Tường rạn nứt hoặc vỡ từng mảng, cống tắc, nhà dột, thang máy dăm bữa nửa tháng lại hỏng, nước đục ngầu phải qua 2 lần lọc mới dám ăn… người dân ở nhiều khu tái định cư tại Hà Nội đang sốt ruột đợi từng ngày chủ đầu tư sửa chữa các hạng mục xuống cấp.
Sửa chữa nhà tái định cư ở Hà Nội chỉ là sơn lại mặt ngoài (ảnh chụp tại khu Nam Trung Yên) - Ảnh Lê Quân
|
Nhìn bên ngoài, 2 tòa nhà A4, A5 của khu tại định cư Đền Lừ 2, Q.Hoàng Mai khá ổn với màu sơn xanh, tuy nhiên, vừa bước vào trong tầng 1 nhà A4, không cẩn thận có thể bị té ngã vì nền gạch đã bung lên, nước theo những kẽ hở ở mặt nền tràn ra lênh láng. Chưa thấy bóng dáng nhà đầu tư đến sửa chữa đâu, anh nhân viên trông xe có phòng ở tầng 1 hàng tháng nay chỉ biết lấy giẻ chặn nước ngay từ ngoài cửa. Trẻ con cũng không dám chơi ở tầng 1 vì đã có mấy cháu bị ngã do vấp phải viên gạch nhô cao hơn bình thường. Tình trạng này lặp lại gần như ở tất cả hành lang tầng 2 của 2 tòa A4, A5.
Không chỉ gạch lát hỏng, vôi vữa bong tróc, tại các tòa nhà thuộc khu tái định cư này (gồm cả A2, A3), thang máy thường xuyên hư hỏng khiến các hộ tầng cao phải đi thang bộ, rất vất vả, bất tiện; đường nước sinh hoạt luôn nổi váng, bám cặn đen sì ở đáy xô đựng nước. Bà Trần Thị Nhã, chủ nhà 409 nhà A4 than thở: "Chúng tôi có ý kiến nhiều lần về nguồn nước nhưng chưa thấy ai tới sửa. Chậm sửa ngày nào, dân chúng tôi khổ ngày đó”.
Người dân tại khu tái định cư N5D Trung Hòa - Nhân Chính cũng đang mong chủ đầu tư khắc phục tình trạng điện nước trục trặc liên tục tại đây. Chủ một căn hộ tầng 10 cho biết: “Nước bơm mãi không lên. Phải lọc kỹ mới dám nấu nướng ăn uống, quả lọc nhà tôi nó đóng cặn đen sì”. Hiện tại, từ tầng 1 đến tầng 5 nhà N5D, mối mọt đã làm hỏng hết các cánh cửa, nhà nào có điều kiện mới thay được cửa mới, còn lại đành chịu.
Không phải sốt ruột chờ đợi như các cư dân nói trên, nhưng nhiều hộ dân tại 4 lô nhà B11a, B11b, B11c, B11d khu tái định cư Nam Trung Yên không thấy thỏa đáng khi chủ đầu tư chỉ trát lại các vết rạn nứt và sơn lại toàn bộ phía ngoài. Bà Hồng, chủ căn hộ tầng 13, nhà B11a cho rằng, nếu chủ đầu tư chỉ sơn sửa bên ngoài và bắt các hộ dân tự túc sửa chữa bên trong là chưa công bằng, trong khi phía trong nhà bị ố mốc nhiều nơi, trần bếp bị thấm nước nhiều năm nay là do hệ lụy từ các hạng mục thi công đã xuống cấp vì chất lượng không đảm bảo.
Chỉ sửa bên ngoài là không công bằng
Theo ông Nguyễn Tử Quang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư - Phát triển nhà Hà Nội (Handico), sau khi nhận chỉ đạo sửa chữa nhà tái định cư của UBND TP, đơn vị này đã và đang triển khai sửa chữa hơn 10 tòa nhà chung cư ở khu đô thị Nam Trung Yên. “Các hạng mục nào thuộc sở hữu chung sẽ được sửa chữa, còn ở phần riêng trong nhà thì người dân phải tự túc kinh phí sửa chữa”, ông Quang thông tin.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (đơn vị quản lý khu tái định cư Đền Lừ) cũng cho hay đơn vị này đang triển khai các công việc sửa chữa các tòa nhà tái định cư thuộc phạm vi quản lý theo chỉ đạo của TP. Tuy nhiên, ông Sơn từ chối trả lời chi tiết các hạng mục sửa chữa.
Chủ tịch Tổng hội xây dựng VN Trần Ngọc Hùng cho rằng, việc sửa chữa các khu nhà tái định cư nếu chỉ là sơn ve lại mặt ngoài mà không giải quyết được các hạng mục xuống cấp bên trong căn hộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân như điện, nước, là không công bằng với người dân.
Theo ông Hùng, việc sửa chữa các tòa nhà tái định cư trên phải có đại diện của người dân tham gia vào tổ kiểm tra, giám sát, nghiệm thu việc sửa chữa, mới đảm bảo chất lượng. “Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng cần thể hiện vai trò giám sát chặt chẽ của mình để đảm bảo quyền lợi cho người dân”, ông Hùng nhấn mạnh.
Bình luận (0)