Steve Bannon và tham vọng làm suy yếu EU

16/08/2018 06:00 GMT+7

Thanh Niên độc quyền giới thiệu bài viết mới của sử gia Hà Lan Ian Buruma, người được chuyên san Foreign Policy bình chọn là một trong 100 trí thức hàng đầu của thế giới năm 2010.

Sử gia Ian Buruma Project Syndicate
       
Sau khi rời Nhà Trắng và trang báo mạng Breitbart, Steve Bannon, từng được xem là kiến trúc sư cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tuyên bố sẽ “phát động sự thay đổi ở châu Âu”. Tổ chức mới thành lập của ông mang tên The Movement (tạm dịch: Phong trào) đặt trụ sở ở Brussels, nhằm tập hợp các thế lực cánh hữu, cực hữu và chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu với tham vọng xóa bỏ cấu trúc hiện nay của EU. The Movement đang chiếm trang nhất của báo chí khu vực và nhận sự ủng hộ của một số gương mặt nổi bật trong phe hữu, chẳng hạn như thủ lĩnh cực hữu Anh Nigel Farage. Bản thân Bannon thời gian qua liên tục “dọc ngang” châu Âu để diễn thuyết và gặp gỡ những nhân vật có ảnh hưởng lớn theo đường lối hữu khuynh như Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, Phó thủ tướng Ý Matteo Salvini và cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson.
Sắp tới đây, những hoạt động của The Movement được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối xuyên quốc gia các nhóm cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa ở châu Âu. Tuy nhiên, đây là mục tiêu không dễ đạt được vì lâu nay thế lực phe hữu khá chia rẽ và không hề đồng nhất về ý tưởng. Trong Nghị viện châu Âu, nhóm của ông Farage và phe thủ lĩnh cực hữu Pháp Marine Le Pen thường xuyên chỉ trích, đấu đá lẫn nhau. Phần lớn đều chĩa mũi dùi vào người nhập cư, nhất là người đến từ các nước Hồi giáo, và tuyên bố muốn bảo vệ “các giá trị truyền thống”. Tuy nhiên, thủ lĩnh cực hữu Hà Lan Geert Wilders vừa tuyên bố Hồi giáo là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền văn minh phương Tây” vừa ra sức bảo vệ quyền lợi của người đồng tính. Ở Anh, cựu Ngoại trưởng Johnson, một trong những động lực chính của cuộc ly khai EU (Brexit) dường như ít quan tâm đến Hồi giáo. Chưa hết, trong khi bản thân Bannon có cái nhìn không mấy tích cực về Trung Quốc thì Thủ tướng Hungary Orbán lại mở rộng tay đón chào đầu tư và hợp tác từ nước này.
The Movement xuất hiện trong bối cảnh EU đang ngổn ngang với nhiều thách thức bao gồm Brexit, bất đồng sâu sắc về vấn đề người tị nạn và nhập cư dẫn đến sự trỗi dậy của cánh hữu ở nhiều thành viên cũng như quan hệ trắc trở với Mỹ. Tuy nhiên, trong bản thân ý tưởng của Bannon tồn tại một nghịch lý là muốn tập hợp những người cánh hữu, vốn luôn đề cao chủ nghĩa dân tộc và xem nhẹ các diễn đàn đa phương, vào một phong trào quốc tế chung. Chừng nào các phe vẫn còn theo đuổi những lợi ích và đường hướng riêng thì giấc mơ thành lập lực lượng đủ để “lật đổ EU” và lập lại trật tự của thế giới phương Tây, vẫn chỉ là ảo vọng.
Steve Bannon, 65 tuổi, là gương mặt cực hữu hàng đầu ở Mỹ và từng điều hành trang báo mạng nhiều ảnh hưởng Breitbart. Ông từng là cố vấn thân cận của Tổng thống Donald Trump, giữ vị trí chiến lược gia trưởng Nhà Trắng từ tháng 1 - 8.2017 nhưng phải từ chức trong đợt xáo trộn nhân sự sau khi nhà lãnh đạo Mỹ nhậm chức. Đến tháng 1.2018, ông thông báo rời Breitbart. Hồi tháng 7, Bannon và đồng sự Raheem Kassam, cựu cố vấn của thủ lĩnh cực hữu Anh Nigel Farage, xác nhận thành lập Tổ chức The Movement. Theo Reuters, mục tiêu trước mắt của The Movement là lôi kéo cử tri cánh hữu, cực hữu và chủ nghĩa dân tộc châu Âu tham gia bỏ phiếu để tăng ảnh hưởng của thế lực này trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5.2019. Lâu nay, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tương đối thấp. Vì thế, ông Bannon hy vọng bằng cách huy động các nhóm chống EU tại các nước, họ có thể chiếm số ghế đủ lớn để làm tê liệt cơ quan này lẫn Ủy ban Châu Âu (EC).
Khi được hỏi về kế hoạch của ông Bannon và Kassam, phát ngôn viên EC Margaritis Schinas cho giới phóng viên hay các cấp lãnh đạo EU đã nắm thông tin nhưng không bình luận thêm.

I.B (Văn Khoa lược dịch)
© Project Syndicate
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.