Sự chênh lệch vô lý

22/01/2022 06:16 GMT+7

Có hay không việc ngành hàng không khi gặp khó khăn thì cầu viện Chính phủ hỗ trợ, và rồi lại lợi dụng cơ hội để bắt chẹt chính đồng bào mình?

“Bấm bụng” là từ mà chị bạn dùng để mô tả về việc phải trả đến khoảng 84 triệu đồng để mua vé máy bay một chiều cho người mẹ từ Washington D.C (Mỹ), quá cảnh tại Seoul (Hàn Quốc), về đến TP.HCM vào hôm qua (21.1) trên chuyến bay của Vietnam Airlines. Số tiền vừa nêu chưa tính chi phí cách ly tại khách sạn tự chọn sau khi về đến TP.HCM.

Trong khi đó, một anh bạn chia sẻ việc chỉ mất 42 triệu cho chuyến khứ hồi (khởi hành cuối tháng 12.2021 và về lại vào đầu tháng 1.2022) cho hành trình TP.HCM - Los Angeles (Mỹ). Chuyến về của anh này cũng quá cảnh ở Seoul.

Khảo sát các trang đặt vé quốc tế, giá vé máy bay một chiều từ Washington D.C về Seoul cao hơn từ Los Angeles về Seoul trong giai đoạn tháng 1 này chênh lệch khoảng 150 - 250 USD (tương đương từ 3,5 - 5,8 triệu đồng). Lý do gây ra sự chênh lệch “một trời một vực” của 2 người trên chỉ vì anh bạn chọn từ Seoul bay về Phnom Penh (Campuchia) rồi đi đường bộ về TP.HCM, còn mẹ của chị bạn thì bay trực tiếp từ Seoul về TP.HCM. Không những vậy, số tiền 42 triệu di chuyển khứ hồi của anh bạn trên đã bao gồm 170 USD (gần 4 triệu đồng, bao gồm các khoản phí dịch vụ) cho hành trình từ Phnom Penh về đến TP.HCM.

Thực tế, thời gian qua không ít người Việt đã chọn về nước qua ngã trung gian Phnom Penh để tiết kiệm được khoản chi phí rất lớn. Cũng suốt thời gian trên, dư luận cũng không ít lần đặt vấn đề tại sao chi phí bay thẳng về Việt Nam quá đắt như vậy. Đây chính là vấn đề mà báo chí đã đặt ra tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 20.1, khi nhiều người Việt Nam về nước theo chuyến bay giải cứu phải mua vé rất đắt và thủ tục rườm rà.

Không những vậy, sự đắt đỏ và thủ tục rườm rà khi bay thẳng về Việt Nam khiến nhiều người chọn ngã trung gian Campuchia đã gây tổn thất cho nền kinh tế Việt Nam vì không sử dụng các dịch vụ ở các sân bay nước nhà. Ngược lại, kinh tế Campuchia lại thu lợi.

Chênh lệch vô lý cho đồng bào và tổn thất cho kinh tế nước nhà là thế, nhưng đến nay, người dân vẫn chưa được trả lời cụ thể tại sao có sự chênh lệch, tốn kém như trên. Cụ thể, nguồn lợi khủng lồ từ các khoản chênh lệch trên rơi vào túi ai? Có hay không việc ngành hàng không khi gặp khó khăn thì cầu viện Chính phủ hỗ trợ, và rồi lại lợi dụng cơ hội để bắt chẹt chính đồng bào mình? Có lẽ các bộ ngành không chỉ phải làm rõ các vấn đề trên, mà còn cần kế hoạch chi tiết để giải quyết sớm nhất sự vô lý khiến dư luận bức xúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.