'Sóng và máy tính cho em': Tiền đã có nhưng chưa mua được máy

10/11/2021 20:42 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, việc mua sắm máy tính tặng học sinh từ nguồn huy động ở địa phương gặp khó khăn vì công tác tổ chức đấu thầu mất nhiều thời gian, nguồn hàng hạn chế.

Gần 2 triệu học sinh cần hỗ trợ thiết bị học trực tuyến

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi Quốc hội cho biết, đến nay Bộ đã nhận được đề xuất nhu cầu hỗ trợ máy tính của 56/63 tỉnh, thành phố; số học sinh thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ là hơn 2,16 triệu em, gồm: hộ nghèo 553.531 học sinh; cận nghèo 457.108 học sinh; đối tượng khó khăn khác hơn 1,151 triệu học sinh.

Nhiều trường ở Hà Nội đã chủ động huy động các nguồn hỗ trợ khác nhau để mua máy tính tặng học sinh khó khăn từ đầu năm học

trường thcs chu văn an (Hà Nội)

Trong đó, tại các tỉnh, thành phố đang triển khai dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid -19, số học sinh cần được hỗ trợ là hơn 1,8 triệu học sinh (bao gồm 298.343 học sinh thuộc hộ nghèo, 276.401 học sinh thuộc hộ cận nghèo, 1.500 học sinh có cha, mẹ tử vong vì Covid-19 và 1.248.408 học sinh thuộc đối tượng khó khăn khác).

Để hỗ trợ học sinh học trực tuyến và học qua truyền hình, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ TT-TT triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm vận động các doanh nghiệp tài trợ, quyên góp phương tiện học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tính đến ngày 30.10, các tập đoàn viễn thông đã xây dựng thêm 283 điểm phát sóng tại các địa phương bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các tổ chức, đơn vị đã cam kết ủng hộ hơn 1 triệu máy tính.

Dự kiến đầu tháng 11, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ chính thức bàn giao 10.000 máy tính đầu tiên trong tổng số 37.000 máy VNPT cam kết tài trợ. Số máy này đã được Bộ GD-ĐT lên phương án phân bổ cho 4 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, cụ thể: Sóc Trăng 2.637 máy, Hậu Giang 2.187 máy, Vĩnh Long 2.489 máy, Long An 2.687 máy. Các nhà tài trợ khác cam kết sẽ bàn giao máy tính cho Bộ GD-ĐT vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Ngoài ra, tính đến ngày 25.10, ngành giáo dục đã huy động được 142,43 tỉ đồng, 28.477 máy tính bảng, 28.545 điện thoại thông minh và 79.425 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác.

Ngành giáo dục vẫn đang tiếp tục huy động thiết bị học trực tuyến để hỗ trợ cho các địa phương.

Mua sắm máy tính từ nguồn kinh phí huy động đang gặp khó

Theo Bộ GD-ĐT, số lượng máy tính đã huy động được mới chỉ đáp ứng 46,1% tổng nhu cầu cần hỗ trợ của học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Học sinh nghèo ở H.Ba Vì (Hà Nội) được Trường THCS Giảng Võ (Q.Ba Đình) tặng máy tính trong ngày khai giảng năm học mới

PGD BA VÌ

Dù việc dạy học đã qua hơn nửa học kỳ đầu của năm học nhưng thời điểm này, Bộ GD-ĐT mới đang xây dựng hướng dẫn các địa phương tổ chức mua sắm bằng nguồn kinh phí huy động được tại địa phương, bàn giao cho các cơ sở giáo dục để trao cho học sinh; đồng thời, tích cực phối hợp với các đơn vị đã cam kết tài trợ để tổ chức tiếp nhận, bàn giao máy tính cho học sinh trong thời gian sớm nhất.

Bộ GD-ĐT lý giải: "Việc mua sắm máy tính từ nguồn huy động ở địa phương gặp khó khăn vì công tác tổ chức đấu thầu mất nhiều thời gian, nguồn hàng hạn chế. Do dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng linh kiện điện tử và nhu cầu số lượng lớn máy tính cùng một thời điểm nên năng lực sản xuất của các hãng không thể đáp ứng ngay cùng một lúc, do đó, cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp".

Bộ GD-ĐT đề nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách để khắc phục khó khăn về hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật dạy học trực tuyến, tạo điều kiện để học sinh cấp tiểu học, học sinh vùng nông thôn, miền núi, hải đảo được tiếp cận bình đẳng trong giáo dục.

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ phối hợp với Bộ TT-TT tiếp tục kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và quốc tế tham gia ủng hộ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, phấn đấu tất cả các học sinh, sinh viên không có điều kiện mua sắm máy tính sẽ được hỗ trợ trang thiết bị để học tập trực tuyến.

Tiếp tục phối hợp với các nhà tài trợ đẩy nhanh việc làm thủ tục tiếp nhận, lên phương án điều phối máy tính cho các địa phương còn thiếu, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức xây dựng các bài giảng trực tuyến, bài giảng trên truyền hình, nhất là các bài giảng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, để cung cấp cho các nhà trường tổ chức dạy học cho học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.