1, xã Long Điền B, H.Chợ Mới (An Giang) sạt lở khiến 1/2 mặt đường sạt xuống rạch Ông Chưởng

Trong khi đó, ông Vũ Minh Thao, Phó chủ tịch UBND H.Chợ Mới, cho biết toàn huyện có 18 đoạn sông với chiều dài hơn 47,5 km được cảnh báo nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Hiện có khoảng 2.000 hộ dân sinh sống trong khu vực cần phải di dời. Riêng rạch Ông Chưởng trên địa bàn huyện có 11 đoạn cảnh báo nguy hiểm dài hơn 10 km, trên 350 hộ dân cần phải di dời khẩn cấp. Huyện kiến nghị tỉnh sớm đầu tư 6 cụm dân cư để di dời các hộ bị ảnh hưởng vào ở. Trước mắt, huyện đề nghị sớm hỗ trợ hơn 35 tỉ đồng để khắc phục ngay 40 đoạn sạt lở nguy hiểm.
Trước đó, vào sáng 3.6, trên địa bàn TT.An Phú, H.An Phú (An Giang) cũng đã xảy ra vụ sạt lở đất dọc bờ sông Châu Đốc khiến 6 căn nhà dân phải tháo dỡ, di dời khẩn cấp.

Ảnh hưởng công trình giao thông

Còn tại Đồng Tháp, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông ảnh hưởng nặng nề đến công trình giao thông và tài sản người dân. Rạng sáng 2.6, bờ sông Nha Mân sạt lở một đoạn dài 20 m, ăn sâu vào đất liền 3 - 4 m, cắt đứt hoàn toàn tuyến đường Nha Mân - Phú Long. Mới đây, khoảng 2 giờ 30 sáng 10.6, vụ sạt lở rạch Cái Dầu, thuộc địa bàn ấp Bình Chánh (xã Bình Thành, H.Thanh Bình) khiến 3 căn nhà sập đổ hoàn toàn xuống sông, rất may không có thiệt hại về người.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đồng Tháp, sạt lở bờ sông có nguy cơ xảy ra tại 35 xã, phường của 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2020, chỉ riêng bờ sông Tiền và sông Hậu, chiều dài sạt lở đã lên đến khoảng 30 km.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, nguyên nhân sạt chủ yếu là do: diễn biến thời tiết bất thường, tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng từ các đập thủy điện trên sông Mê Kông gây thiếu bùn cát bồi lắng và yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông và hoạt động ghe tàu gây chấn động và sóng...
Mặt khác, tỉnh An Giang và ĐBSCL có nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh. Còn theo đánh giá của Đài khí tượng thủy văn An Giang, thời gian qua, tình hình khô hạn đến sớm và kéo dài, mưa lớn tập trung vào giai đoạn cuối năm, mực nước trên sông hạ thấp nên nước trong đất bị mất cân bằng. Do đó, vào đầu mùa mưa, nếu có mưa lớn cục bộ sẽ làm mặt đất thấm nước nhanh, khiến kết cấu đất mềm, yếu, trong khi mực nước sông còn thấp, dẫn đến sạt lở ở những nơi mái bờ dốc thẳng đứng.
Trước nguy cơ sạt lở bờ sông ngày càng khó lường, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chỉ đạo Sở NN-PTNT theo dõi, tổng hợp tình hình, diễn biến sạt lở, kịp thời báo cáo, đề xuất các giải pháp xử lý. Bên cạnh đó, các huyện tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực sạt lở bờ sông, diễn biến các khu vực đã xảy ra sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở cao để kịp thời báo cáo ứng phó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.