Sốt xuất huyết vượt đỉnh dịch cũ, nhiều bệnh viện ở TP.HCM đề nghị hỗ trợ

27/06/2022 17:29 GMT+7

Sáng 27.6, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác điều trị bệnh sốt xuất huyết tại một số bệnh viện.

Số ca sốt xuất huyết vượt đỉnh dịch năm 2019

Tại buổi kiểm tra, Bệnh viện Q.8 cho biết, dù số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng nhưng bệnh viện vẫn đáp ứng việc thăm khám, thu dung điều trị, không để tình trạng thiếu thuốc hay hóa chất. Tuy vậy, bệnh viện gặp khó khăn về nhân lực, do đó việc theo dõi và điều trị người bị sốt xuất huyết nặng còn hạn chế.

Đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu làm việc tại Bệnh viện Q.8

khánh trần

Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Q.8 cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện có khoảng 20 bệnh nhân đến khám sốt xuất huyết, hiện đang có 10 - 15 bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết nội trú, chủ yếu mức độ nhẹ, một số ít nhập viện trong tình trạng sốc.

Bệnh viện Q.8 đề xuất các bệnh viện tuyến trên tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn và điều trị các ca sốt xuất huyết nặng; phối hợp tổ chức các buổi tập huấn về phương pháp điều trị sốt xuất huyết cho bệnh viện quận.

Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 báo cáo, tính đến ngày 23.6, số ca khám bệnh ngoại trú sốt xuất huyết tại bệnh viện này lên đến 1.589 ca, vượt đỉnh dịch năm 2019 (1.318 ca). Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 1.739 ca, trong đó có 369 ca sốc sốt xuất huyết Dengue, 7 ca tử vong. Tình hình dịch sốt xuất huyết phức tạp hơn các năm trước.

Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, việc cung ứng các dung dịch cao phân tử (HES 200, Dextran 40, Dextran 70), các thuốc vận mạch (Dopamin) gặp khó khăn, chưa có nguồn cung. Riêng thuốc HES130 tạm thời được sử dụng thay thế trong điều trị chống sốc sốt xuất huyết Dengue nhưng BHXH Việt Nam chưa chấp nhận thanh toán cho người bệnh.

Theo dự báo của Bệnh viện Nhi đồng 1, tình hình dịch sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp và đạt đỉnh vào các tháng quý 3 năm 2022.

Tại khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, giường phải kê thêm ngoài hành lang

khánh trần

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, khoa Điều trị bệnh sốt xuất huyết đang quá tải, thiếu các chế phẩm về máu, đặc biệt là các nhóm máu hiếm (AB). Bệnh viện này kiến nghị các bệnh viện tuyến trước cần hạn chế chuyển bệnh nhân có khả năng điều trị tại chỗ.

BS.CK II Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho rằng, để giảm tải bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết, không phải nằm ngoài hành lang, những ca sốt xuất huyết nhẹ, còn tỉnh táo nên điều trị tại các bệnh viện tuyến quận, huyện. Ở khoa Nhiễm D của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, đang điều trị những ca sốt xuất huyết mức độ cảnh báo, sốc sốt xuất huyết.

Cần cấp đủ thuốc cho bệnh viện chống dịch

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định tình hình dịch sốt xuất huyết đang căng thẳng. Các trường hợp sốc hay cảnh báo đã vượt đỉnh dịch năm 2019. Diễn biến của dịch không chỉ trong tháng 6, mà còn đến tháng 7, 8, 9, có khi đến tháng 11.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết

khánh trần

“Ngoài sự quyết liệt của hệ thống chính trị, chính quyền địa phương, ban chỉ đạo phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương, còn cần sự vào cuộc của hệ thống y tế, tuyên truyền đến người dân, gia đình biết cách phòng chống dịch sốt xuất huyết”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận.

Về công tác điều trị sốt xuất huyết, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá trình độ chuyên môn của nhân viên y tế được nâng cao qua cuộc chiến với dịch Covid-19, qua việc ứng dụng những kỹ thuật như ECMO vào điều trị cho bệnh nhân bị suy đa phủ tạng do sốt xuất huyết. “Đây là cơ hội lớn để các bác sĩ phát triển kỹ thuật mới trong điều trị sốt xuất huyết”, ông Sơn đánh giá.

Về những kiến nghị của các bệnh viện, Thứ trưởng Sơn khẳng định sẽ đề xuất với Bộ Y tế. Trong chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết này, phải có nguồn kinh phí tối thiểu cho công tác tập huấn, để tăng cường năng lực cho nhân viên y tế trong điều trị sốt xuất huyết.

Về một số loại thuốc điều trị sốt xuất huyết đang khan hàng như Dopamin, HES 130, ông Sơn cho hay, sẽ làm việc với Cục quản lý dược Bộ Y tế để có thể cung cấp tối thiểu cho các bệnh viện chống dịch. “Thuốc cũng như đạn dược, đánh giặc mà vũ khí không có đạn thì làm sao đánh giặc được”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.