Tính đến chiều qua (18.7), trong số 234 chợ truyền thống ở TP.HCM thì có 175 chợ đóng cửa, 3 chợ đầu mối đã ngừng hoạt động, 7 siêu thị và 81 cửa hàng tiện lợi trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Áp lực lo bữa ăn cho hơn 10 triệu dân TP.HCM đè lên vai 59 chợ, 99 siêu thị và hơn 2.700 cửa hàng tiện lợi. Sau 1 tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, lãnh đạo TP.HCM thừa nhận đã có tình trạng khan hiếm hàng hóa, có thời điểm giá rau củ quả tăng gấp 2 lần so với ngày thường.
Nhiều mô hình mới đã được nhân rộng như cửa hàng 0 đồng, siêu thị nghĩa tình, đi chợ giúp dân, đưa rau củ quả và thực phẩm đông lạnh ra một số cửa hàng... hay thậm chí đưa lên sàn thương mại điện tử. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ sức ngăn cảnh tượng người dân xếp hàng dài trước siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Một nghịch lý khác cũng đang diễn ra. Trong khi nông dân các vùng nguyên liệu than thở nông sản không có chỗ tiêu thụ thì giá cả trong siêu thị và chợ truyền thống chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cán cân cung - cầu lệch pha, người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp bấm bụng mua rau củ quả với giá ngang ngửa thịt cá. Chính quyền đã hỗ trợ các nhóm yếu thế bằng đủ loại nhu yếu phẩm, gia vị, trứng, đồ hộp nhưng rau, củ, quả thì vẫn còn thiếu vì không thể để lâu.
Mô hình “mang chợ ra phố” được lãnh đạo TP.HCM gợi mở tại buổi họp sơ kết nửa chặng đường giãn cách xã hội; còn Sở Công thương cũng cho biết sẽ tính toán mở cửa lại các chợ truyền thống đảm bảo an toàn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn dai dẳng, nhu cầu cái ăn, cái mặc cần được đáp ứng kịp thời để người dân có sức mà an tâm chống dịch. Chợ truyền thống là kênh phân phối được người dân TP chờ đợi phần vì thói quen, phần vì giá cả hợp túi tiền. Vì thế, cũng sẽ là hợp lý nếu thí điểm mở cửa một vài khu chợ có điều kiện an toàn nhất và theo dõi sát để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp và kêu gọi người dân sẵn lòng chung tay, hợp tác.
Bình luận (0)