Sử gia Philip Freeman: 'Lịch sử là kết quả những quyết định của con người'

19/12/2023 07:25 GMT+7

Là tác giả của những tựa sách nổi tiếng về các vĩ nhân trong lịch sử nhân loại như Alexander Đại đế, Julius Caesar, Hannibal…, GS khoa học nhân văn người Mỹ Philip Freeman là cái tên mà độc giả yêu thích lịch sử đặc biệt quan tâm.

Có bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard (Mỹ) về ngữ văn cổ và ngôn ngữ - văn học Celt, tác phẩm của ông được viết với sự thận trọng, trung dung và xem xét kỹ nhiều nguồn thông tin. Những cuốn sách này đã xuất hiện trên mục phê bình của tờ The New York Times, Wall Street Journal và nhiều ấn phẩm danh tiếng khác. Ngoài viết về các nhân vật, ông cũng có nhiều tác phẩm nghiên cứu văn hóa người Celt và tác phẩm hư cấu được truyền cảm hứng từ các sử liệu trong quá trình nghiên cứu lịch sử của bản thân mình.

Thông qua sự kết nối của Bách Việt Books, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông.

Sử gia Philip Freeman: “Lịch sử là kết quả những quyết định của con người” - Ảnh 1.

Sử gia Philip Freeman và 3 tác phẩm đã được chuyển ngữ tại VN

Website tác giả và Bách Việt Books

Con người trong dòng lịch sử

Xin chào GS Philip Freeman. Có những con người mà cuộc đời và những quyết định của họ có thể có tác động to lớn đến dòng lịch sử. Ví dụ những quyết định của Hannibal sau khi giành chiến thắng trong trận Cannae hay những lựa chọn của Pompey khi quân của Caesar gặp bất lợi trước trận Pharsalus... Ông tin lịch sử vốn được định hình bởi một thế lực siêu nhiên nào đó (như thần thánh), hay hoàn toàn là kết quả của ý chí và tư duy con người?

Dù tôi có tin vào Chúa và các thế lực tự nhiên khác (và tất nhiên là tôi có thể sai), nhưng tôi cho rằng lịch sử là kết quả của bản chất và những quyết định ở nơi con người.

Chúng ta thường nghĩ các sự kiện trong lịch sử là kết quả của những thế lực kinh tế và xã hội to lớn vượt xa tầm ảnh hưởng của một cá nhân. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn phù hợp, nhưng các cá nhân cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Pompey và Caesar là một ví dụ điển hình. Chẳng hạn nếu Julia (con gái của Caesar và cũng là vợ của Pompey) vẫn còn sống sau khi sinh con, tôi nghĩ Pompey và Caesar có thể đã không ghét nhau, do đó có thể tránh được cuộc nội chiến ấy.

Điều này cũng đúng với Hannibal, nhân vật gây ra tranh cãi gần đây vì khía cạnh sắc tộc của nam diễn viên thủ vai chính trong phim tài liệu của Netflix, đúng không thưa ông? Trong cuốn sách về nhân vật này, ông cũng tưởng tượng ra những điều sẽ xảy ra nếu một sự kiện diễn biến khác đi?

Lịch sử được định hình bởi những dòng chảy khổng lồ cuốn trôi tất cả chúng ta theo nó, nhưng tôi, và nhiều người nữa, như đã nói trên, tin rằng có những cá nhân nhất định ở đúng những thời điểm nhất định có thể thay đổi mọi thứ chỉ bằng quyết định duy nhất.

Với Hannibal, nếu sau chiến thắng vang dội trong trận Cannae vào mùa hè năm 216 TCN, ông quyết định tiến quân về Rome và đánh chiếm thành phố. Liệu ông có giành thắng lợi không? Câu hỏi này đã là chủ đề bàn luận trong suốt hai nghìn năm, kể từ khi viên phó tướng Maharbal hối thúc Hannibal tấn công Rome ngay sau trận chiến ấy.

Nhưng rốt cuộc thì chúng ta cũng không hẳn là có thể biết được thế giới sẽ thay đổi ra sao nếu Hannibal quyết định phá hủy thành Rome sau khi giành được thắng lợi tại trận Cannae. Nhưng có thể nói, một thế giới mà Carthage giành thắng lợi trong cuộc chiến với Rome hẳn sẽ rất khác so với thế giới mà chúng ta biết ngày nay.

Bên cạnh các sách phi hư cấu về nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng, ông cũng đã viết một vài tiểu thuyết về những cuộc phiêu lưu của một nữ tu trẻ người Ireland, chẳng hạn như Phúc âm của Đức Maria, Sự hy sinhXương của Thánh Brigid. Ông có kế hoạch viết các tác phẩm hư cấu liên quan đến La Mã của Julius Caesar hay Hy Lạp của Alexander Đại đế không?

Tôi rất thích viết những cuốn sách giả tưởng về Ireland thời trung cổ. Dĩ nhiên là tôi từng nghĩ đến việc viết một cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh ở La Mã cổ đại hoặc Alexandria rồi, và có thể một ngày nào đó tôi sẽ thực hiện tác phẩm nói trên.

Lịch sử là bài học của tiền nhân

Có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều người trẻ hiện không có niềm đam mê đối với lịch sử. Là một GS lịch sử với rất nhiều kinh nghiệm, ông có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ để nuôi dưỡng niềm đam mê lịch sử?

Tôi từng nói với rất nhiều học trò rằng lịch sử sẽ cho bạn biết bạn đến từ đâu. Việc tìm hiểu về quá khứ cũng giúp chúng ta đưa ra quyết định hướng đến cuộc sống sao cho thật tốt đẹp hơn. Hàng triệu triệu người đã sống trên hành tinh này trong hàng ngàn năm qua và họ cũng đã trải qua những vấn đề tương tự như bất cứ ai. Lịch sử là bài học của tiền nhân, và bạn có thể học hỏi từ những sai lầm và sự khôn ngoan của họ, bạn có thể tránh được rất nhiều rắc rối trong cuộc sống này.

Vừa qua, bộ 3 tác phẩm về các vĩ nhân Alexander Đại đế, Julius Caesar và Hannibal của ông đã được ra mắt độc giả VN. Xin ông chia sẻ cảm giác của mình khi biết các tác phẩm này đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt?

Tôi thấy rất vui trước sự kiện này. Tôi chưa đến VN, nhưng tôi luôn quan tâm đến đất nước của các bạn và rất muốn đến thăm vào một ngày nào đó. Tôi rất vinh dự khi tác phẩm của mình được dịch sang tiếng Việt và được độc giả nơi đây đọc và nghiên cứu chúng.

Mặc dù chuyên môn và kinh nghiệm của ông là văn hóa và lịch sử phương Tây, thế nhưng ông có bao giờ quan tâm đến các nhân vật lịch sử đến từ phương Đông không, đặc biệt là những nhân vật nổi tiếng của VN như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn - người đã đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ 13?

Giá mà tôi biết nhiều hơn về lịch sử Đông Á. Tôi luôn tập trung vào lịch sử châu Âu thời kỳ cổ đại và trung cổ, nhưng tôi cũng rất thích thú với những mối liên hệ giữa châu Âu và châu Á, đặc biệt là với Ấn Độ và Trung Quốc. Thật đáng tiếc là tôi không biết quá nhiều về lịch sử VN. Chắc chắn là tôi còn muốn biết thêm nhiều nữa.

Được biết sắp tới Bách Việt Books sẽ sớm xuất bản cuốn Thần thoại Celt của ông. Khác với thần thoại Hy Lạp hay thần thoại Bắc Âu, thần thoại Celt vẫn còn xa lạ đối với đa số độc giả VN. Ông có thể chia sẻ một số khác biệt giữa thần thoại Celt và thần thoại Hy Lạp hay Bắc Âu?

Có nhiều tương đồng giữa thần thoại Celt, thần thoại Hy Lạp cổ điển và thần thoại Bắc Âu. Bởi lẽ chúng ta đều sống trong một thế giới có nhiều vị thần cũng như thế lực thần thánh. Nhưng thần thoại Celt khác biệt ở vài khía cạnh, chẳng hạn nơi đó thế giới con người và thế giới siêu nhiên có mối liên hệ tương đối chặt chẽ hơn cả, nếu ta so với thần thoại Hy Lạp hoặc La Mã.

Và nếu đặt lên bàn cân với thần thoại Bắc Âu, thì liên hệ ấy còn chặt chẽ hơn nữa. Thần thoại Celt cũng nhấn mạnh vào ý tưởng về thế giới khác - một nơi siêu nhiên của các vị thần cũng như phép thuật, mà thi thoảng con người cũng có thể bước vào.

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.