Sự cứng rắn cần thiết

10/07/2024 04:13 GMT+7

Sau 2 vụ cháy thảm khốc xảy ra tại chung cư mini (nhà ở nhiều căn hộ) ở ngách nhỏ trên phố Khương Hạ (Q.Thanh Xuân) và nhà trọ ở ngõ 43 phố Trung Kính (Q.Cầu Giấy), khiến 70 người tử vong, trên địa bàn Hà Nội vẫn liên tiếp xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn liên quan đến loại hình chung cư mini và nhà trọ khác.

Rất may, những vụ hỏa hoạn sau đó không gây thiệt hại về người. Song, sau 2 cuộc tổng rà soát, Hà Nội đã yêu cầu 22 chung cư mini, gần 16.500 nhà trọ dừng hoạt động vì có tồn tại, vi phạm về PCCC.

Động thái cứng rắn này, được dư luận ủng hộ, dù mới chỉ xử lý được phần ngọn.

Bởi do nhu cầu về nơi ăn, chốn ở tăng cao, nhiều chủ đầu tư ở Hà Nội sau khi xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ đã "hô biến" công trình thành chung cư mini, thi công sai phép, sai mật độ xây dựng để tăng cường tối đa diện tích. Do sử dụng sai mục đích ban đầu nên ngoài vi phạm về trật tự xây dựng thì các công trình đều không đảm bảo PCCC.

Thực tế, chính việc thi công sai phép là nguyên dân chính dẫn đến hậu quả khiến 56 người thiệt mạng khi tòa chung cư mini 9 tầng ở phố Khương Hạ xảy ra hỏa hoạn hồi tháng 9.2023 vừa qua.

Do đó, bên cạnh việc yêu cầu các công trình vi phạm PCCC phải dừng hoạt động, Hà Nội cũng cần phải "mạnh tay" xử lý trách nhiệm đối với chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước khi đã để xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng, PCCC nhưng lại có thái độ thờ ơ, chây ì khắc phục các vi phạm, tồn tại này.

Và người dân mong muốn, việc này không chỉ dừng ở Hà Nội...

Thống kê sơ bộ, cả nước có tới hơn 10.000 chung cư mini, trên 170.000 nhà trọ kết hợp nhà ở. Đặc biệt, ở các trung tâm đô thị lớn như TP.HCM, tại những con hẻm, ngách nhỏ, những công trình vi phạm vẫn đang như quả bom nổ chậm.

Chính vì vậy, UBND các tỉnh, thành cũng nên thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp mạnh mẽ để xử lý, khắc phục các tồn tại về PCCC, trật tự xây dựng đối với loại hình chung cư mini, nhà trọ nói riêng, cũng như các loại công trình vi phạm khác nói chung.

Với các dự án đã vi phạm cần phải mạnh tay dừng hoạt động, buộc sửa chữa khắc phục. Còn các dự án mới cần được rà soát, kiểm tra kỹ trước khi cấp phép gắn với trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, tổ chức.

Đừng để đến khi xảy ra cháy gây hậu quả về người rồi lại "lôi nhau ra kỷ luật". Vì dù có xử lý, kỷ luật thì cũng không thể lấy lại bao sinh mạng đã bị "giặc lửa" cướp đi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.