"Mùa mưa lũ là không dám ngủ"
Dò dẫm từng bước, víu vào bất cứ thứ gì có thể bám được, hoặc chui tạm vách tường ngăn giữa hai ngôi nhà chỉ rộng khoảng 50 cm… là cách mà PV Thanh Niên vất vả tiếp cận ngôi nhà của anh Đào Văn Hoài (24 tuổi, trú tại P.3, TP.Đông Hà). Cảnh sinh hoạt của gia đình anh Hoài và nhà của bà nội sát bên đã diễn ra như thế, suốt hơn 3 năm qua.
Bờ sông Hiếu sạt lở, nước ăn sâu sát nhà: 'Mùa mưa lũ là không dám ngủ'
Tình trạng như thế diễn ra kể từ đợt bão lụt năm 2020, nước lũ đã cuốn đi gần 10 m đất chiều dài từ nhà anh ra đến bờ sông. Con đường dẫn vào nhà trước đây rộng rãi, ô tô vào tận nơi nhưng giờ chỉ còn rất hẹp, đi lại khổ sở… "Trước năm 2020, từ nhà tôi ra đến bờ sông cũng hơn 10 m, sân nhà dựng được mái che. Nhưng sau khi bị sạt lở, nước lũ nuốt trọn con đường, ăn sâu vào nền của sân nhà. Không chỉ đi lại khó khăn, đến mùa mưa lũ gia đình chúng tôi thậm chí không dám ngủ", anh Hoài chia sẻ.
Khu vực bị sạt lở hiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến 2 hộ dân. Ngoài gia đình anh Hoài thì nhà của bà Nguyễn Thị Đồn (78 tuổi, bà nội anh Hoài) ngay sát bên cũng bị ảnh hưởng. Điều đáng nói, kể từ khi xảy ra vụ sạt lở, các hộ đã 2 lần gửi đơn cầu cứu nhưng hơn 3 năm qua họ vẫn chưa nhận được hướng xử lý của chính quyền địa phương.
LO LẮNG VỀ… CHUYỆN TANG MA
Hai căn nhà liền kề của anh Hoài và bà Đồn hiện là nơi sinh sống của 13 người, có người già, trẻ nhỏ… Vì vậy, cứ đến mùa mưa bão, cuộc sống của 13 nhân khẩu này lại bị đe dọa bởi dấu vết sạt lở đã ăn sâu đến sân. Khoảnh sân nhỏ còn lại cũng đã nghiêng xuống và có thể sạt bất cứ lúc nào, phía bên trong các gian nhà cũng đã xuất hiện những vết nứt nẻ.
Đáng lo hơn, ông Đào Văn Đồi (57 tuổi, bố của anh Hoài) lâm bệnh nặng suốt 2 năm qua. Gia đình đang cố gắng chạy chữa, nhưng nghĩ đến tình huống xấu nhất xảy ra cũng đủ khiến người thân trong gia đình bối rối. "Bố tôi bị ung thư phổi, mặc dù ngày đêm vẫn đang cố gắng trị bệnh cho bố nhưng nếu trường hợp xấu nhất xảy đến, khi mà nhà cửa, đường sá thế này thì tôi không biết làm sao để lo hậu sự", anh Hoài lo lắng.
Trước mắt, gia đình anh Hoài mong muốn chính quyền địa phương sớm có phương án xử lý, đắp lại bờ kè để gia đình anh có thể yên tâm sinh hoạt, đi lại thuận lợi hơn và nhất là trong trường hợp xấu nhất xảy ra (chuyện tang ma). Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Anh Doãn, Chủ tịch UBND P.3, cho biết chính quyền địa phương đã nhận được phản ánh về tình hình sạt lở bờ sông của các hộ dân ở khu vực này và đã chuyển kiến nghị lên cho UBND TP.Đông Hà. Ông Doãn cho biết chính quyền địa phương đã gợi ý đưa các hộ dân ở khu vực sạt lở ra bên ngoài, nhưng do họ làm nghề sông nước nên vẫn muốn ở lại. Vì thế, phương án xây kè sẽ được tính đến. "Mùa mưa lũ năm nào lãnh đạo thành phố cũng về khu vực này để động viên bà con tạm sơ tán, nên dự án xây kè sẽ sớm được triển khai bởi dọc tuyến đã có dự án xây dựng kè, đường và hiện chỉ còn một đoạn ngắn ở đây chưa xây kè", ông Doãn nói.
Bình luận (0)