Su-57 Nga 'chạm mặt' F-35 Mỹ lần đầu tiên

Su-57 Nga 'chạm mặt' F-35 Mỹ lần đầu tiên

14/02/2025 06:45 GMT+7

Việc Mỹ hủy bỏ buổi trình diễn của chiến đấu cơ F-35A tại triển lãm hàng không lớn nhất Ấn Độ khiến nhiều người tiếc nuối vì không thể chứng kiến màn chạm trán của nó với chiếc Su-57 của Nga.

Hai chiến đấu cơ tàng hình Su-57 của Nga và F-35 của Mỹ chạm mặt nhau ngoài đời ở Aero India - triển lãm hàng không lớn nhất Ấn Độ, diễn ra từ ngày 10-14.2 tại thành phố Bengaluru.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: “Sự xuất hiện của Su-57 và F-35 cho thấy Ấn Độ đang nắm vị thế là trung tâm quan trọng về hợp tác hàng không và quốc phòng quốc tế. Aero India 2025 là dịp hiếm hoi để so sánh trực tiếp công nghệ tiêm kích tàng hình của phương Tây và phương Đông”.

Tuy nhiên, không quân Mỹ đột ngột hủy bỏ các buổi trình diễn bay theo kế hoạch cho cả F-35A và F-16 tại sự kiện, gây thất vọng cho nhiều người đang mong đợi được so sánh năng lực trên không của hai loại chiến đấu cơ tối tân.

Su-57 là một trong số ít máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm hiện đang hoạt động trên thế giới. Nga đã tích cực tiếp thị máy bay phản lực này như một phương án thay thế cho F-35 và sự xuất hiện tại Aero India là hình thức quảng bá không thể tuyệt vời hơn. Hãng thông tấn TASS của Nga cho biết xuất hiện ở Aero India 2025 là phiên bản xuất khẩu Su-57E.

Su-57 Nga 'chạm mặt' F-35 Mỹ lần đầu tiên- Ảnh 1.

Máy bay Su-57 của Nga và F-35 của Mỹ đậu cạnh nhau tại triển lãm Aero India 2025

ẢNH: RT

Việc F-35 không biểu diễn đã giúp Su-57 chiếm trọn “sân khấu”. Đặc biệt, tiêm kích Nga có màn cất cánh chỉ trong khoảng 11-12 giây, thể hiện tính năng khí động học và sức mạnh động cơ.

F-35 đã nổi tiếng về công nghệ tàng hình và chiến tranh mạng, nhưng Su-57 lại tự hào với động cơ đẩy vectơ 3D mạnh mẽ cho phép thực hiện các động tác cơ động linh hoạt.

Bên cạnh đó, lợi thế của F-35 nằm ở các cuộc giao tranh ngoài tầm nhìn và nhận thức tình huống nâng cao, nhưng chiến đấu cơ Mỹ có thể gặp bất lợi trong các cuộc không chiến tầm gần với một máy bay phản lực siêu cơ động như Su-57.

Su-57 đã được Nga đưa vào chiến đấu thực tế ở Ukraine, sử dụng trong các vai trò tấn công tầm xa và tác chiến điện tử, nhưng tiềm năng thực sự trong không chiến vẫn còn là ẩn số.

Trong khi đó, các cuộc không chiến mô phỏng và các cuộc tập trận huấn luyện chiến đấu trong khuôn khổ NATO cho thấy rằng các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư có khả năng cơ động cao như F-16 và F/A-18 vẫn vượt trội hơn F-35 trong các cuộc giao tranh gần.

Vì Su-57 được thiết kế để cơ động hơn so với các thế hệ trước, nhiều nhà phân tích suy đoán rằng nó có thể nắm giữ lợi thế đáng kể trong cận chiến. Các phi công Nga, được huấn luyện về chiến thuật không chiến nhanh nhẹn, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng điều hướng lực đẩy của máy bay để vượt qua đối thủ.

Sự hiện diện của cả F-35 và Su-57 tại Aero India 2025 mang đến cho Ấn Độ một cơ hội hiếm có để đánh giá trực tiếp năng lực của hai loại máy bay tiên tiến khi New Delhi có kế hoạch mua 114 máy bay chiến đấu đa năng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.