Sri Lanka lún sâu vào khủng hoảng

14/07/2022 07:03 GMT+7

Không quân Sri Lanka ngày 13.7 xác nhận lực lượng này đã cung cấp máy bay quân sự để đưa Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cùng phu nhân và 2 quan chức an ninh sang Maldives, theo Reuters.

Trước đó, ông Rajapaksa đã chấp nhận sẽ từ chức trong ngày 13.7 sau khi hàng trăm ngàn người biểu tình xông vào nơi ở của ông và phóng hỏa nhà của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tại Colombo vào cuối tuần.

Ông Rajapaksa gốc là sĩ quan quân đội và được mệnh danh là “kẻ hủy diệt” khi giúp chính quyền của người anh trai Mahinda giành chiến thắng trong cuộc nội chiến kéo dài hàng chục năm trước lực lượng du kích thiểu số Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) vào năm 2009.

Người biểu tình bên ngoài văn phòng thủ tướng Sri Lanka ngày 13.7

Reuters

Ông đắc cử tổng thống vào năm 2019 với những cam kết an ninh ngay sau vụ đánh bom khủng bố khiến hơn 250 người thiệt mạng trong cùng năm. Tuy nhiên, Sri Lanka rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất từ khi thoát khỏi chế độ thuộc địa do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và chính sách giảm thuế không đúng thời điểm. Để cứu nền kinh tế, chính phủ đã dựa nhiều vào nguồn dự trữ ngoại hối, khiến dự trữ ngoại hối từ mức 7,5 tỉ USD vào lúc ông Rajapaksa nhậm chức giảm xuống còn 1 triệu USD gần đây, theo AFP. Chính phủ thiếu tiền để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men và cảnh những hàng người rồng rắn chờ mua xăng xuất hiện ở khắp nơi.

Chính phủ vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên hồi tháng 4 và nhiều thành viên gia tộc Rajapaksa trong chính quyền lần lượt từ chức, gồm Thủ tướng Mahinda, nhưng ông Rajapaksa cương quyết sẽ tại vị hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, việc bỏ ra nước ngoài của ông được cho là đánh dấu chấm hết cho sự chi phối của gia tộc Rajapaksa trong nền chính trị đảo quốc Nam Á trong 2 thập niên qua.

Ngày 13.7, sau nhiều giờ chưa có thông báo từ chức từ phía ông Rajapaksa, người biểu tình tiếp tục kéo đến văn phòng của Thủ tướng Wickremesinghe đòi cả vị lãnh đạo cũng phải ra đi. Cảnh sát và quân đội dùng hơi cay, nhưng không ngăn cản được đám đông xông vào trong. Tình trạng khẩn cấp được ban bố và lệnh giới nghiêm kéo dài vô thời hạn được áp dụng tại tỉnh Tây, bao gồm thủ đô Colombo, để kiểm soát tình hình. Theo thông báo của Chủ tịch quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena, ông Wickremesinghe sẽ tạm thời đảm nhiệm vai trò của tổng thống. Ông Wickremesinghe cũng thông báo sẽ từ chức nhưng không nói ngày nào. Giới chuyên gia cho biết nếu trường hợp đó xảy ra, ông Abeywardena sẽ tạm thời điều hành đất nước cho đến khi quốc hội bầu ra tổng thống mới, làm việc hết nhiệm kỳ của ông Rajapaksa đến cuối năm 2024. Theo CNN, lãnh đạo các đảng phái hôm đầu tuần nhất trí bầu tổng thống mới vào ngày 20.7, 3 ngày sau khi quốc hội làm việc lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.