Studio 'quái dị', ông chủ chỉ cho khách mặc Việt phục để chụp hình

27/03/2022 19:08 GMT+7

Có một ông chủ trẻ hành nghề chụp ảnh luôn thay đổi bối cảnh tại studio của mình, tuy nhiên khách đến đây lúc nào cũng mặc Việt phục thay vì những trang phục khác.

Ông chủ trẻ trên là Nguyễn Văn Đức, 28 tuổi, hiện là chủ một studio Q.12, TP.HCM. Anh Đức có một niềm đam mê mãnh liệt với Việt phục như nhật bình và áo tấc… Gần 2 năm theo đuổi, trải qua nhiều khó khăn nhưng đến hiện tại anh vẫn bám trụ với trang phục cổ này.

Bối cảnh mới nhất tại studio của anh Đức

t.đ

Đây là lần thứ 5 chúng tôi có dịp ghé thăm studio của anh Đức, chuyến này anh lại “biến hóa” tiệm thành bối cảnh khác. Và điều dĩ nhiên, mọi người và những vị khách hôm đó chỉ có một loại trang phục để chụp ảnh đó là Việt phục… Hành động này đã khiến ai cũng tò mò và không biết điều gì khiến anh chàng 9X đam mê với trang phục cổ đến thế.

"Còn khá lâu mới hết thời Việt phục"

Cất đồ nghề vào một góc, cẩn thận treo từng bộ đồ Việt phục lên sào sau khi chụp hình cho khách xong, ông chủ trẻ này bộc bạch: “Studio cũng hay bị khách nói là “quái dị” vì tôi luôn từ chối chụp những trang phục khác, việc đầu tư bối cảnh chụp ảnh cũng rất khác biệt. Và tôi xem những lời nói ấy như một lời khen vì tính đặc trưng của một tiệm chụp ảnh về văn hoá”.

Anh Đức tư vấn cách chụp hình cho khách

t.đ

“Anh có sợ khách chán không?”, chúng tôi đã hỏi như thế. Anh Đức cười và chia sẻ việc mọi người lựa chọn nhiều trang phục đa dạng để chụp ảnh là nhu cầu tất yếu hiện nay. Họ luôn tìm những điều mới mẻ để trải nghiệm.

Mặt khác, anh Đức cho hay: “Việt phục tuy đã phát triển rộng rãi hơn trước nhưng vẫn là một điều mới mẻ với nhiều người, nhất là với những bạn trẻ, nên việc “hết thời” thì mình nghĩ cũng còn khá là lâu, để chuẩn bị cho việc đó thì bên mình cũng nghiên cứu ra những bối cảnh cũng như trang phục với mẫu mã mới để thích nghi với thị hiếu của khách hàng, làm sao cân bằng tối đa giữa văn hoá cổ xưa và văn hoá hiện đại. Ngoài ra, mình còn làm nhiều kênh truyền thông trên các nền tảng xã hội như là YouTube, Facebook, TikTok, để phổ biến Việt phục xưa đến với nhiều người hơn nữa, một phần là quảng bá, một phần là lan toả cái giá trị văn hoá đến với giới trẻ hiện nay, nên mình nghĩ Việt phục bị chán sẽ rất khó để xảy ra”.

Anh chàng 9X còn đưa hình ảnh Việt phục lên khắp các mạng xã hội

nvcc

“Làm những việc này tôi muốn lan tỏa giá trị văn hoá đến giới trẻ nhiều hơn nữa, để mọi người có cái nhìn đa chiều hơn về trang phục truyền thống. Tôi nghĩ cách tiếp cận nhanh nhất là trên các nền tảng công cụ mạng xã hội vì ngày nay người ta dùng điện thoại thông minh rất nhiều", anh Đức khẳng định.

Anh Đức luôn cẩn thận trong từng bộ ảnh

t.đ

Anh Đức thừa nhận chưa bao giờ anh nghĩ bản thân sẽ từ bỏ Việt phục, thậm chí ngay trong mùa dịch Covid-19 vừa qua tiệm chụp ảnh bị "đóng băng" mấy tháng liên tục. Nhưng anh luôn cố gắng điều hành studio thích nghi với khó khăn để duy trì cũng như là phát triển.

Bạn nữ dịu dàng khi khoác lên người Việt phục

nvcc

Tất cả đều là… duyên

Để có được một studio cùng hơn 10 nhân viên ở thời điểm hiện tại, anh chàng 9X này đã trải qua một hành trình không ít khó khăn khi chọn "khởi nghiệp" với Việt phục.

Anh Đức chia sẻ năm anh 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT, anh không bao giờ nghĩ đến việc kiếm tiền.

Anh Đức liều lĩnh chọn Việt phục để "khởi nghiệp"

nvcc

“Trong thời gian đi nghĩa vụ, tôi nhìn nhận về tương lai nghề nghiệp, cũng như học được nhiều kỹ năng sau này trở thành lợi thế cho công việc hiện tại, như cách giao tiếp, kỹ năng đứng trước đám đông và tinh thần làm việc đội nhóm, tập thể”, anh chia sẻ.

Sau khi xuất ngũ, anh Đức học và tham gia công việc chuyên sản xuất video trên YouTube về nội dung ca nhạc, phim truyện… trong thời gian khoảng 3 năm. “Tuy nhiên, một thời gian sau tôi nhận thấy việc kiếm tiền trên YouTube đã bị bão hòa, sự cạnh tranh trong nghề cũng trở nên khá khốc liệt”, anh Đức nói.

Tháng 6.2020, chàng trai 9X quyết định ra mở tiệm studio chuyên chụp hình về Việt phục.

“Câu chuyện đến với Việt Phục thì bản thân cũng chỉ biết nói 1 chữ là… duyên thôi. Tôi tình cờ xem những video ca nhạc có diễn viên mặc Việt cổ phục thì nhận ra trang phục đó thực sự rất đẹp, tuy nhiên chúng chưa thực sự phát triển và lan tỏa nhiều trong cộng đồng giới trẻ lúc bấy giờ. Tôi tò mò, tìm hiểu và thực hiện bộ ảnh đầu tiên vào tháng 6.2020 với Việt phục. Hôm đó, tôi phải chạy xuống Q.Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức) thuê trang phục là bộ ngũ thân tơ xước màu xanh lá cây, rồi cùng ekip chụp tại Lăng Ông ở Q. Bình Thạnh, ngày ấy trời mưa tầm tã”, anh bồi hồi nhớ lại.

Đến các bạn nam cũng thích thú với Việt phục

nvcc

Anh kể tiếp: “Sau khi bộ ảnh hoàn thành thì tôi có đăng tải lên các trang mạng xã hội, không ngờ rằng nó được nhiều ý kiến nhận xét rất tích cực. Tôi chợt nhận ra nhu cầu của các bạn trẻ cũng như là thị trường đang rất cao. Thế là tôi quyết định đầu tư hơn ở bộ ảnh thứ 2 là bộ phượng bào của hoàng hậu triều Nguyễn”.

Việt phục toát lên sự uy quyền

nvcc

Thời gian đầu anh Đức cũng chật vật với Việt phục

nvcc

“Thời gian đầu tôi còn bỡ ngỡ về quy tắc sử dụng trang phục, về nguồn gốc xuất xứ của chúng, cũng như là phải học cách để mặc cho đúng, mà còn phải mặc sao cho đẹp từ thẩm mỹ đến ý nghĩa của trang phục nữa. Tôi cũng mắc rất nhiều sai sót, và phải khắc phục từng việc nhỏ nhất. Chưa kể là đội ngũ nhân sự cũng chỉ có 3 người thôi, nên hầu như mọi việc từ tư vấn, đặt may trang phục, đến việc học tập về ý nghĩa trang phục đều phải tự làm và nghiên cứu”, anh nói.

Anh Đức hy vọng nhiều người trẻ biết đến Việt phục

nvcc

“Tôi đã quyết định là mở ra một thương hiệu chuyên về chụp ảnh Việt phục, một phần là thỏa mãn đam mê với nhiếp ảnh, một phần góp chút sức lực nhỏ bé của mình vào việc phát triển văn hoá nước nhà”, anh Đức tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.