Startup không gian Mỹ có cách mới để tái sử dụng tên lửa

09/08/2019 09:05 GMT+7

Rocket Lab phóng thành công tên lửa vào quỹ đạo trái đất bảy lần, một kỳ tích ấn tượng với doanh nghiệp 13 năm tuổi. Giờ đây, hãng muốn tái sử dụng những tên lửa đó.

Theo Bloomberg, Peter Beck, nhà sáng lập kiêm CEO hãng sản xuất tên lửa Rocket Lab vạch ra kế hoạch phát triển tên lửa nhỏ, tái sử dụng hôm 6.8. Thau vì sử dụng máy đẩy, giúp tên lửa hạ cánh khi nó bay ngược về bầu khí quyển, Rocket Lab sẽ triển khai dù và bắt thân tên lửa trên không trung bằng trực thăng. Đây là ý tưởng táo bạo, đi ngược lại với đề xuất trước đây của chính ông Beck.
Startup có trụ sở ở California (Mỹ) nỗ lực khám phá ý tưởng tái sử dụng tên lửa. Beck cho hay sau khi thực hiện nhiều đợt phóng và thu thập dữ liệu, ông nhận thấy cách mới mà doanh nghiệp đưa ra có vẻ khả thi. Rocket Lab có kế hoạch thực hiện nhiều thử nghiệm trong hai đợt phóng tới và bắt đầu nỗ lực phục hồi phần đầu của tên lửa vào năm sau.
Đến nay, SpaceX của tỉ phú Elon Musk là hãng thu hút nhiều sự chú ý nhất khi nhắc đến khả năng đưa tên lửa quay về lại mặt đất, hạ cánh ngay ngắn xuống một điểm sau khi chuyển hàng lên không gian. Blue Origin, hãng tên lửa của tỉ phú số một thế giới Jeff Bezos cũng trình diễn công nghệ tái sử dụng tên lửa tương tự. Trước khi ông Musk chứng minh rằng chuyện dùng lại tên lửa là khả thi, nhiều hãng tên lửa truyền thống cùng chính phủ các nước bỏ qua ý tưởng tái sử dụng tên lửa.
Việc tái sử dụng loại tên lửa nhỏ hơn mà Rocket Lab cố làm sẽ là một bước nhảy vọt trong ngành hàng không vũ trụ. Mục tiêu của Rocket Lab là phóng thường xuyên hơn bằng cách giảm thời gian sản xuất thông qua hoạt động tái sử dụng, sau đó là hạ chi phí phóng.

Hình ảnh được Rocket Lab đăng tải về cách tái sử dụng tên lửa mới

Ảnh: Rocket Lab

Trong lúc nghiên cứu cách mới để tái sử dụng tên lửa và xây dựng khu phóng mới ở Virginia, Rocket Lab tăng giá phóng. Chi phí nâng từ 5 triệu USD lên 7,5 triệu USD một lần. Dù vậy, mức giá này vẫn rẻ hơn nhiều so với dịch vụ do chính phủ hay nhiều doanh nghiệp khác cung cấp, vốn dao động từ 50 triệu USD đến 300 triệu USD
SpaceX hiện là công ty rẻ nhất và phóng nhiều nhất trong nhóm các startup không gian tên tuổi. Cứ khoảng mỗi ba tuần, hãng phóng một tên lửa. Tên lửa SpaceX có thể mang nhiều tấn hàng lên quỹ đạo. Nhìn chung, phóng bằng tên lửa lớn thì phải chăng hơn là phóng bằng tên lửa nhỏ nếu xét về chi phí trên mỗi kg vận chuyển.
Beck khởi động Rocket Lab vào năm 2006. Doanh nghiệp là giấc mơ thời thơ ấu của ông, những ngày ông tự chế động cơ tên lửa trong sân sau nhà. Lớn lên, thay vì đi học đại học, Beck đi học nghề và làm nhiều nghề, tiếp xúc với nhiều loại máy móc từ máy rửa chén cho đến du thuyền.
Năm 2009, Beck cùng nhóm của mình đưa thành công tên lửa nhỏ vào vũ trụ, trở thành một trong các hãng tư nhân đầu tiên làm được kỳ tích này. Từ đó, Rocket Lab tiếp tục chế tạo tên lửa, xây nhà máy và gọi vốn từ giới đầu tư. Hiện ngoài Rocket Lab có hàng chục hãng tư nhân cố làm tên lửa rẻ hơn, có sức chở món hàng nặng tầm 136 kg vào không gian với giá từ 1-8 triệu USD một lần.
Điểm mạnh của tên lửa nhỏ là giúp doanh nghiệp và giới nghiên cứu tải vào không gian nhanh chóng hơn, với ngân sách thấp hơn. Hiện các nhà sản xuất vệ tinh phải lên kế hoạch phóng tên lửa lớn trước nhiều tháng. Các nhà phát triển tên lửa nhỏ như Rocket Lab cùng các đối thủ như Virgin Orbit, Firefly Aerospace và Vector Launch có thể đưa nhiều vệ tinh nhỏ vào không gian, tạo nhu cầu lớn cho các đợt phóng tên lửa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.