Sự cố chạy thận tại Nghệ An, 6 bệnh nhân bị sốc: Do nguồn nước nhiễm khuẩn

05/08/2019 14:01 GMT+7

Trưa 5.8, Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức họp báo, công bố nguyên nhân sự cố chạy thận nhân tạo xảy ra tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, khiến 6 bệnh nhân chạy thận bị sốc phải cấp cứu.

Báo cáo tại họp báo, Sở Y tế Nghệ tỉnh An cho biết, sự cố chạy thận nhân tạo xảy ra vào chiều 30.7 tại Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Sự cố khiến 10 bệnh nhân đang lọc máu có dấu hiệu bất thường, trong đó có 6 bệnh nhân có biểu hiện nặng với các triệu chứng rét run, sốt, mệt, khó thở trong quá trình lọc máu.
Khi phát hiện sự cố, các nhân viên y tế đã ngưng chạy thận, chuyển 3 bệnh nhân nặng nhất đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện để cấp cứu; 3 bệnh nhân bị nhẹ hơn được theo dõi, sau đó ổn định sức khỏe và đã xuất viện.
Trong số 3 bệnh nhân bị nặng nhất có 2 người được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị theo yêu cầu của gia đình, 1 bệnh nhân còn lại được điều trị tại chỗ. Đến nay, sức khỏe của 3 bệnh nhân này đã ổn định.

Một bệnh nhân trong sự cố chạy thận được cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An

ẢNH H.PHẠM

Sau khi xảy ra sự cố, bệnh viện đã ngừng hoạt động chạy thận và chuyển 132 bệnh nhân đang chạy thận tại bệnh viện đến các bệnh viện trên địa bàn. Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã thành lập hội đồng để xác định nguyên nhân sự cố dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai.
Theo báo cáo, nguyên nhân xảy ra sự cố là do hệ thống dẫn nước R.O tại bệnh viện (cung cấp phục vụ cho việc chạy thận, lọc máu) bị nhiễm khuẩn. Trên hệ thống dẫn nước R.O này có những điểm nối và gấp góc (điểm chết) làm ứ đọng nước khiến vi khuẩn xâm nhập. Hệ thống dẫn nước R.O này được lắp đặt trước năm 2016 (trước khi Nghị định số 36 năm 2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị định số 169 năm 2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 36 có hiệu lực). 

Đã cảnh báo từ trước

Tại buổi họp báo, PGS - TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai (người được đề nghị hỗ trợ xác định nguyên nhân sự cố), cho biết nước R.O là nước tinh khiết, nhưng không phải vô khuẩn.
Theo PGS - TS Dũng, hệ thống nước R.O tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đang sử dụng là hệ thống mở, tức là nước sau khi lọc được dự trữ và hệ thống đường ống có nhiều điểm nối, gấp khúc, tạo các mảng bám khiến vi khuẩn trú ẩn và loại vi khuẩn này đã gây nên sự cố vừa qua. “Sự cố chạy thận tại tỉnh Hòa Bình 2 năm trước là do hóa chất, còn ở đây là do nước nhiễm vi khuẩn”, ông Dũng so sánh.

PGS - TS Nguyễn Hữu Dũng thông tin về sự cố tại buổi họp báo

ẢNH K.HOAN

Cũng theo ông Dũng, qua các đợt kiểm tra, súc rửa đường ống, cụ thể là ngày 23.6 vừa qua theo đề nghị của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, các kỹ sư của Bệnh viện Bạch Mai đã khuyến cáo lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An về nguy cơ nhiễm khuẩn của đường ống này.
Tại buổi họp báo, PGS - TS Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, thừa nhận đã nhận được sự cảnh báo trên nhưng theo ông Hương, bệnh viện chưa kịp thay đường ống thì xảy ra sự cố.
“Sau sự cố này, chúng tôi sẽ cho thay toàn bộ hệ thống đường ống để đảm bảo an toàn”, ông Hương nói.

Ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thừa nhận đã được cảnh báo về đường ống dẫn nước R.O của bệnh viện có nguy cơ nhiễm khuẩn

ẢNH K.HOAN

Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, cho biết đây là sự cố đáng tiếc, rất may đã được xử lý kịp thời nên hạn chế tối đa hậu quả. Ông Chỉnh cũng cho hay, đối với 2 bệnh nhân phải chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị, nếu gia đình yêu cầu, ngành y tế sẽ hỗ trợ chi phí điều trị.
Về trách nhiệm để xảy ra sự cố này, ông Chỉnh cho biết, giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm chính. “Mức độ trách nhiệm ra sao chúng tôi sẽ xem xét cụ thể sau”, ông Chỉnh nói.
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Nghệ An, hoạt động chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An sẽ tiếp tục ngưng hoạt động cho đến khi xử lý xong hệ thống dẫn nước. Các khâu khác cũng phải tuyệt đối an toàn thì việc chạy thận mới được hoạt động trở lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.