Sống xanh kiểu… mầm non

13/08/2019 08:19 GMT+7

Hòa cùng trào lưu sống xanh đang ngày càng phát triển , các bé mầm non cũng được các cô giáo hướng dẫn làm quen với việc sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống.

Cây xanh trên không mở ra thế giới quan

Với diện tích gần 40 m2 cho mỗi lầu, ngoài những loài cây xanh, cây hoa thông thường, cô trò Trường mầm non Măng Non II (Q. 10, TP.HCM) còn trồng được nhiều loại trái cây ăn quả ngay chính ngôi trường của mình.
Lầu 2 và sân thượng của trường được bao phủ các loại cây từ trầu bà, lan chi, cây hạt dưa, cho đến bưởi, cóc, đu đủ, tắc, tía tô, mướp, khổ qua…
Cô Nguyễn Thị Thu Lan, hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Đối với cô cây xanh là rất cần thiết trong trường học, nó tạo nên một mảng xanh trong lành. Bên cạnh đó, muốn cho các con được khám phá, hiểu biết thêm kiến thức về các loại cây, từ đó thế giới quan của các bé được rộng mở hơn”. Đó cũng chính là nguyên nhân mà cô Lan và nhà tường muốn tạo ra mảng xanh trên không này.
Khi cô Lan đang giới thiệu, một bé hỏi: “Tại sao trái ớt đó nhăn nheo vậy cô?”. Lúc bấy giờ, cô Phương Linh, phó hiệu trưởng nhà trường, ân cần giải thích: “À trái ớt này nó còn non nên nó màu xanh, khi nó chín nó sẽ màu đỏ, còn khi nó già đi nó sẽ bị khô lại và nhăn nheo đó con”.
Sống xanh kiểu… mầm non1

Cô trò tận dụng mọi ngóc ngách để đưa thiên nhiên vào trường

Ảnh: Tấn Đạt

Sống xanh kiểu… mầm non2

Cô trò cùng nhau chăm sóc cây

Ảnh: Tấn Đạt

“Từ khi có vườn cây, thấy các bé vui hẳn lên. Có những lúc trưa nắng, các bé cũng đòi lên tưới cây, nhìn cưng lắm. Bé được quan sát thực tế, từ đó nhận thức đúng đắn về các loại cây”, cô Mỹ Phúc, giáo viên nhà trường, vui vẻ kể thêm.
Khi có vườn cây trên không này các bé còn được các cô chỉ dẫn cách hái rau, hoa quả. Cô Phương Linh kể “Có khi hôm đó được ăn canh bí nhưng các bé không biết cây bí như thế nào. Các cô phải dẫn bé lên để chỉ và giải thích cây bí của các con ăn là từ cây này, đây là trái của nó… Có những kiến thức về thực vật nói chung và các loại cây xanh cây ăn quả nói riêng, các cô phải cập nhật để giải thích những thắc mắc của các bé sao cho đúng và hợp nhất”.

Thùng rác từ hộp sữa

Sống xanh kiểu… mầm non3
 

Hình ảnh thùng rác hộp sữa khổng lồ

Ảnh: HOÀNG MỸ

Được truyền cảm hứng từ xu hướng giảm thiểu rác thải cho môi trường, Trường mầm non Chuyện Nhỏ (ngụ Q.7, TP.HCM) cũng đã tham gia vào việc giáo dục cách xử lý rác thải cho các em ở độ tuổi mầm non.
Xuất phát từ mong muốn bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải, cô Phan Khánh Quỳnh, quản lý trường, cho biết: “Có rất nhiều loại rác có giá trị tái chế cao như vỏ hộp sữa. Thành phần chính là bột giấy, nhôm, nhựa, có thể tái chế thành các sản phẩm có ích. Vỏ hộp sữa sau khi tái chế hoàn chỉnh có thể làm giấy tập, giấy báo, sách, thùng carton,... Phần còn lại là hỗn hợp nhôm nhựa có thể làm thành các tấm lợp mái hiên”. Vì vậy, trường kết hợp với một tổ chức bảo vệ mội trường chuyên đi xử lý rác tái chế để thu gom những hộp sữa đã qua sử dụng.
Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, trẻ sẽ gom tất cả các hộp sữa lại, làm sạch, xếp dẹp, dán tem để che kín lỗ ống hút, cùng tạo ra một thùng sữa khổng lồ. Sau đó đem ra đặt trước cửa trường để cư dân xung quanh biết và hưởng ứng hoạt động này.
Sống xanh kiểu… mầm non4

Đồ đựng bút chì màu làm từ lõi giấy cuộn

ẢNH: K.Q

Sống xanh kiểu… mầm non5

Bánh sinh nhật làm từ các mảnh vụn của vải nỉ và hộp giấy

Ảnh: K.Q

Không chỉ riêng các vỏ hộp giấy, mà các vật dụng bằng nhựa, vải, lõi giấy,… cũng được tái chế để làm đồ chơi cho các em. Đồng hồ cát được làm từ bình nước suối, đồ đựng bút chì màu làm từ lõi giấy cuộn, bánh sinh nhật làm từ các mảnh vụn của vải nỉ và hộp giấy,… Những thứ tưởng chừng như bỏ đi, nay lại được tận dụng để làm sinh động hơn cho các trò chơi của các em.
Cô Bùi Thị Hồng Diễm, giáo viên nhà trường, cho biết: “Những đồ chơi làm từ vật liệu tái chế có hạn sử dụng ngắn nên sẽ kích thích sự sáng tạo và tư duy cho các bé vì bé phải làm liên tục, nghĩ ra các món đồ chơi khác nhau”.
“Khi làm những hoạt động này, tôi rất mong muốn được truyền cảm hứng cho các trường học, giúp các em hình thành ý thức bảo vệ môi trường, vừa tăng tính sáng tạo cho các em ngay từ những năm đầu của tuổi thơ”, cô Phan Khánh Quỳnh tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.