Sốt ruột đầu tư xây dựng cơ bản

21/04/2018 07:41 GMT+7

Chậm từ chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công, cho tới cả lúc nghiệm thu, quyết toán...

Đó là thực trạng được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 20.4.
“Ngâm” hồ sơ, sợ trách nhiệm
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy vốn đầu tư công nói riêng và vốn đầu tư xây dựng nói chung là một trong những điều kiện quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Do vậy, Chính phủ muốn nghe được những tiếng nói cởi mở, chỉ ra những nút thắt để tháo gỡ thay vì những báo cáo thành quả.
Thủ tướng đánh giá các dự án xây dựng chậm hầu hết ở các khâu, từ đấu thầu, đất đai, giải phóng mặt bằng đến phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương còn bất cập. Chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chọn nhà thầu không có đủ năng lực, kinh nghiệm. Khi thực hiện thì chế độ công tác, kiểm tra, giao ban, đôn đốc xử lý vướng mắc trên công trường cũng chưa tốt. Vẫn còn tình trạng cơ quan chức năng “ngâm” hồ sơ đầu tư xây dựng kéo dài, sợ trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến tiến độ, những thủ tục tiếp theo.
Dẫn chứng các dự án trong ngành giao thông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói: Nếu 2 dự án cùng quy mô, thì công trình vốn tư nhân bao giờ cũng nhanh hơn dự án vốn nhà nước. Như sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), do tư nhân làm chỉ khoảng 1 năm rưỡi là có thể khai thác. Quy trình phối hợp, lấy ý kiến, họp hành nhiều lần khiến dự án nguy cơ kéo dài, trong khi đa số công trình dùng tiền đi vay nên phải thêm gánh nặng trả lãi.
Chia sẻ lo ngại này của ông Thể, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, cho hay có trường hợp 2 vụ trong cùng bộ, chỉ cách nhau bức tường mà khi phối hợp giải quyết thủ tục cho 1 dự án lại cần đến mấy tháng. “Riêng văn bản giấy tờ đi lại mất cả tháng trời trong khi chỉ một cú điện thoại là xong. Tư nhân họ làm nhanh hơn dự án công nhiều khi là vậy”, ông Huệ nói, đồng thời tỏ ra sốt ruột: Hiện nay, thị trường vốn rất thuận lợi, nhưng Bộ Tài chính buộc phải giảm huy động vì dự án không giải ngân được.
Trong khi đó, tổng hợp báo cáo từ các bộ, ngành của Bộ Xây dựng cho thấy những khó khăn, vướng mắc hiện có ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng. Ví dụ, giai đoạn chuẩn bị đầu tư bắt đầu từ khi xin chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi có quyết định đầu tư thì nổi lên khó khăn liên quan đến yêu cầu phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đây là thời kỳ xin chấp thuận chủ trương nên các dữ liệu liên quan đến dự án không đủ chi tiết, chỉ mang tính chất sơ bộ, chưa đủ điều kiện để lập ĐTM.
Đến giai đoạn thực hiện dự án thì các vướng mắc chủ yếu liên quan đến luật Đất đai như tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài. Thời gian hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bình quân mất khoảng 20 tháng, đặc biệt nhiều dự án bị kéo dài từ 5 - 10 năm do đơn giá đền bù đất, công trình trên đất chưa theo cơ chế thị trường…
Đừng để sập nhà, chết người rồi mới lo cải tạo chung cư cũ
Một câu chuyện nhức nhối khác nhưng dường như vẫn chưa có lời giải sau khi hội nghị này kết thúc. Đó là vấn đề cải tạo các chung cư cũ, nhất là tại 2 đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM. Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, cho rằng riêng Hà Nội và TP.HCM đang có hàng ngàn chung cư cũ xuống cấp, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, dù chủ trương cải tạo đã đưa ra cả chục năm nay song mới chỉ 3% được thực hiện. Theo ông Hùng, đa số những người sống chung cư cũ thường có điều kiện kinh tế khó khăn nên để đẩy nhanh tốc độ cải tạo, nhà nước cần đứng ra chủ trì thay vì triển khai theo hình thức xã hội hóa vốn không hài hòa được lợi ích của các bên.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Toàn Cầu (GP.INVEST) - đơn vị tham gia cải tạo chung cư Văn Chương (Hà Nội), cho biết đây là khu tập thể đã gần 60 năm, xuống cấp trầm trọng, đe dọa rất lớn đến tính mạng người dân. Thế nhưng, người dân sống ở đây vẫn quan niệm nhà nước cần cải tạo nhà cho họ chứ không phải chính người dân phải cải tạo nhà ở của mình. Vì thế, ở dự án nào người dân cũng đòi được đền bù với hệ số 2 - 2,5 lần, nên không có cơ chế mà thực hiện.
Chung cư Nam Đồng (Q.Đống Đa, Hà Nội) nhìn từ trên cao Ảnh: Ngọc Thắng

“Tính sơ với khu Văn Chương, nếu thực hiện theo hệ số người dân yêu cầu thì chúng tôi lỗ cả ngàn tỉ, không ai đủ sức mà gánh nổi”, ông Hiệp nói và kiến nghị Chính phủ nên giao HĐND các TP có thẩm quyền quyết định hệ số đền bù cho người dân theo từng khu vực. Ngoài ra, các TP cũng nên có quỹ đất, có nguồn lực phục vụ cho việc này vì nếu không, việc cải tạo chung cư cũ không thể làm được khi tính khả thi về kinh tế không cao.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu kiến nghị sửa đổi quy định “chỉ cần tối thiểu 80% chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới là việc triển khai sẽ được thông qua”. Bởi quy định 100% cư dân đồng thuận như hiện nay là điều không thể. Theo ông Trần Ngọc Hùng, Tổng hội Xây dựng VN, đã nhiều lần kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước dành toàn bộ quỹ đất xung quanh những khu chung cư cũ này để tái định cư tại chỗ cho người dân. Tuy nhiên, thực tế, quỹ “đất vàng” này thường được chính quyền ưu ái cho các dự án thương mại khác mà trường hợp các khu Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh ở Hà Nội được ông dẫn ra để minh họa.
Sốt ruột trước tiến độ ì ạch này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt lên: “Đừng để sập nhà, chết người rồi mới lo sắp xếp, cải tạo”. Chia sẻ với đề xuất của Tổng hội Xây dựng VN, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc thực hiện chủ trương cải tạo xây dựng lại chung cư cũ là vấn đề cấp bách, nên các địa phương ngoài dựa trên cơ sở pháp lý về luật pháp, nghị định thì cần chủ động xây dựng các đề án riêng, cụ thể với tình hình thực tế để việc triển khai được linh hoạt. Nếu mỗi tỉnh, TP chủ động xây dựng đề án thì kết quả cải tạo chung cư sẽ không chỉ dừng lại ở con số vỏn vẹn 3% như hiện nay. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho hay, cơ chế để cải tạo chung cư cũ đã có, thậm chí là đầy đủ, hoàn thiện do đó không nên đổ tại cơ chế. Ông Dũng nhấn mạnh đây là thẩm quyền của các địa phương nên 2 TP cần chủ động vận dụng và quyết tâm thực hiện.
“Nhà nước đã có nghị định về cải tạo nhà chung cư với những chính sách rất ưu tiên, trong đó có chính sách dùng hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Đây là những nhà đã được bán cho người dân, nhưng do quá xuống cấp, ảnh hưởng đến an toàn, mỹ quan chung, nếu để tự người dân cải tạo, sửa chữa thì không có khả năng. Nhưng vấn đề vướng mắc hiện lại nằm ở các địa phương. Đề nghị các địa phương tập trung xử lý”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Ảnh: TTXVN

Từ nay khi giao đất cho các dự án cần phải qua đấu giá công khai. Anh tự giao đất thì thất thoát lớn lắm. Không được giao đất theo kiểu chỉ định mà phải đấu giá để thu lợi cho nhà nước. Kể cả cung cấp hàng hóa, chọn nhà thầu cũng phải công khai, đấu thầu, dẹp hết chuyện quân xanh quân đỏ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.