Do nhập viện muộn, bệnh nhân đã không qua khỏi.
Tử vong sau 5 ngày tự điều trị
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hôm qua cho biết chỉ trong vòng 1 tuần qua đã có 2 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội tử vong do bệnh quá nặng, nhập viện muộn. Ca tử vong gần đây nhất ghi nhận hôm 1.9 là bệnh nhân nam, 57 tuổi, địa chỉ tại Q.Hoàn Kiếm.
Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở (tuyến địa phương), chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm sốc để xử trí kịp thời.
Các bác sĩ xem xét chỉ định bệnh nhân nhập viện trong các trường hợp:
- Sống một mình.
- Nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng. - Gia đình không có khả năng theo dõi sát. - Trẻ em giai đoạn đầu đời sau giai đoạn sơ sinh, được xác định từ 1 tháng tuổi đến 1 năm tuổi. - Dư cân, béo phì. - Phụ nữ có thai. - Người trên 60 tuổi. - Bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...). (Nguồn: Bộ Y tế)
|
Trung tâm bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã tiếp nhận gần 100 ca mắc SXH nhập viện trong các tháng qua. Các ca mắc SXH là bệnh nhân sống tại các huyện, quận của Hà Nội như: Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Hiện có 5 bệnh nhân SXH đang được điều trị tại trung tâm này.
Nhận biết 3 mức độ của sốt xuất huyết
Theo Bộ Y tế, SXH có 3 mức độ khác nhau, gồm: SXH, SXH có dấu hiệu cảnh báo và SXH nặng.
Triệu chứng ban đầu của SXH là: sốt cao đột ngột, đau cơ, nhức đầu, nhức hốc mắt, xuất hiện chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; chán ăn, buồn nôn; da sung huyết, phát ban.
SXH có dấu hiệu cảnh báo gồm các triệu chứng nêu trên, kèm theo các dấu hiệu như: vật vã, lừ đừ, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan; nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, đi tiểu ít.
SXH nặng xảy ra khi người bệnh có một trong các biểu hiện thoát huyết tương nặng dẫn đến tình trạng sốc SXH, có ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều. Diễn biến nặng thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, với các triệu chứng như: vật vã, bứt rứt, li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh, nhỏ, huyết áp kẹt, tụt huyết áp hay không đo được huyết áp; đi tiểu ít.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, SXH có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang nặng. Bệnh nhân chú ý theo dõi diễn biến khi xuất hiện sốt cao, đau đầu, đặc biệt nên đi khám ngay nếu có chảy máu cam, đi ngoài phân đen, hoặc nữ giới xuất hiện kinh nguyệt bất thường.
Bình luận (0)