"Vì tổng thống đã rời khỏi đất nước, chúng tôi tuyên bố tình trạng khẩn cấp để giải quyết tình hình trong nước", hãng thông tấn AFP dẫn lời người phát ngôn văn phòng thủ tướng Sri Lanka Dinouk Colombage.
Hãng thông tấn AP cho biết Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng áp đặt giới nghiêm ở một số khu vực của đất nước.
Người biểu tình vào bể bơi bên trong dinh Tổng thống Sri Lanka |
reuters |
Giữa làn sóng phản đối dữ dội, đỉnh điểm là việc người biểu tình xông vào dinh tổng thống cuối tuần trước, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã bí mật rời đất nước vào sáng sớm 13.7. Theo AP, ông cùng vợ và hai cận vệ đã bay đến Male, thủ đô Maldives, trên một máy bay Antonov-32 thuộc Lực lượng Không quân Sri Lanka, cất cánh từ sân bay quốc tế chính của đất nước.
Tổng thống Rajapaksa đã đồng ý từ chức trước sức ép từ lực lượng biểu tình, cũng theo AP. Trước đó, ông thông báo ông sẽ từ chức vào ngày 13.7 nhưng được cho là đã rút lại tuyên bố này, nói ông sẽ không từ chức nếu các thành viên trong gia đình ông không được phép rời khỏi đất nước. Lực lượng biểu tình đã ra tối hậu thư, cho vị tổng thống hạn chót để từ chức là 13 giờ ngày 13.7.
Những người biểu tình cũng yêu cầu Thủ tướng Wickremesinghe rời ghế ngay lập tức. Ông Wickremesinghe đã tuyên bố ông sẽ từ nhiệm một khi chính phủ mới được thành lập.
Hàng nghìn người biểu tình đã xông vào văn phòng thủ tướng ngày 13.7, sau khi tấn công nhiều tòa nhà chính phủ trong những ngày vừa qua. AP tường thuật đám đông leo lên tường, xông vào văn phòng thủ tướng, la hét và vẫy quốc kỳ Sri Lanka. Cảnh sát đã dùng hơi cay để cố giải tán đám đông nhưng bất thành, giữa lúc đám đông đổ ra đường hướng về văn phòng thủ tướng ngày càng đông.
Sri Lanka đã lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi độc lập trong nhiều tháng qua. Tham nhũng và những sai lầm trong quản lý đã khiến đảo quốc Ấn Độ Dương chìm trong nợ nần và không thể thanh toán chi phí nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.
Bình luận (0)