SpaceX phóng thành công 64 vệ tinh, lập hai kỷ lục trong một ngày

04/12/2018 17:44 GMT+7

Hãng vũ trụ SpaceX của tỉ phú Elon Musk vừa hoàn tất đợt phóng tên lửa lần thứ 19 trong năm 2018 vào rạng sáng nay 4.12 (giờ Việt Nam).

Theo CNBC, lần này tên lửa Falcon 9 của SpaceX đưa số lượng nhiều kỷ lục là 64 vệ tinh vào quỹ đạo cùng một lúc. Ngoài ra, hãng còn ghi dấu vào lịch sử với tư cách doanh nghiệp đầu tiên phóng cùng một tên lửa quỹ đạo vào không gian ba lần.
Tên lửa Falcon 9 vừa được dùng hôm nay có phần đầu, hay còn gọi là “phần đẩy” (booster) được phóng và trở về mặt đất hai lần trước đó, vào tháng 5 và tháng 8. Tái sử dụng tên lửa là chìa khóa của SpaceX, công ty kỳ vọng giúp nhân loại sống được ở nhiều hành tinh khác nhau.
Hình ảnh phóng tên lửa Falcon 9 mang 64 vệ tinh vào không gian rạng sáng nay Ảnh: Twitter SpaceX
Doanh nghiệp của ông Elon Musk hiện thống trị thị trường phóng tên lửa bay đến quỹ đạo trái đất toàn cầu. Đầu năm nay, SpaceX cho ra mắt Falcon 9 Block 5, phiên bản tiên tiến nhất của tên lửa loại này.
Mỗi Falcon 9 Block 5 có thể thực hiện ít nhất 100 chuyến bay, ông Musk tiết lộ trong tháng 5. Doanh nhân tỉ phú cho biết thêm SpaceX có kế hoạch để Falcon 9 bay lên không gian rồi hạ cánh xuống mặt đất nhiều lần trong 24 giờ, sớm nhất là từ năm sau.
Falcon 9 hạ cánh thành công xuống xà lan của SpaceX sau nhiệm vụ phóng Ảnh: SpaceX
Với tên gọi "SmallSat Express”, nhiệm vụ mới nhất được mua và hợp tác với Spaceflight Industries. Nhiệm vụ lần này là tham vọng nhất của doanh nghiệp có trụ sở ở Seattle, bang Washington (Mỹ), với số vốn gọi được là hơn 200 triệu USD. Đến nay, Spaceflight đã đưa hơn 140 vệ tinh của các doanh nghiệp, trường đại học toàn cầu vào không gian.
“Phóng 64 vệ tinh đa dạng thế này chưa từng được thực hiện, dẫn đến việc công ty vấp phải nhiều thách thức mới chưa từng xuất hiện”, CEO Spaceflight Curt Blake cho hay. Cốt lõi trong hoạt động kinh doanh dịch vụ của Spaceflight là nhiệm vụ chia sẻ đợt phóng lên không gian.
Mô phỏng các bộ phận triển khai vệ tinh ra ngoài không gian sau khi đã được đưa lên quỹ đạo Trái đất Ảnh: Spaceflight
Nhiệm vụ SSO-A của hãng bao gồm 15 “vệ tinh siêu nhỏ” (microsat) và 49 “vệ tinh hình khối” (cubesat). Các vệ tinh này là của 34 tổ chức tư nhân và nhà nước khác nhau, đến từ 17 quốc gia. 17 nước đó là Mỹ, Úc, Ý, Hà Lan, Phần Lan, Hàn, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh, Đức, Jordan, Kazakhstan, Thái Lan, Ba Lan, Canada, Brazil và Ấn Độ.
Khoảng 13 phút đầu bước vào nhiệm vụ, Spaceflight bắt đầu triển khai các vệ tinh bằng cách sử dụng nhiều máy phân phối và kỹ thuật. Quá trình triển khai vệ tinh mất khoảng năm giờ. Spaceflight mô tả đây là “một trong các nỗ lực phức tạp, rắc rối nhất” từng được thực hiện. Hãng đã lên kế hoạch, thiết kế, tích hợp, làm hợp đồng và bán nhiệm vụ bay vào không gian lần này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.