‘Sóng’ vàng, chứng khoán... hỗn loạn, nhà đầu tư trở tay không kịp

14/03/2020 08:26 GMT+7

Ngày 13.3, thị trường chứng khoán và vàng đều tăng giảm khó lường sau cú “sập sàn” của thị trường chứng khoán Mỹ ngày 12.3 (giờ Mỹ, tức đêm 12.3 giờ Việt Nam).

Chứng khoán nhào lộn, nhà đầu tư hụt hơi

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên giao dịch chìm sâu trong sắc đỏ khi hàng loạt cổ phiếu đồng loạt bị bán tháo. Chỉ sau đợt khớp lệnh định kỳ đầu tiên, VN-Index đã mất hơn 5%. Đà giảm sau đó vẫn diễn ra không ngừng và chỉ sau 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index mất gần 6%, tương đương giảm 45,51 điểm xuống còn 723,74 điểm.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 4,37% xuống còn 97,46 điểm. Tuy nhiên sau đó lực cầu bắt đáy gia tăng giúp nhiều cổ phiếu giảm bớt đà đi xuống. Đặc biệt bước sang phiên chiều, dòng tiền tham gia thị trường bất ngờ dâng cao đã giúp nhiều cổ phiếu lớn đảo chiều ngoạn mục, trong đó STB tăng 1,5%, FPT tăng 1,7%, REE tăng 1,1%, MBB tăng 0,9%, CTG và SAB cũng nhích lên trên mốc tham chiếu…
Từ đó đến lúc thị trường đóng cửa, VN-Index giảm 7,47 điểm, tương ứng giảm 0,97% xuống 761,78 điểm và HNX-Index giảm 0,52% xuống 101,38 điểm. Nhiều cổ phiếu trong phiên sáng giảm sàn cũng bật tăng trở lại như CTG, FPT, HDB, MBB, REE, VIC, STB… Đặc biệt giao dịch trên thị trường tăng mạnh khi có tổng cộng hơn 476 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được giao dịch thành công, đạt trị giá 7.381 tỉ đồng, tăng 22% về giá trị so với phiên trước đó.
Tương tự, thị trường chứng khoán châu Á cuối phiên cũng thu hẹp đà giảm so với buổi sáng. Ví dụ như Nikkei 225 giảm 6,08% thay vì lao dốc hơn 9% trong buổi sáng. Hay Hang Seng (Hồng Kông) chỉ còn giảm 1,14%, Kospi của Hàn Quốc giảm 2,81% từ mức hơn 7% trước đó. Trên thị trường Đông Nam Á, chỉ số Jakatar của Indonesia cuối phiên tăng 0,24% hay chỉ số Straits Times (Singapore) cũng chỉ mất 1,23% so với mức giảm 5,17% trong phiên sáng...
Thị trường tăng giảm nhanh và mạnh khiến nhiều nhà đầu tư hụt hơi trong giao dịch. Chị Minh An (ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết buổi sáng, khi thấy thị trường lao dốc quá nhanh chị cũng lo bán ra khoảng 30% số cổ phiếu đang có và khớp lệnh ở giá sàn. Đến đầu giờ chiều, thị trường hồi phục chị tỏ ra khá tiếc nuối vì bán sớm chịu lỗ.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Everest, thị trường đầu giờ sáng 13.3 có vẻ mất kiểm soát với nhiều nhà đầu tư bị hoảng loạn khi trước đó chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên 12.3 giảm kỷ lục 10%. Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài đều bán ròng liên tục gần 30 phiên đã gây tác động lớn đến chỉ số VN-Index vì đa số đều là những cổ phiếu blue-chips.
“Trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng thì việc đi xuống nhanh và mạnh của chứng khoán Mỹ càng khiến nhà đầu tư lo sợ. Mức giảm mạnh của thị trường Việt Nam chủ yếu là do tâm lý và ai cũng đều đua nhau bán ra. Thậm chí tôi biết có một số nhà đầu tư sáng đua nhau đặt lệnh bán nhưng đến chiều thị trường hồi phục lại mua vào với giá cao hơn. Xét về kỹ thuật trong tuần tới sẽ có phiên hồi phục nhưng trong bối cảnh hiện nay, để thị trường ổn định trở lại vẫn cần có thời gian dài hơn, nhất là khi dịch bệnh vẫn đang lây lan ở nhiều nước”, ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.

Vàng có dấu hiệu làm giá

Chỉ qua một đêm, vàng miếng SJC đã bị thổi bay hơn 1 triệu đồng mỗi lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 45,4 triệu đồng/lượng, bán ra 46,4 triệu đồng/lượng.
Đến chiều, kim loại quý nhanh chóng hồi phục tăng lên lại mức 46,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,15 triệu đồng/lượng (bán ra). Tập đoàn Doji tăng giá bán vàng miếng SJC lên lại 46,9 - 47 triệu đồng/lượng vào chiều 13.3, mua vào 46,3 triệu đồng/lượng.
Bất chấp các đơn vị điều chỉnh giá tăng, hệ thống vàng bạc đá quý PNJ vẫn duy trì giá bán ở 46,5 triệu đồng/lượng (cao hơn giá mua của Công ty SJC 50.000 đồng/lượng), nhưng giá mua vào ở mức khá thấp 45,2 triệu đồng/lượng.
Các đơn vị kinh doanh vàng trong nước “neo” giá kim loại quý ở mức cao nên người dân đang phải mua vàng đắt hơn thế giới đến 2,6 triệu đồng mỗi lượng. Đà bán tháo vàng trên thị trường quốc tế đã làm vàng “bốc hơi” 50 - 80 USD/ounce, về mức 1.586 USD/ounce, có thời điểm giảm còn 1.557 USD/ounce trong khi vàng trong nước chỉ giảm 350.000 đồng/lượng. Một số người dân xếp hàng mua vàng trong sáng 13.3 tại Công ty SJC với khối lượng 2 - 8 lượng vàng mỗi người, tuy nhiên cũng xuất hiện vài người bán vàng ra.
Ông Phan Dũng Khánh, giảng viên Trường Doanh nhân Bizlight, nhận xét: Các đơn vị kinh doanh vàng trong nước có dấu hiệu làm giá khi để mức giá quá cao so với giá thế giới. Thị trường dù xuất hiện lực mua nhưng nhỏ lẻ và không quá lớn để chênh lệch cao như vậy.
“Có thể các công ty sợ giảm quá sâu sẽ kích thích nhu cầu mua vàng trên thị trường, trong đó có cả việc mua chốt lời nên giữ mức cao để tăng lời. Đồng thời, xu hướng của vàng hiện nay vẫn là tăng nên các công ty cũng không muốn bán ra khi không mua lại được vàng trên thị trường ở mức giá quá thấp”, ông Khánh dự đoán. Tình trạng này đã xảy ra nhiều lần và người mua vẫn gánh thiệt hại cuối cùng.

Tiền ảo rớt giá không phanh

Ngày 13.3, giá Bitcoin và nhiều loại tiền ảo biến động không ngừng. Vào đầu ngày, giá Bitcoin đã giảm về mức 4.803 USD, bay mất 39,56% so với ngày 12.3.
Tuy nhiên đến khoảng 17 giờ cùng ngày, đồng Bitcoin chỉ còn giảm 26% khi đứng ở mức 5.410,6 USD. Tương tự, vào đầu ngày nhiều đồng tiền ảo khác cũng sụt giảm từ 40 - 50% nhưng đến cuối ngày mức giảm chỉ còn từ 20 - 30%.
Tổng vốn hóa thị trường tiền số hiện ở mức 154,66 tỉ USD, giảm gần 70 tỉ USD so với ngày trước đó. Tuy nhiên lượng giao dịch lại tăng vọt từ mức hơn 130 tỉ USD của ngày trước lên hơn 263 tỉ USD. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.