Sứ bộ Miến Điện từng vượt biển sang đặt vấn đề hợp tác với vua Minh Mạng

23/09/2021 18:08 GMT+7

Thời chúa Nguyễn, vua Xiêm nhiều lần cầu cứu Nguyễn Ánh để giúp đối phó với Miến Điện. Tới triều Minh Mạng, Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt còn cử thuộc hạ dùng thuyền buôn đi sang các nước mua thêm binh khí, binh dụng.

Không chỉ ở triều Minh Mạng mà trong những thập niên dưới thời vua Gia Long, mối quan hệ tay ba Việt Nam – Miến Điện (nay là Myanmar) – Xiêm (Thái Lan) thường phức tạp, phần lớn do Miến Điện tìm cách gây hấn với người láng giềng, và mỗi lần như thế, Xiêm vương lại cầu cứu nước ta.
Trở lại câu chuyện đi mua sắm vũ khí của thuộc hạ Nguyễn Văn Độ theo lệnh Tả quân Lê Văn Duyệt, tác phẩm mới Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn của tác giả Lê Nguyễn, (do Dtbooks và NXB Hồng Đức) ấn hành tiết lộ: "Trên đường đi, thuyền bị gió thổi bạt vào trấn Tavoy (Đào Quai hay Đào Ca). Viên trấn thủ Tavoy bắt Độ giải về Ava - Enva (sử Việt chép là An Hòa), kinh đô của Miến Điện lúc bấy giờ. Tại đây, vua Miến nghi ngờ ông là gián điệp của nước Xiêm, xét hỏi gắt gao, chừng biết là người nước Việt lạc sang, liền hậu đãi rồi cho người đưa về".

Vua Minh Mạng (trái) qua nét vẽ của người châu Âu

Ảnh: T.L

Cũng theo sách đã dẫn thì chi tiết này lại không trùng hợp với nội dung tài liệu trong phần phụ lục của tác phẩm Journal of an Embassy from the Governor General of India to the Courts Siam and Cochin-China (Nhật ký của phái bộ do Toàn quyền Ấn Độ cử đến các triều đình nước Xiêm và Việt Nam) của trưởng phái bộ Anh John Crawfurd.
Theo tài liệu này hoạt động của phái bộ Nguyễn Văn Độ chỉ có tính thương mại, được cử sang Ava để mua tổ yến, mang về xuất sang Trung Quốc. Họ bị giải từ đảo Penang về Rangoon và từ Rangoon giải về Ava. Lúc đầu, họ bị nghi ngờ hoạt động chính trị, bị tống giam và tra tấn để khai rõ ràng hơn. Cuối cùng, khi biết được mục đích thương mại của họ, vị tân vương Miến Điện là Bagyidaw thả họ về .
Từ sự cố nói trên, Quốc vương Miến Điện vì đang có tham vọng tấn công Xiêm, muốn Việt Nam hỗ trợ mình chiếm đóng và chia cắt nước này nên liền cử một sứ bộ do quan chức có tên Gibson cầm đầu đi sang Việt Nam, chính thức đặt vấn đề hợp tác với vua Minh Mạng.

Chuyến đi vất vả của sứ bộ Miến Điện

Về viên sứ bộ của Miến Điện được tác giả Lê Nguyễn tiết lộ trong sách có tên là Gibson. Mẹ ông người bản địa sống ở Madras, cha là một người Anh sống nhiều năm ở Miến Điện và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại đây.
Trong Nhật ký Gibson, một trong những tài liệu được Crawfurd nhắc đến trong tác phẩm của mình thì nhân vật này từng đặt chân đến vùng đất Nam bộ năm 1798, có cuộc gặp gỡ với một vài người Pháp có uy tín, đang tham gia vào đạo quân của Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn, như Chaigneau, Vannier, Puymanel, Barisy…
Trong chuyến đi lần này, sứ bộ Gibson rời Rangoon vào đầu tháng 1.1823, đi trên một chiếc tàu Anh đóng ở châu Âu. Hành trình bằng đường biển của họ rất xa. Từ kinh đô Ava (An Hòa) ở phía Bắc, họ đi về Rangoon (Ngưỡng Quang ở phía Nam, từ đó đến Tavoy (Đào Quai hay Đào Ca), ghé Penang (Mã Lai), rồi đi dọc theo đảo Prince de Galles (đảo ông Hoàng xứ Galles), qua eo bể Malacca rồi mới đi ngược lên biển Đông của Việt Nam, rồi về quần đảo Poulo-Condore (Côn Đảo).

Nghi vệ tượng binh theo tranh vẽ của Pháp thế kỷ 19

Ảnh: Wikipedia

Sách Xã hội Việt Nam thời Lê Nguyễn kể tiếp về chuyến đi nhọc nhằn này như sau: "Tàu của sứ bộ đến đảo Penang thuộc Mã Lai (Malaysia) ngày 26.2. Tại đây, một chiếc tàu của Xiêm bốc cháy, va chạm với tàu của sứ bộ và làm cháy lan sang tàu này. Cả đoàn công tác phải làm mọi cách để bảo vệ tối đa vật dụng, đồ châu báu và tặng vật mà Quốc vương Miến dành tặng vua Minh Mạng rồi chuyển sang một chuyến tàu Bồ Đào Nha, tiếp tục cuộc hành trình".
Được biết, sứ bộ Miến Điện rời đảo Prince de Galles ngày 22.4, sau đó đến eo bể Malacca ngày 2.5, đến Singapore ngày 12.5 và thả neo tại vùng biển Vũng Tàu ngày 1.6.1823. Chuyến đi trên biển quá xa nên kéo dài, mất khá nhiều thời gian. Sau khi đến Cần Giờ ngày 8.6, đoàn được Tả quân Lê Văn Duyệt cho đón tiếp về Sài Gòn, chuẩn bị những công đoạn cần thiết cho việc trình quốc thư của Quốc vương Miến Điện lên cho vua Minh Mạng. (Còn tiếp)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.