Sốt xuất huyết miền Tây tăng đột biến, hàng trăm ca biến chứng nặng

06/10/2022 18:00 GMT+7

Tại ĐBSCL, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng đột biến và chưa có dấu hiệu chậm lại. Riêng Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tháng 9.2022 có 307 ca nhập viện, gấp gần 44 lần so với năm trước.

Ngày 6.10, tin từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết tại ĐBSCL vẫn đang diễn biến rất phức tạp, số ca nhập viện cao bất thường.

Theo thống kê của bệnh viện này,tháng 9.2021, bệnh viện chỉ tiếp nhận 7 ca sốt xuất huyết, nhưng tháng 9.2022 có đến 307 ca nhập viện điều trị, tăng gần 44 lần.

BS.CK2 Trần Ngô Phúc Mỹ, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết suốt từ tháng 6 đến nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 20 - 40 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện; trong đó có nhiều ca nặng với đầy đủ các thể bệnh như: sốc, tái sốc nhiều lần, tổn thương tạng, trong đó tổn thương gan gặp nhiều nhất, kế đến là viêm cơ tim, thể não. Ngoài ra, thể xuất huyết nặng cũng nhiều hơn các năm trước như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tạng tự phát, ra huyết âm đạo...

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị cho một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết biến chứng viêm cơ tim, ngưng tim

đình tuyển

“Rất nhiều ca bệnh nặng từ các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến bệnh viện cấp cứu”, BS Mỹ nói.

Cũng theo thống kê của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, tính chung 4 tháng cao điểm của dịch sốt xuất huyết (từ tháng 6 đến hết tháng 9.2022), bệnh viện này đã tiếp nhận điều trị tổng cộng 1.413 ca sốt xuất huyết, tăng gấp gần 26 lần so với cùng kỳ năm 2021 (chỉ ghi nhận 55 ca). Cũng trong 4 tháng trên, bệnh viện ghi nhận 307 ca sốt xuất huyết sốc, biến chứng nặng; đặc biệt là có 40 ca mắc sốt xuất huyết là phụ nữ mang thai.

Số ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị ở ĐBSCL vẫn đang tăng cao

đình tuyển

Theo BS Trần Ngô Phúc Mỹ, hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc chủng ngừa nên phòng bệnh chủ lực vẫn là tránh bị muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti (dân gian gọi là muỗi vằn) là trung gian chính truyền bệnh sốt xuất huyết. Đặc điểm là muỗi đốt người vào ban ngày. “Các phòng tránh muỗi đốt cơ bản nhất là ngủ có mùng, sử dụng các loại thuốc thoa da, các loại thuốc phun xịt muỗi, vợt muỗi bằng điện, xử lý các vật dụng chứa nước đọng quanh nhà, phát hoang bụi rậm, nuôi cá lia thia, cá bảy màu để diệt lăng quăng…”, BS Mỹ nói.

Ban đỏ nổi khi bị mắc sốt xuất huyết

đình tuyển

Các bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo, khi bị các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết như đột ngột sốt cao kéo dài, mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ, thường kèm theo buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy thì cần đi khám ngay tại cơ sở y tế. Người dân không nên tự ý mua thuốc uống cho qua cơn sốt, tránh tình trạng để bệnh diễn tiến nặng, diễn tiến sốc không được phát hiện, xử lý kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.