Sống trong… thời dịch nCoV: Từ 'hiến kế' làm đẹp đến 'tự chế' khẩu trang

11/02/2020 06:19 GMT+7

Từ 'tranh thủ' làm đẹp xăm chân mày, xăm môi... đến tự chế khẩu trang, không ít người vẫn bộc lộ chất sáng tạo, lạc quan khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) đang diễn ra.

Những ngày này, đi đến đâu cũng nghe mọi người bàn tán xôn xao về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV). Dù khó tránh khỏi sự xáo trộn bởi tác động của dịch bệnh, không ít người vẫn bộc lộ chất sáng tạo, lạc quan. Trong đó, có những “hiến kế” tân trang sắc đẹp, hay muôn kiểu chế khẩu trang...

Tranh thủ làm đẹp “một công đôi ba chuyện”

Giữa rừng thông tin khá hoang mang về dịch trên mạng xã hội, dòng trạng thái của chị P.N (quê Phú Thọ, làm việc tại một văn phòng công chứng ở TP.HCM) xuất hiện trong ngày 7.2 khiến người đọc bật cười: “Hợp thức hóa quả phun môi có lý, che được cái mặt nhìn hơi kỳ kỳ tí”.
Sau dòng trạng thái trên, một số chị em bình luận vui vẻ: “Bao giờ có tiền, mình cũng đi làm nhể; Tranh thủ đang được bịt khẩu trang, hợp pháp khi tiếp dân”. Cạnh đó, cũng có những phản biện dí dỏm: Khéo giờ họ không dám làm; Cũng có thể, nằm há mỏ cả tiếng đồng hồ, Cô (virus Corona - PV) nó chui vô hết...

Làm đẹp trong thời dịch Corona

Cuối tuần vừa qua, chị Mỹ Ngọc (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng tìm đến một cơ sở thẩm mỹ uy tín để phun môi. Ngọc cho hay chị là nhân viên phòng hành chính - quản trị trong một công ty. Bình thường, nếu chị mang khẩu trang dài ngày sẽ khiến đồng nghiệp tò mò hoặc e dè. Nhưng bây giờ, chị cảm thấy tự tin mang khẩu trang và hưởng lợi “một công đôi ba chuyện”: vừa phòng chống bệnh, vừa âm thầm làm đẹp, vừa được giảm giá dịch vụ làm đẹp trong đợt dịch này.
Từ kinh nghiệm khó xử trong giao tiếp công việc của bà dì ruột sau khi tiểu phẫu thẩm mỹ, chị H.L (ngụ P.10, quận Tân Bình, TP.HCM) chần chừ mãi không biết chọn thời điểm nào để cải tạo nhan sắc. Số là giữa năm ngoái, bà dì nghe lời thuyết phục của chủ cơ sở thẩm mỹ gần nhà, nên đồng ý phun môi với giá 1,8 triệu đồng. Chủ cơ sở tập trung hướng dẫn cho dì cách dùng thuốc chống nhiễm trùng, kiêng cữ ăn uống để giữ màu đẹp. Xinh hơn sau khi được “tút” lại, nhưng bà dì trải qua cơn bứt rứt nhớ đời vì không ngờ phải mang khẩu trang đi làm suốt một tuần để che cái miệng sưng và vảy xăm bong tróc.
Chị H.L chia sẻ, hiện nay ai cũng mang khẩu trang phòng chống dịch, nên đây là dịp thích hợp nhất với chị để đi phun môi và điêu khắc chân mày. Chị H.L hài hước: “Giữa thời dịch Corona, mình thoải mái mang khẩu trang và đeo kính. Ngày nào đó mình sẽ phát lộ nhan sắc tươi mới!”.
Tuy nhiên, một số thẩm mỹ viện cho biết lượng khách hàng giảm đáng kể. Chị Thu Hà, chủ cơ sở thẩm mỹ gần chợ Trần Văn Quang, TP.HCM, nhìn nhận: “Mấy năm trước, thời điểm này người ta đến nối mi trước khi đi chùa rất nhiều. Còn hiện tại nhu cầu làm đẹp giảm, lượng khách đến đây sụt khoảng 30%”.
Chúng tôi quan sát thấy hầu hết khách hàng tới làm đẹp tại cơ sở của chị Hà đều mang khẩu trang. Một vài người quên đeo, chị Hà tặng khẩu trang cho họ. Chị Hà giải thích môi trường làm dịch vụ này ở phòng máy lạnh và kín, nên càng chú ý giữ gìn sức khỏe. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thấy khách mang khẩu trang... nằm làm đẹp. Những ai nối mi, phun - thêu lông mày, nhấn mí mắt, việc đeo khẩu trang là đương nhiên. Nhưng với các dịch vụ như phun môi, nặn mụn chẳng hạn, làm sao bịt mặt? Thế là chủ tiệm và khách hàng đành “đánh cược” bằng lòng tin lẫn nhau, hạn chế trò chuyện.

Chế khẩu trang vừa rẻ vừa nhanh

Mới đây, bác sĩ (BS) sản phụ khoa Cao Hữu Thịnh (Bệnh viện Từ Dũ) đã làm khẩu trang giấy và đeo trong một buổi khám bệnh. Anh hóm hỉnh chia sẻ trên Facebook: “Sống trong “bão” Corona chẳng thèm mua khẩu trang lên giá làm gì! Lấy khăn giấy tự làm khẩu trang đeo luôn. Chế độ làm việc, ăn, ngủ, tập gym hợp lý để tăng cường thể lực, chẳng có con virus nào cắn chết nổi ta đâu mà sợ...”.
Sống trong… thời dịch nCoV: Từ “hiến kế” làm đẹp đến “tự chế” khẩu trang

Bác sĩ Cao Hữu Thịnh với khẩu trang giấy tự chế

Ảnh: NVCC

Chia sẻ thêm với chúng tôi, BS Thịnh chân chất: “Hồi nhỏ, mình hay làm đồ chơi kiểu này nên thấy dễ ẹc. Lấy tấm giấy xếp hình rẻ quạt rồi cột hai đầu lại, khi mình mở bung ra là nó ôm khít vô miệng và mũi. Lẹ lắm, trong vòng một phút làm xong một cái”.
Với mục đích ban đầu là tạo nụ cười cho bệnh nhân và nhân viên trong khoa, nhưng BS Thịnh cho rằng việc đeo khẩu trang giấy khi khám bệnh vẫn chấp nhận được. “Thực ra, đeo khẩu trang có hai tác dụng chính: tránh lây nhiễm cho người khác và tránh người khác lây nhiễm cho mình”, BS Thịnh nói và cho biết “cảm hứng” khiến anh bỗng dưng “chế” khẩu trang giấy là khi bệnh viện thông báo khẩu trang đang khan hiếm, cần xài tiết kiệm. Trong lúc đó, nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang chủ yếu nhập từ Trung Quốc đang gặp bế tắc. Anh nhận định với tốc độ sử dụng như hiện nay, nguy cơ khẩu trang sẽ hết trong tương lai gần. Khi ấy, có thể phải sử dụng khẩu trang bằng giấy, thậm chí bằng vải, trong khám bệnh và những hoạt động khác.
“Tôi thấy rằng trước mắt tâm dịch nằm bên Trung Quốc. Còn ở xứ nóng ta, nguy cơ lây không nhiều. Hơn nữa, vi rút này lây chủ yếu là những người tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm. Vì vậy, mình thận trọng nhưng cũng đừng căng thẳng quá”, BS Thịnh lưu ý.
Sống trong… thời dịch nCoV: Từ “hiến kế” làm đẹp đến “tự chế” khẩu trang

Bé Huy đeo khẩu trang giấy do mẹ làm

Ảnh: T. Diệp

Đang thời gian nghỉ thai sản, chị Thanh Diệp (Q.3, TP.HCM) thấy một clip hướng dẫn làm khẩu trang giấy trên mạng nên đã thực hiện theo. Ra được sản phẩm, chị lấy bé Huy (tên ở nhà là Cỏ), con trai 5 tháng tuổi của chị, làm “người mẫu” cho vui. Theo sản phụ này, thông tin về dịch tràn lan nên chị không thể thờ ơ. Với lại, gia đình chị có trẻ nhỏ nên càng cần nắm kiến thức để phòng chống dịch.
Tại những vùng nông thôn, khẩu trang cũng khan hiếm, nhiều người lùng mua mà không có hoặc giá rất đắt đỏ. Gần một tuần nay, chị Tuyết - bán tạp hóa, ngụ xã Đa Kai, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận - đã tự chế khẩu trang giấy để đeo. Chị nói tiệm tạp hóa của chị trước đây có bán khẩu trang, nhưng đã hết sạch. Chị không dám nhập khẩu trang giá cao, vì sợ bán giá cao sẽ bị phạt. Chẳng có khẩu trang để bán mà cũng chẳng có để đeo, thế là chị làm khẩu trang giấy, vừa rẻ vừa nhanh!

Nhiều kiểu chế khẩu trang “khó đỡ”

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều kiểu chế khẩu trang vừa gây cười, vừa phản ánh thực tế đáng lo ngại về thiếu hụt khẩu trang. Người ta chế từ tã, vỏ quả bưởi, túi ni lông... Cạnh đó, có những kiểu chế “khó đỡ”, thậm chí bị xem là lố lăng như dùng áo ngực phụ nữ, lót băng vệ sinh trong khẩu trang...

Người dân hạn chế đi lại

Sinh sống ở TP.HCM nhiều năm, anh Ngô Văn Triển (50 tuổi, ngụ đường Phạm Văn Đồng, P.1, Q.Gò Vấp), chủ một chuỗi thương hiệu cà phê, đưa hẳn vợ con về quê ở tận xã Phước An, huyện Tuy Phước, Bình Định để tránh dịch. Quán cà phê của anh ở trên đường Phạm Văn Đồng ngày này năm trước chưa mở cửa, khách đã đợi sẵn. Ngày nào cũng kín. Bây giờ hơn 30 bàn chỉ có 2 bàn có khách. “Việc kinh doanh khá ảm đạm”, anh Triển ta thán.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó tổng giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết đơn vị đã đặt mua 20 máy đo thân nhiệt, tăng cường trang bị tại tất cả các cổng, cửa ra vào bến xe, hướng dẫn lực lượng bảo vệ khi phát hiện hành khách có dấu hiệu ho, sốt cần yêu cầu kiểm tra thân nhiệt. Nhiều xe ôm công nghệ quanh Bến xe Miền Đông cũng đều bịt khẩu trang kít mít để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Anh Trần Bá Đạt (30 tuổi, quê An Giang, tài xế GrabBike), cho biết những ngày này công việc của anh ế ẩm hơn hẳn do người dân hạn chế đi lại.  
 
T.Rin - Đ.Văn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.