Sự cố ở thủy điện Sông Tranh 2: Chưa thể yên tâm

08/05/2012 04:03 GMT+7

Ngày 7.5, vụ đập thủy điện Sông Tranh 2 gặp sự cố rò rỉ nước tiếp tục “nóng” trên bàn hội thảo Phát triển thủy điện bền vững: Những bài học và khuyến nghị tại Quảng Nam do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức.

Ngày 7.5, vụ đập thủy điện Sông Tranh 2 gặp sự cố rò rỉ nước tiếp tục “nóng” trên bàn hội thảo Phát triển thủy điện bền vững: Những bài học và khuyến nghị tại Quảng Nam do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức.

Các chuyên gia đầu ngành về thủy lợi và vật lý cùng nhiều đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế tỏ ra lo ngại về sự an toàn của đập đầm lăn. Đặc biệt, nước rò rỉ tại đập Sông Tranh 2 (cũng thi công theo công nghệ đầm lăn) vẫn chưa được khắc phục càng làm nhiều người bất an.

 Đến chiều 6.5, nước vẫn rò rỉ qua thân đập Sông Tranh 2 - Ảnh: H.S
Đến chiều 6.5, nước vẫn rò rỉ qua thân đập Sông Tranh 2 - Ảnh: H.S

Nửa vời

 
EVN khắc phục sự cố bằng cách nhét giẻ vào những chỗ rò rỉ vẫn cứ khư khư là nước thoát ra khe nhiệt. Nếu nước tiếp tục chảy, công trình sẽ càng xuống cấp, lâu dài công trình không còn an toàn
Ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Theo GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, trong khi đập Sông Tranh 2 mượn tiêu chuẩn của Mỹ và Nga thì lại đi áp dụng thi công theo tiêu chuẩn của Trung Quốc (TQ). Đây là kiểu áp dụng nửa vời. Ở Mỹ vừa công bố các trường hợp đầm lăn bị nứt và vỡ xảy ra rất nhiều khiến nỗi lo lắng với đập Sông Tranh 2 càng tăng. “Đập đầm lăn sẽ có tuổi thọ bao lâu, khi xây dựng đập theo công nghệ đập đầm lăn thì theo quy chuẩn nào và ai sẽ thẩm định. Đập thủy điện Sông Tranh 2 sẽ không ai kiểm định, ngay cả Bộ Công thương cũng không trả lời được”, ông Hồng nói.

Theo GS Hồng, để nghiên cứu đập đầm lăn phải trải qua 46 thí nghiệm lớn. Nếu áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn của TQ thì phải tiến hành thí nghiệm tại nước ta. Đặc biệt, thi công theo công nghệ này, khi đổ bê tông từng mẻ, nhiệt độ phải đạt mức 20 độ C. Thủy điện Sơn La cũng là đập bê tông đầm lăn và đã từng đổ bỏ nhiều mẻ bê tông vì nhiệt độ vượt hạn 20 độ C. “Riêng đập Sông Tranh 2, ai quản lý khi thi công, ai giám sát từng mẻ bê tông có đạt chuẩn. Bê tông xây dựng đập Sông Tranh 2 không đạt chuẩn thì ai vứt?”, ông Hồng đặt nghi vấn.

TS Lê Anh Tuấn, ĐH Cần Thơ trình chiếu nhiều video, trong đó có cảnh vỡ đập ở Mỹ vào năm 1963 khiến cho nhiều người có mặt tại hội thảo phải giật mình. Lấy dẫn chứng về trách nhiệm của BQL thủy điện, ông chỉ rõ, việc rò rỉ nước qua thân đập chảy qua mái hạ lưu đập Rivana (Mỹ) chỉ rất ít nhưng cơ quan chức trách đã ra báo động toàn bang, nhưng đập Sông Tranh 2 thì BQL lại cho rằng vẫn an toàn.

Nguy cơ từ động đất

GS Cao Đình Triều, Viện Vật lý địa cầu nói: “Có ý kiến cho rằng, sau vài năm tích nước tại đập Sông Tranh 2 sẽ hết động đất kích thích. Nhưng không thể khẳng định chắc chắn điều này, không thể khẳng định động đất sẽ hết”. Theo GS Triều, động đất mạnh nhất có thể xuất hiện tại khu vực lòng hồ có thể đạt xấp xỉ 5,5 - 6 độ Richter. Nếu một trận động đất mạnh xảy ra trong lòng hồ thì nguy cơ tạo nên sóng thần tác động trực tiếp vào thân đập là rất nguy hiểm.

Lâu nay, BQL dự án thủy điện 3 cho rằng đập vẫn an toàn và những trận động đất khiến người dân tháo chạy ra khỏi nhà không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, theo ông Triều, động đất kích thích là mối lo ngại lớn nhất đối với đập thủy điện Sông Tranh 2. Ngoài ra, động đất có thể gây nên các tai biến sinh kèm như: trượt, lở, sụt đất và lũ quét.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, một chuyên gia thủy lợi kinh nghiệm bày tỏ: “EVN khắc phục sự cố bằng cách nhét giẻ vào những chỗ rò rỉ vẫn cứ khư khư là nước thoát ra khe nhiệt. Nếu nước tiếp tục chảy, công trình sẽ càng xuống cấp, lâu dài công trình không còn an toàn”.

Đại diện EVN không có mặt

Nhiều chuyên gia cùng các ĐBQH các tỉnh liên tục thắc mắc tại sao chủ đầu tư, thiết kế, đại diện BQL dự án thủy điện 3 không có mặt tại hội thảo dù được mời. Chiều 6.5, đoàn chuyên gia và các ĐBQH đã có chuyến thị sát vào đường hầm thân đập, tuy nhiên sau khi trở ra từ hành lang, nhiều ĐBQH tỏ ra bức xúc khi nhân viên EVN theo sát các đại biểu và ngăn cản việc chụp ảnh.

 

Hoàng Sơn

>> Thanh tra các dự án thủy điện
>> Không xử lý xong trước 30.8, không cho tích nước
>> Đập Sông Tranh 2: Xử lý rò rỉ bằng keo chống thấm
>> Vụ rò rỉ đập thủy điện Sông Tranh 2: Chưa ai nhận trách nhiệm
>> Vụ thủy điện sông Tranh 2 gặp sự cố: Nhiều công trình liên quan cũng kém chất lượng
>> “Đừng chủ quan với sinh mạng người dân”
>> Lo lắng về sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 thấm nước
>> Khẩn trương kiểm tra, khắc phục việc thấm nước tại thủy điện Sông Tranh 2
>> Vết nứt trên thủy điện sông Tranh: Đang xử lý giảm độ thấm
>> Rừng phòng hộ lưu vực hồ thủy điện bị chặt phá nghiêm trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.