Tại Khoa Hồi sức tích cực Chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng), chị N.T.H (33 tuổi, trú Q.Liên Chiểu), sản phụ nguy kịch trong sự cố sản khoa trước đó đã được gặp các y bác sĩ, những người đã trực tiếp cứu mình trong đêm định mệnh 17.11, ngay sau khi chị được chỉ định gây tê tủy sống để sinh con tại Bệnh viện Phụ nữ.
Hiện các chỉ số chức năng tạng và các cơ quan đều hoạt động bình thường, sức khỏe của chị H. đã ổn định và được cho ra viện. Đặc biệt, các bác sĩ cho biết, sau sự cố sản khoa nghiêm trọng khiến tính mạng nguy kịch, chị H. vẫn có thể sinh con bình thường nhưng được chỉ định không gây tê và chỉ thực hiện gây mê.
TS. Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, người trực tiếp hồi sức tích cực cho sản phụ H. ngay giữa khuya 17.11 và gần 10 ngày sau đó cho biết, đây là trường hợp khiến các bác sĩ liên viện, liên chuyên khoa phải “cân não” mới có thể hồi sức tích cực, chống độc thành công và giữ lại được tính mạng cho sản phụ.
Nỗ lực lớn của các y bác sĩ
Theo chia sẻ của bác sĩ Nhân, vì bệnh nhân có vấn đề ngay sau khi tiêm mũi thuốc gây tê, chính vì vậy, có hai nghi vấn đối với trường hợp này, hoặc sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc gây tê. “Dù nguyên nhân là sốc phản vệ hay ngộ độc thuốc thì việc đầu tiên chúng tôi xác định khi tiếp nhận bệnh nhân đó là đẩy đối tượng gây độc, gây sốc, cụ thể ở đây là thuốc tê ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Với tình trạng của sản phụ khi đó thì thực sự là đòn cân não”, bác sĩ Nhân nói.
Theo hồ sơ bệnh án, ngay khi được gây tê ở Bệnh viện Phụ nữ thì bệnh nhân bắt đầu co giật, khó thở. Ngay lập tức Bệnh viện Phụ nữ thực hiện báo động đỏ liên viện để được hỗ trợ phối hợp cấp cứu. Cùng lúc đó, tại bệnh viện Đà Nẵng có 4 ê kíp đợi sẵn là hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, sản khoa, và hồi sức tim phổi nhân tạo.
“Lúc chúng tôi tiếp nhận, bệnh nhân đã co giật, tím tái, suy hô hấp, ngừng tuần hoàn, huyết áp tụt sâu và suy tim rất nặng. Chúng tôi vừa cấp cứu hồi sức bệnh nhân, vừa thực hiện chống độc, lọc hấp phụ để giảm độc tố xâm nhập đến các cơ quan và cả mổ lấy thai, tất cả được thực hiện cùng một lúc. Vừa cứu con khỏi ngạt, vừa cứu mẹ và tiến hành lọc độc, hồi sức tích cực liên tục nhiều ngày sau đó. Lúc nào cũng sẵn sàng khởi động hệ thống màng tim phổi nhân tạo ECMO để cứu bệnh nhân”, bác sĩ Nhân cho biết.
Theo các bác sĩ, trường hợp suy đa tạng trong trường hợp của sản phụ H được cứu sống thực sự là một nỗ lực lớn của các y bác sĩ, đặc biệt là phối hợp liên chuyên khoa trong hồi sức tích cực. “Đây cũng là điểm mạnh để chúng tôi có thể cấp cứu và hồi sức thành công ca bệnh đặc biệt nghiêm trọng này”, bác sĩ Nhân nói.
Như Thanh Niên đã đưa tin trước đó, từ ngày 22.10 đến 17.11, cả 3 sản phụ đến sinh tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng đều biến chứng rất nhanh sau khi được gây tê, dù biểu hiện của họ khi nhập viện trước đó hoàn toàn bình thường. Cả 3 sản phụ đều được chuyển viện cấp cứu tại các bệnh viện tuyến cuối là Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, nhưng hai người trong số họ đã tử vong, người còn lại nguy kịch.
Với việc cả 3 sản phụ nguy kịch và hai người tử vong sau đó, Bộ Y tế đã nhận định đây là sự cố sản khoa nghiêm trọng và huy động các ngành chức năng, cơ quan chức năng vào cuộc xác định rõ nguyên nhân. Ngay sau vụ việc, ngành y tế Đà Nẵng đã đình chỉ niêm phong toàn bộ lô thuốc tê cùng loại đang được sử dụng tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố như Bệnh viện Phụ nữ, Bệnh viện Phụ sản Nhi, Bệnh viện Q.Liên Chiểu (Đà Nẵng); tạm ngưng hoạt động phẫu thuật tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng. Số thuốc gây tê sử dụng cho cả 3 sản phụ nói trên là thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy, số lô 01 DB0619, do Công ty CP Dược phẩm trung ương 1 (CPC1 - Chi nhánh Đà Nẵng) cung cấp.
Bình luận (0)