Sốt xuất huyết tăng với số liệu đáng báo động
Hiện nay, tình hình sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 17.10, toàn tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận 11.281 ca mắc SXH tại 18/18 huyện, thị xã, thành phố và chưa ghi nhận ca tử vong.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam), cho biết đây là số liệu đáng báo động, vì số mắc gần bằng so với cả năm 2019 (là năm bùng phát dịch SXH với 11.651 ca) và cao gấp 4 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm (2016 - 2020).
Nhiều bệnh nhân điều trị SXH tại Bệnh viện đa khoa Quảng Nam |
nam thịnh |
Hiện CDC Quảng Nam đã phối hợp với các trung tâm y tế xử lý 245 ổ dịch SXH. SXH bắt đầu tăng nhanh từ tuần thứ 21 (hơn 100 ca/tuần) và tăng đột biến bắt đầu từ tuần thứ 24 (tăng hơn 300 ca/tuần) và chưa có xu hướng giảm.
Bác sĩ Trần Đỗ Nhân, Giám đốc Trung tâm y tế H.Duy Xuyên, cho biết số ca mắc SXH từ đầu năm đến nay đã tăng 3 - 4 lần so với cùng kỳ những năm trước. Hiện trung tâm đang có gần 70 bệnh nhân SXH nằm điều trị.
“Có thời điểm, mỗi ngày trung tâm đón từ 20 - 25 bệnh nhân mắc SXH nhập viện điều trị. Có nhiều ca có bệnh lý nặng đã được chuyển ra các bệnh viện tại TP.Đà Nẵng nên trung tâm không gặp khó khăn gì trong chuyện điều trị bệnh nhân mắc SXH”, ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, trung tâm chỉ tiêu có 170 giường bệnh, nhưng có ngày phải đón hơn 400 người, dẫn đến quá tải. Dịch SXH thường có chu kỳ nên việc quan trọng nhất để hạn chế dịch bệnh phát triển là diệt bọ gậy, lăng quăng để không cho chúng có cơ hội phát triển.
“Cách đây mấy hôm do tiếp nhận nhiều ca mắc SXH, cùng các bệnh nhân nhập viện để điều trị một số bệnh lý khác, khiến trung tâm rơi vào cảnh quá tải giường bệnh, phải kê thêm giường ngoài hành lang cho bệnh nhân nằm”, ông Nhân chia sẻ.
Bác sĩ Trần Quang Đạt, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ, cho hay từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 10.2022, bệnh viện tiếp nhận, điều trị gần 300 ca mắc SXH.
“Hiện nay, số lượng các ca mắc SXH tăng lên mỗi ngày. Tuy nhiên, về phía bệnh viện thì vẫn đang tập trung điều trị cho những ca có triệu chứng trở nặng, đồng thời chưa gặp khó khăn trong việc thiếu thuốc điều trị bệnh nhân SXH”, ông Đạt nói.
Chưa ghi nhận ca mắc SXH tử vong
Bác sĩ Trung Hải, Trưởng khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam, đóng tại H.Núi Thành, Quảng Nam) cho biết từ đầu năm đến ngày 18.10, riêng khoa đã tiếp nhận, điều trị cho 1.000 ca bệnh. Đáng chú ý, từ tháng 8 đến tháng 10, bệnh viện tiếp nhận ca mắc SXH tăng đột biến.
“Số ca mắc SXH điều trị tại khoa Y học nhiệt đới của bệnh viện trung bình từ 40-50 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đảm bảo thuốc và vật tư để điều trị, cơ bản chưa gặp khó khăn gì”, bác sĩ Hải nói.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam phun hóa chất diệt bọ gậy, phòng bệnh SXH |
NAM THỊNH |
Cũng theo bác sĩ Hải, trung bình mỗi ngày có khoảng từ 4-5 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo hoặc sốc SXH. Ngoài ra, cũng có 1-2 bệnh nhân thiếu tiểu cầu nặng cần phải truyền tiểu cầu mỗi ngày. Hiện bệnh viện chưa ghi nhận ca mắc SXH tử vong.
Trong khi đó, bác sĩ Lý Vũ Thị Bảo Thanh, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam) thừa nhận tại khoa, tình trạng bệnh nhi mắc SXH ngày mỗi tăng. Hiện khoa đang điều trị 17 ca mắc SXH.
“Nhiều lúc khoa cũng quá tải giường bệnh vì tiếp nhận bệnh nhân nhiều. Sau khi lượt khỏi bệnh ra, thì sẽ có lượt mắc SXH mới vào nên mỗi ngày khoa duy trì khoảng 20 ca bệnh. Nếu tính tổng số ca mắc trong 1 tháng thì phải nói là vượt gấp 5 -6 lần so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Trong tháng 9 và tháng 10 số ca mắc SXH liên tục tăng”, bác sĩ Thanh nói.
Ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc CDC Quảng Nam, cho hay hiện nay là thời điểm thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh SXH là muỗi và bọ gậy phát triển; nguy cơ gia tăng các ca bệnh và lan rộng ra nhiều địa phương nếu không có các biện pháp chủ động phòng chống dịch.
Theo ông Kiệm, để tránh nguy cơ dịch bùng phát, không để “dịch chồng dịch” và đặc biệt không có trường hợp tử vong. Song song với công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế Quảng Nam đã huy động các nguồn lực và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.
“SXH là bệnh truyền nhiễm dễ gây thành dịch. Bệnh SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, người dân nên chủ động phòng chống bệnh, là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất”, ông Kiệm thông tin.
Với tốc độ SXH tăng “chóng mặt” sau đợt mưa bão cho thấy tình hình bệnh diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước. Hiện một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân SXH. Nhiều lãnh đạo bệnh viện dự báo bệnh SXH sẽ tiếp tục tăng cao và đạt đỉnh dịch trong thời gian tới.
Bình luận (0)