Khiếm thính và các biện pháp can thiệp
Khiếm thính là tình trạng giảm sức nghe với nhiều mức độ khác nhau, từ nghe kém hay dân gian gọi là nghễnh ngãng, đến mức độ điếc nặng hoàn toàn không nghe được âm thanh. Khiếm thính là một khuyết tật có tỷ lệ mắc cao so với các loại khuyết tật khác như dị tật hàm mặt sứt môi hở hàm ếch, hội chứng Down, bệnh loạn dưỡng cơ di truyền… Tuy nhiên ảnh hưởng của khiếm thính ở trẻ em đến tương lai chưa được quan tâm đúng mực bởi cả gia đình và xã hội.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục dân số thì trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,4-1,5 triệu trẻ ra đời, tỷ lệ trẻ khiếm thính vĩnh viễn là 0,3-0,5%, như vậy mỗi năm có thêm trung bình 5.000 trẻ khiếm thính, tuy nhiên số trẻ được phát hiện và can thiệp chỉ khoảng 10% tức là 500 trẻ! Hàng năm còn nhiều trẻ bị khiếm thính sau sinh do bị bệnh như: viêm tai giữa không được điều trị, do chấn thương, ngộ độc thuốc do dùng sai thuốc, do bệnh lý siêu vi trùng, do chấn thương, thậm chí có thể điếc mà không rõ nguyên nhân.
Biện pháp can thiệp khiếm thính phổ biến và hiệu quả:
Giai đoạn sơ sinh: khiếm thính bẩm sinh được phát hiện thông qua sàng lọc trước khi mẹ con ra viện, hoặc trong tháng đầu tiên sau sinh: giai đoạn này can thiệp bằng máy trợ thính là phổ biến nhất. Cấy điện cực ốc tai là phương pháp can thiệp khi máy trợ thính không hiệu quả hoặc rất ít hiệu quả, là phương pháp an toàn cho trẻ nhỏ, có thể thực hiện ngay cho trẻ từ 10 tháng đến dưới 3 tuổi, đây là độ tuổi tốt nhất hay gọi là tuổi vàng để phẫu thuật cấy điện cực ốc tai, thậm chí có thể thực hiện an toàn cho trẻ từ 6 tháng tuổi! Việc lựa chọn biện pháp can thiệp phụ thuộc mức độ giảm sức nghe, nguyên nhân, vị trí tổn thương và được chỉ định theo đánh giá của bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia thính học.
Cấy điện cực ốc tai là phương pháp an toàn giúp trẻ em bị khiếm thính có thể nghe lại bình thường |
Ảnh minh họa |
Lợi ích của việc can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính
Khiếm thính là dạng khuyết tật thầm lặng và là khuyết tật giác quan duy nhất có thể chữa được. Trẻ bị khiếm thính được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ học tập, phát triển và có một tương lai bình đẳng với bạn bè cùng trang lứa.
Quá trình dẫn truyền âm thanh và hiểu lời diễn ra như thế nào? Âm thanh được dẫn truyền qua tai ngoài đến tai giữa, vào tai trong rồi theo thần kinh thính giác truyền lên thùy Thái dương của não. Nghe sẽ tạo ra âm thanh trong não, được xử lý, hiểu và ghi nhớ, quá trình này phải được lặp đi lặp lại.
Tai người phát triển hoàn thiện ở tuần thai thứ 20, 27 tuần thai nghe được các tần số dưới 500 Hz, 29 tuần bắt đầu nghe được các tần số 500-1000 Hz, 31-35 tuần nghe được âm thanh dưới 3.000 Hz. Trẻ bình thường 1 tuổi nói được 20-50 từ, 2 tuổi: 200-300 từ, 3 tuổi: 1.000 từ, 4 tuổi: 1.500 từ, 5 tuổi 2.200 từ. Như vậy quá trình nghe - lắng nghe - hiểu âm thanh - hiểu lời nói và nói được là một quá trình phát triển lâu dài, liên tục từ lúc còn trong bụng mẹ! Nếu không thể nghe và hiểu thì vùng ngôn ngữ trong não sẽ không phát triển. Các kết nối nhận được kích thích liên tục sẽ được bảo tồn, các kết nối không được sử dụng sẽ bị loại bỏ. Thời gian vàng, quyết định hiệu quả kết nối thần kinh thính giác và hoạt động của não đến việc nghe hiểu diễn ra trước 3 tuổi. Tuổi nghe càng muộn khả năng hồi phục nghe nói càng giảm, tuổi nghe tăng thêm 1 tháng thì khả năng trở về bình thường giảm 3,3%.
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, tương lai của trẻ, đặc biệt trẻ em khuyết tật trong đó có trẻ khiếm thính hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan tâm của gia đình và toàn xã hội. Để có sự can thiệp khiếm thính hiệu quả thì can thiệp càng sớm càng tốt vì kích thích thần kinh là vô cùng khẩn cấp.
Bình luận (0)