Sốt giá thịt heo Trung Quốc giảm lần đầu sau hơn 1 năm

10/11/2020 19:32 GMT+7

Giá thịt heo tại Trung Quốc giảm lần đầu trong hơn 1 năm qua sau thời gian tăng hơn gấp đôi.

Theo Đài CNBC dẫn thông tin từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, giá thịt heo trong tháng 10 giảm 2,8% so với năm trước, và là lần giảm đầu tiên kể từ hơn 1 năm rưỡi qua.
Giá thịt heo tăng gấp đôi vào năm ngoái và tiếp tục đà tăng vào đầu năm nay do cúm lợn châu Phi gây ảnh hưởng ở Trung Quốc. Đà tăng bắt đầu giảm dần trong vài tháng qua.
Ông Bruce Pang tại công ty nghiên cứu chiến lược China Renaissance, cho hay giá thịt giảm là do nguồn cung lợn sống gia tăng, đồng thời dự báo giá tiếp tục giảm trong quý này. Bên cạnh đó, ông dự báo lạm phát tại Trung Quốc cũng sẽ giảm theo chỉ số giá tiêu dùng.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0.5% vào tháng 10 so với cùng ký năm trước. Giá thực phẩm tăng 2,2%, trong đó rau củ tươi tăng 16,7%, còn giá thịt bò tăng 7% và thịt cừu tăng 3,6%.

[VIDEO] Trung Quốc nuôi heo ở đô thị vì khủng hoảng giá thịt heo

Dự báo nguồn cung thịt heo sẽ tiếp tục hồi phục từ tình trạng thiếu hụt trong thời gian qua. Theo chuyên gia nông sản Zhao Guangyu tại công ty Nahua Futures, đàn lợn nái đang vào thời kỳ “tăng tốc hồi phục”.
Chuyên gia này dự báo thịt lợn nhập khẩu và việc chính phủ đấu giá thịt từ kho lạnh dự trữ sẽ tiếp tục gia tăng cho đến cuối năm nay, bổ sung vào nguồn cung, trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn ổn định.
Tháng trước, Hải quan Trung Quốc cho hay giá thịt heo tăng hơn gấp đôi trong quý 1 đến quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đà tăng giá sau đó đã giảm.
Trong kế hoạch 5 năm, chính phủ Trung Quốc ưu tiên đảm bảo an ninh lương thực. Do đó, Trung Quốc sẽ giảm lệ thuộc vào nhập khẩu nông sản từ các nước như Mỹ và Úc, những nước có mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thịt heo nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 11% lượng tiêu thụ tại Trung Quốc trong năm nay. Dự báo Mỹ sẽ xuất khẩu thịt heo ổn định trong năm tới, ở mức 3,3 triệu tấn, do nhu cầu tăng tại Mexico và Nhật Bản sẽ bù vào nhu cầu yếu hơn ở Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.