“Câu chuyện tôi kể với anh đây có địa chỉ hẳn hoi, nhưng thôi, cô ấy cũng như tôi, có bạn bè, gia đình, quan hệ và công việc, nói ra phiền hà lắm. Xin anh chỉ ghi lại việc cho mọi người cùng biết mà hiểu chuyện đời... cho vui. Nhắc đến cô này, hẳn những người từng thi cao học đều được nghe danh, không chỉ vì cô thi điểm đầu vào môn tiếng Nga đến 9,5 điểm - hình như là cao nhất các kỳ thi cao học từ trước đến nay - mà còn "giỏi" nhiều chuyện khác. Một lần tôi hỏi thật cô, rằng học tiếng Nga bao giờ mà giỏi thế. Vì mọi chuyện đã qua nên cô ta không còn phải e dè mà hồn nhiên: "Nói thật với mày, tiếng Nga tao chỉ nhớ mỗi một từ khơ-ra-sô là... đồng chí". (Thật ra khơ-ra-sô có nghĩa là tốt). Để kiểm chứng, anh có thể bất ngờ hỏi cô ta một câu đối thoại đơn giản nhất, tôi cam đoan với anh, cô ta nghe như vịt nghe sấm".
Tôi có quen nhân vật trong câu chuyện anh bạn kể nên có lần gặp cô ấy trong quán cà phê, tôi làm như vô tình hỏi một câu tiếng Nga có nghĩa “Em (cô) có khỏe không”. Cô ta há há đến ba lần vẫn không biết tôi nói gì.
Tiếng Nga nay ít người học và cũng ít người thi ngoại ngữ này trong kỳ thi vào cao học nên người “khôn ngoan” thì chọn thi tiếng Nga để ít người chú ý, khả năng đỗ hầu như chắc chắn.
*
Một lần, tôi nghe chuyện vợ của một người thầy dạy đại học đang hướng dẫn cao học cầm tờ báo tỉnh có đăng bài Những vấn đề ở bậc đào tạo sau đại học: Chữ danh to hơn danh dự đưa cho chồng, giọng mỉa mai: "Đọc đi cho biết!". Câu nói này có hàm ý sâu xa không tiện kể ra đây.
Bài báo thì nói nhiều chuyện, trong đó có chuyện của một cô tạm gọi là "bỗng nhiên trở thành... thạc sĩ". Cô này học hành dở dang, vừa chạy đôn chạy đáo tìm việc làm vừa học bổ túc văn hóa hết phổ thông. Tốt nghiệp đại học tại chức, cô thi vào cao học và hiện đang làm việc ở một trường trung học chuyên nghiệp, con đường công danh nghe đâu có người đỡ đầu nên cũng đang hanh thông lắm! "Ý chí" của cô thì không phải bàn. Nhưng quanh chuyện này thì... nhiều chuyện lắm ! Bài báo đặt vấn đề, đang có một "con đường tơ lụa" cho những ai không đậu đại học hệ chính quy, vì họ có thể học tại chức... Con đường này vừa được ở nhà hoặc vừa đi làm vừa học, vừa có thể trở thành... tiến sĩ, thậm chí khi có bằng cấp, rất dễ trở thành... lãnh đạo. Bài báo dẫn ý kiến của GS-TS Nguyễn Văn Toàn , Giám đốc Đại học Huế, cho rằng đây là một tồn tại cần giải quyết, rằng ông và nhiều người đã nhận ra vấn đề này và sẽ có ý kiến để bộ chỉnh sửa cho phù hợp.
Mãi cho tới tận giờ, tôi cũng chẳng thấy sửa được cái gì. Vũ như cẩn!
*
Chuyện vĩ mô là thế, còn chuyện... vi mô thì cười ra nước mắt. Ông giám đốc rừng đặc dụng bảo vệ thành công luận án thạc sĩ về môi trường sinh thái. Thầy giáo dạy ông này môn cơ sở kể rằng, ông không còn nhớ cách đọc các ký hiệu hóa học (mặc dầu nghe đâu cũng có học đại học tại chức đã lâu). Một lần thầy gọi ông đọc phản ứng giữa clo và natri, ông ấp úng: "Cờ lờ cộng với na thành na cờ lờ". Điều quan trọng là sau đó hai năm, trước tên ông bao giờ cũng "đính kèm" hai chữ Th.S. Không biết ông đọc từ này là thờ sờ hay thuốc... gì đó? Một lần tôi hỏi: "Sao thầy không đánh trượt ông ta?" Thầy cười ngượng: "Kể ra thì thầy cũng không phải, nhưng chuyện tế nhị lắm em ơi!". Không biết chuyện gì mà thầy tôi khó xử thế.
*
Người viết bài này đem câu chuyện “làm” cao học hỏi một giáo viên đang dạy ở Đại học Huế, thầy người Nghệ An, tên Nguyễn Xớn. "Ông đồ Nghệ" này không nói nhiều, đưa cho tôi một bài thơ châm biếm. Nhân nói về chuyện "làm cao học", xin phép thầy Nguyễn Xớn cho em được chép ra đây.
Nhan đề bài thơ cũng rất... đồ Nghệ: Nở vào cao học
Nhờ luống tuổi đặc cách mẫu giáo
Quen trưởng phòng, bằng tiểu học: OK!
Trung học bổ túc, đúng là táo bạo
Cho con Bỉnh Chức thi thuê
Còn đại học từ xa hay tại chức
(Cả hai đều tốn kém ngang nhau)
Tư vấn bảo: hệ nào chẳng được
Miễn là bằng có đượm "màu"
Ngày nhập học xóm làng náo động
Lò gạch hoang trầm mặc, kiêu sa
Sông Vũ Đại khẽ khàng vỗ sóng
Giảng đường tráng lệ, nguy nga
Cao học... luận văn thật là lãng mạn
Thầy cùng trò ngây ngất, đê mê
Ngày nhậu nhẹt, đêm đắm mình với biển
Tình yêu thêm ngọt hương quê
Có học vị rồi, Nở thường tự hỏi
Mình vào đô thành, lò gạch cũ ai trông ?
Sông Vũ Đại suốt hai bờ lở xói
Liệu còn người tắm nữa không?
Dường như sợ mọi người chưa hiểu hết "sự học cao", ông đồ còn làm thêm một số bài thơ nữa về chuyện này, trong đó có bài tựa như một lời than:
Nỗi niềm chi rứa Nở ơi
Mà đem sự học lột đời hớ hênh
Cao học đâu phải cháo hành
Húp nhẵn một bát đã thành kiệt nhân
Trải qua mấy khóa đánh vần
Luận văn của Nở "muôn phần trội hơn"
Sự học, cả một nỗi buồn...
*
Mấy ôm nay tôi vào viện mổ tai vá cái màng nhĩ bị thủng (bục do đi máy bay). Mổ xong nằm 2 tuần. Ngày chích hai mũi, uống thuốc hai lần. Dịp này mọi người đang xôn xao về vụ biển ô nhiễm, cá chết hàng loạt.
Mấy đứa sinh viên lên thăm (tôi làm báo nhưng có đi truyền nghề nên cũng được gọi là thầy, thầy thỉnh giảng và lò đào tạo báo chí cũng đang hot lắm!).
Cậu sinh viên ngồi một lúc thì á lên, giọng khôi hài: “Thầy ơi, em nghĩ ra đề tài của luận án tiến sĩ!”
Tôi ngạc nhiên hỏi lại. Cậu ấy mới nói: Đang mùa cá chết mà thầy nhập viện mổ tai, nên em nghĩ đề tài này có thể làm được… tiến sĩ: "Từ một trường hợp hỏng tai trong mùa cá chết đến kết luận người có thể ăn cá chết bằng... tai".
Luận án này mà làm chắc được điểm tối đa vì có tính phát hiện mà thế giới chưa từng làm được.
Tôi há hốc mồn như bị trúng gió, mãi sau mới ngậm lại được. Đoạn cũng khôi hài: “Chẳng lẽ lại có đề tài: Mổ tai không ngậm được miệng!”
Bình luận (0)