'Songbird' nối dài danh sách phim gây tranh cãi của Michael Bay

16/12/2020 19:03 GMT+7

Phim về đại dịch do "ông hoàng cháy nổ" Michael Bay sản xuất là Songbird bị phê bình khi đi ngược lại những tiêu chuẩn cộng đồng giữa thời dịch.

Phát sóng trực tuyến từ ngày 11.12, phim Songbird (tựa Việt: Giữa tâm dịch) nhận sự chê bai của các nhà phê bình lẫn khán giả đại chúng. Phim do Adam Mason đạo diễn, kể về cặp tình nhân Nico (KJ Apa đóng) và Sara (Sofia Carson) cố gắng tìm đến bên nhau, bất chấp mọi tình huống giữa tình hình dịch Covid-19 phát triển thành dịch Covid-23. Nghĩa là bối cảnh câu chuyện hư cấu dựa trên tình hình thực tế hiện tại mà nhân loại đang trải qua, và thế giới đang ở năm thứ tư không có lối thoát. Lúc này, Khu Q do Mỹ lập nên để cách ly những người bị nhiễm Covid-23.
Trên trang Rotten Tomatoes, Songbird được chấm 12% từ 58 bài đánh giá của các nhà phê bình phim (nhận cà chua thối) và 30% từ 77 bài đánh giá của khán giả đại chúng. Điều đó đồng nghĩa với việc đa phần cả hai phân khúc khán giả đều cho rằng phim không hay. Không khó để nhận ra nguyên nhân khiến Songbird vấp phải những ý kiến trái chiều về nội dung. Theo như các bài đánh giá và ý kiến bên lề về Songbird, phim bị phê bình vì đi ngược lại những giá trị của con người thời dịch bệnh và bản thân bộ phim cũng không đột phá. Hay có thể hiểu khác đi là các nhà làm phim "cổ xúy" cho việc trốn cách ly của các nhân vật trong phim và khu cách ly được hình dung như mồ chôn tập thể đối với các bệnh nhân. 
Tạp chí Esquire nhận xét rằng, tổ chức chuyên gõ cửa từng nhà để bắt bệnh nhân đi cách ly trong Songbird là Sanitation Department được mô tả như phe phản diện khiến tuyến nhân vật chính diện phải luôn đấu tranh. Khu Q, nơi mà Sanitation Department lập ra để kiểm soát người bệnh, trông đáng sợ chẳng khác nào khu vực có người ngoài hành tinh chiếm đóng trong District 9 (Khu vực 9), một phim giả tài liệu của đạo diễn Neill Blomkamp. Song cũng cần nói về Khu vực 9 một chút, phim này tuy lấy bối cảnh giả tưởng như Khu Q của Songbird nhưng nó lại là nơi diễn ra cuộc giao tranh thảm khốc giữa một bên là con người và một bên là người ngoài hành tinh. Để giúp cho người ngoài hành tinh, được mô tả trong phim là dân tị nạn và ăn nhờ ở đậu trên trái đất về lại quê hương, đã có một nhân vật đứng ra hy sinh thân mình. 

Quang cảnh đáng sợ của dịch Covid-23 trong phim Songbird

Ảnh: STX Films

Đồng tình với tạp chí Esquire, trang RogerEbert cho biết Songbird mô tả việc người dân mặc dù đang trong tình thế hiểm nghèo của đại dịch nhưng lại từ chối được tiêm vaccine để gìn giữ sức khỏe cho bản thân cũng như cộng đồng. Chuyện tình của cặp đôi Nico - Sara trong phim được khắc họa như đốm sáng lóe lên trong tâm dịch còn những người thực hiện việc truy tìm và cách ly bệnh nhân hiện lên một cách độc đoán, đáng sợ. Trang RogerEbert nhận xét Nico đã rất cố gắng để "cứu" Sara ra khỏi tình thế mà cả hai không mong muốn, có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của hai người. Từ đó trang này nhận định, đây là một tác phẩm "không nên tồn tại". 
Hiện tại, Songbird chỉ mới ra mắt khán giả Mỹ. Ở Việt Nam, phim phải dời lịch chiếu từ ngày 11.12 sang tháng 1.2021 do các nhà phát hành đang dồn sức quảng bá cho "bom tấn" của Warner Bros. là Wonder Woman 1984
Songbird là tác phẩm tiếp theo trong sự nghiệp của "ông hoàng cháy nổ" Michael Bay gây tranh cãi về nội dung phim, mặc dù lần này ông chỉ ngồi ghế sản xuất dự án. Trước đó, thương hiệu phim hành động viễn tưởng Transformers (tựa Việt: Robot biến hình) do ông chỉ đạo bị chê bai thậm tệ về mặt chất lượng. Trong suốt 5 phần của loạt phim Transformers ra mắt từ năm 2007 đến năm 2017, các phần này được chấm lần lượt trên trang Rotten Tomatoes là 58%, 20%, 35%, 18% và 15% mặc dù tổng doanh thu của series tại phòng vé lên đến trên 4,8 tỉ USD.

Một cảnh trong phim Pearl Harbor (2001), phim bị chê về chất lượng nhưng vẫn hốt bạc tại phòng vé

Ảnh: Disney

Trước loạt phim Robot biến hình, nhiều phim của Michael Bay cũng từng gây tranh cãi hay bị giới phê bình bĩu môi nhưng vẫn tạo được hiệu ứng tốt tại phòng vé. Đơn cử như các phim Pearl Harbor, Armageddon, loạt phim Bad Boys... Trong đó, phim Pearl Harbor từng gây tranh cãi vì có chi tiết sai lệch lịch sử và bị chấm 24% trên Rotten Tomatoes nhưng lại mang về tổng doanh thu gần 450 triệu USD toàn cầu. Armageddon, một dự án cháy nổ, hành động ra đời năm 1998, chỉ được chấm 38% trên Rotten Tomatoes nhưng thu về trên 550 triệu USD toàn cầu, là một trong những phim ăn khách bậc nhất năm đó. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.