Ban tổ chức rũ bỏ trách nhiệm?
Hiện Công an TP.Hà Nội đã chuyển đơn tố giác của bà L. đến Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.Hà Nội để thụ lý theo thẩm quyền.
Theo đơn tố cáo và một số bằng chứng do bà L. và luật sư cung cấp, để nhận được ngôi vị hoa hậu của cuộc thi, bà L. đã nhiều lần chuyển khoản cho ông N.V.H, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng & phát triển thương hiệu Việt Nam, số tiền 800 triệu đồng với mục đích: Công ty TNHH xây dựng & phát triển thương hiệu Việt Nam cam kết đào tạo, xây dựng hình ảnh để bà L. lọt vào top 4 và đoạt giải Hoa hậu của cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt (HHDNSĐV) 2020. Tuy nhiên, sau khi cuộc thi kết thúc, bà L. phát hiện đây là cuộc thi không hợp pháp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bà. Chính vì thế, bà L. cho rằng ông H. là người đã có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của bà.
Theo đơn tố giác và các bằng chứng do bà L. cung cấp, ông N.V.H chính là thành viên trong ban giám khảo cuộc thi HHDNSĐV 2020 với nghệ danh Nguyễn Tri Hưng - chuyên gia về thương hiệu. Các poster và thông tin quảng bá cuộc thi HHDNSĐV 2020 trên mạng xã hội và báo chí cho thấy cuộc thi này do Công ty TNHH MTV đầu tư du lịch giải trí Khổng Tước tổ chức, Trưởng ban tổ chức là bà Mai Phương Trang - nhà thiết kế. Dù chưa có sự liên hệ nào giữa Công ty TNHH xây dựng & phát triển thương hiệu Việt Nam và Công ty TNHH MTV đầu tư du lịch giải trí Khổng Tước, tuy nhiên, tại cuộc thi này, ông N.V.H xuất hiện với vai trò giám khảo - chuyên gia thương hiệu Nguyễn Tri Hưng, và là một trong những thành viên của ban giám khảo trực tiếp chấm thi.
Bà Q.H.L cho biết vào ngày 10, 20 và 27.10, bà đã chuyển khoản lần lượt cho ông N.V.H các khoản tiền tổng cộng là 800 triệu đồng. Trước đó, ông N.V.H đưa cho bà bản hợp đồng (không có chữ ký) nêu rõ Công ty TNHH xây dựng & phát triển thương hiệu Việt Nam cam kết đào tạo xây dựng hình ảnh để bà Q.H.L vào top 4 và đoạt giải hoa hậu.
Theo thông tin từ bà Q.H.L, ông N.V.H còn cung cấp mức giá các giải phụ như Miss dạ hội, Miss cộng đồng, Miss du lịch, Miss thời trang, Miss body đẹp, Miss thân thiện, Miss làn da đẹp, Miss nụ cười đẹp..., mỗi giải có giá 50 triệu đồng. “Ai muốn lấy giải nào cũng được”, bà L. nói.
Cũng theo bà L., ngoài 800 triệu đồng để nhận danh hiệu hoa hậu, bà còn đáp ứng theo yêu cầu của ông N.V.H chi nhiều khoản khác như làm từ thiện hay những khoản chi phát sinh... Tổng cộng, bà L. đã chi không dưới tiền tỉ. Bà cho hay cùng với danh hiệu hoa hậu của bà, cuộc thi trao giải cho 3 á hậu, 1 hoa hậu áo dài, 1 nữ hoàng, cùng khoảng 20 giải phụ khác. Theo bà L. tìm hiểu, danh hiệu nữ hoàng có giá 1 tỉ đồng, cao hơn giá hoa hậu. Bà khẳng định “giải thưởng đã được cơ cấu hết”.
Sau khi Thanh Niên phản ánh và sau nhiều lần liên lạc, bà Mai Phương Trang đã chính thức lên tiếng. “Trong cuộc thi này, thực sự tôi không biết Q.H.L (người đoạt giải hoa hậu cuộc thi - PV) là ai hết. Tôi chỉ làm việc qua anh Nguyễn Tri Hưng (thành viên ban giám khảo - PV); còn tôi là trưởng ban tổ chức nhưng chuyên về thiết kế quần áo thôi. Chuyện tiền bạc các thứ thực sự không như Q.H.L nói đâu. Không ai tài trợ 1 tỉ để được danh hiệu nữ hoàng cả. Khi tham gia cuộc thi này, thí sinh chỉ đóng vào 18 triệu đồng, còn Q.H.L là “trường hợp đặc biệt”. Còn nói về giấy phép thì mình không có là mình sai”, bà Mai Phương Trang giải thích, đồng thời cho biết bản thân đang làm việc cho Công ty TNHH MTV đầu tư du lịch giải trí Khổng Tước - đơn vị tổ chức cuộc thi. Tuy nhiên, giấy phép lại do một bên khác “đứng ra lo giùm” và người “lo giùm” này hiện đang… trốn.
Theo ông Nguyễn Việt Hưng, khoản tiền 800 triệu đồng nhận từ bà Q.H.L ông không được “cầm cả” mà phải chi vào hoạt động marketing và cả cho ban tổ chức. Tại cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020, ông phải đóng rất nhiều vai, vừa lo truyền thông, chiến lược, cố vấn lẫn giám khảo chấm thi.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL), khẳng định: “Cục chưa từng tham mưu hay cấp phép cho cuộc thi này”. Chiều 28.12, trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết cơ quan này đã có văn bản gửi Thanh tra Bộ VH-TT-DL đề nghị kiểm tra và xử lý vụ việc liên quan cuộc thi HHDNSĐV 2020. Ông Dương cho hay Cục đã nhận được đơn tố giác của bà Q.H.L và chuyển những văn bản này tới Thanh tra Bộ VH-TT-DL để kiểm tra, xử lý. “Cục không cấp phép cho cuộc thi nào có tên như vậy. Thanh tra Bộ sẽ thẩm tra và xử lý vụ việc theo đúng luật định”, ông Dương nói.
|
Thủ tướng dự lễ đón Bằng di tích quốc gia Khu di tích Bạch Đằng Giang
Tối 2.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã dự lễ trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia cho Khu di tích Bạch Đằng Giang ở H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng.
Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang ở thị trấn Minh Đức (H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh, được Nhà nước công nhận từ năm 1962.
Từ năm 2008 đến năm 2016, các công trình trong khu di tích đã lần lượt được xây dựng, tạo nên một quần thể kiến trúc tâm linh mang giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với những trận thủy chiến bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Đó là những chiến công oanh liệt của các vị Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Quốc Tuấn.
Quần thể khu di tích bao gồm: Linh Từ Tràng Kênh, đền thờ vua Lê Đại Hành, đền thờ Đức vương Ngô Quyền, đền thờ Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, đền thờ Mẫu, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trúc Lâm tự Tràng Kênh, Quảng trường chiến thắng Bạch Đằng, văn bia, nhà trưng bày và mô hình bãi cọc trên sông Bạch Đằng.
Trong một diễn biến khác, danh thắng gành Đá Đĩa (H.Tuy An, Phú Yên) vừa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo nội dung của Quyết định 2280 về việc xếp hạng di tích quốc gia năm 2020. Quyết định được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 31.12.2020. Cũng theo Quyết định 2280, còn có 6 di tích quốc gia đặc biệt khác được xếp hạng trong dịp này. Đó là: Di tích lịch sử hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.Huế và H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế; Di tích lịch sử An toàn khu II Hiệp Hòa, H.Hiệp Hòa, Bắc Giang; Di tích lịch sử căn cứ Cái Chanh, H.Hồng Dân, Bạc Liêu; Di tích kiến trúc nghệ thuật đền An Xá, H.Tiên Lữ, Hưng Yên; Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Hạ Hiệp, H.Phúc Thọ, Hà Nội; Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật lăng mộ và đền thờ Nguyễn Xí, H.Nghi Lộc, Nghệ An.
Tính tới thời điểm hiện nay, Việt Nam hiện có 119 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
|
Ca sĩ Quang Dũng 20 năm đồng hành cùng Thanh Niên
Báo Thanh Niên kỷ niệm 35 năm đến với bạn đọc thì ca sĩ Quang Dũng đã có 20 năm đồng hành cùng nhiều hoạt động văn hóa, xã hội của báo.
Kể từ chương trình gây Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình - Duyên dáng Việt Nam mà anh tham gia lần đầu ở số thứ 10 - năm 2001, Quang Dũng trở thành một trong những ca sĩ gắn bó thường xuyên với chương trình, đặc biệt có mặt trong cả 3 kỳ xuất ngoại của Duyên dáng Việt Nam tại Úc, Singapore và Anh.
Bên cạnh đó, ở thương hiệu âm nhạc nổi bật khác: Khát vọng trẻ - ra đời năm 2010, với ý nghĩa tạo nên không gian âm nhạc dành cho người trẻ, thông qua âm nhạc để lan tỏa những câu chuyện về tình yêu Tổ quốc và trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước, dùng âm nhạc để giao lưu, tập hợp, đoàn kết thanh niên, qua đó vận động cho Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình từ các nguồn tài trợ xã hội hóa, Quang Dũng cũng là tên tuổi “xông pha” ở các “mặt trận”, từ TP.HCM đến Cần Thơ, Nghệ An và cả Ukraine. Mới đây nhất, anh đã đồng hành cùng Báo Thanh Niên trong đợt cứu trợ đồng bào miền Trung chịu thiệt hại nặng nề sau bão lũ, với 2,15 tỉ đồng từ đêm nhạc Lời ca dao của mẹ do anh và những người bạn, đồng nghiệp thân thiết tổ chức.
|
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có thêm 2 bảo vật quốc gia
Ngày 2.1, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 9, trong đó có 2 hiện vật đang được lưu giữ tại bảo tàng này là tượng Ganesha và tượng Gajasimha.
Theo bảo tàng, đây là các hiện vật độc bản, có hình thức độc đáo và giá trị đặc biệt tiêu biểu cho nền nghệ thuật tôn giáo của Champa qua các thời đại. Tượng Ganesha (chất liệu sa thạch; cao 95 cm, dài 48 cm, rộng 34 cm) được phát hiện vào năm 1903 bởi Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) khi tiến hành khảo cổ tại đền tháp E5 thuộc nhóm E tại di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam). Sau đó, tượng được đưa về lưu giữ và giới thiệu tại bảo tàng từ năm 1918. Đây là một trong những tượng tròn hiếm hoi thể hiện vị thần ở dạng thức đứng, còn tương đối nguyên vẹn, mang nhiều đặc điểm độc đáo về phong cách trong giai đoạn sớm, khoảng thế kỷ 7 - 8.
Tượng Gajasimha (chất liệu sa thạch; cao 215 cm, dài 100 cm, rộng 84 cm) được tìm thấy trong cuộc khai quật tại tháp Mẫm (Bình Định) năm 1933 - 1934 do EFEO thực hiện. Sau đó, tượng được đưa về bảo tàng từ năm 1935. So sánh với các nhóm tượng cùng chủ đề đã được phát hiện, tác phẩm hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm là hiện vật có kích thước lớn nhất và còn nguyên vẹn, thể hiện hầu như đầy đủ các đặc điểm tiếu tượng của linh thú Gajasimha. Tượng mang những nét đặc trưng về phong cách nghệ thuật của một trong những giai đoạn muộn nhất đã được xếp vào một phong cách riêng là phong cách tháp Mẫm, khoảng thế kỷ 12 - 13.
Ngoài 2 bảo vật vừa được công nhận, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng còn 4 bảo vật quốc gia: đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Bồ tát Tara và đài thờ Đồng Dương.
|
Cựu thành viên 1088 - ca sĩ Vân Quang Long qua đời vì đột quỵ
Chiều 29.12, người thân của ca sĩ Vân Quang Long xác nhận với Thanh Niên nam ca sĩ qua đời ở Mỹ vì đột quỵ ở tuổi 41.
Nhiều nghệ sĩ như Ưng Hoàng Phúc, Lâm Chấn Huy, Quách Tuấn Du... bày tỏ sự đau buồn thương tiếc khi hay tin đồng nghiệp đột ngột qua đời. Sau khi kết hôn lần hai, Vân Quang Long sang Mỹ định cư. Anh có hai con cùng cuộc hôn nhân trước. Theo người thân của nam ca sĩ sinh năm 1979, gia đình đang tính đến việc đưa thi hài nam ca sĩ về quê để chôn cất. Nam ca sĩ Vân Quang Long sống ở TP.Saint Louis, tiểu bang Missouri (Mỹ) khi đột ngột qua đời.
Vân Quang Long, tên thật là Lê Quang Hiển, sinh năm 1979 ở Đồng Tháp. Anh được biết đến là cựu thành viên nhóm 1088 cùng Điền Thái Toàn, Nhất Thiên Bảo, Nhật Tinh Anh và Ưng Hoàng Phúc. Khi nhóm tan rã, Vân Quang Long vẫn hoạt động nghệ thuật với vai trò của một ca sĩ solo. Anh sở hữu nhiều ca khúc đình đám như: Bởi tin lời thề, Thế giới không hoàn hảo... và là giọng ca phủ sóng dày đặc ở thị trường biểu diễn miền Tây.
|
Đa dạng các hoạt động văn hóa đón chào năm mới tại phố đi bộ Nguyễn Huệ
Ba cụm sân khấu trải dọc phố đi bộ Nguyễn Huệ với đêm biểu diễn nghệ thuật diễn ra ngày 31.12.2020 là không gian để người dân TP.HCM đón chào năm mới.
Đêm biểu diễn nghệ thuật TP.HCM đón chào năm mới 2021, đồng thời chào mừng thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM, do UBND TP.HCM chỉ đạo, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức,diễn ra vào 20 giờ ngày 31.12.2020 tại 2 sân khấu phụ và 20 giờ tại sân khấu trung tâm trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, với sự tham gia của các ca sĩ: Phương Thanh, Hồ Trung Dũng, Ái Phương, Thế Vỹ, Lê Thiện Hiếu, Quân AP, nhóm Cá hồi hoang, The Flob, Thoại 004, Yuno Bigboi, Lil Shady, nghệ sĩ Violin Tân Titan, nghệ sĩ sáo trúc Đinh Nhật Minh , DJ Huy DX, Beatboxer Max, nhóm nhạc Sắc Việt, nhóm Lạc Việt cùng các nhóm nhảy Game On Crew, nhóm múa Mặt Trời, Vũ đoàn ABC…
Tổng thể chương trình với quy mô 3 cụm sân khấu trải dọc tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ. Sân khấu trung tâm rộng hơn 250 m2 đặt tại giao lộ Nguyễn Huệ-Mạc Thị Bưởi gồm màn hình LED 4 mặt, phân cấp 3 tầng cùng 2 đường catwalk được thiết kế theo phong cách trẻ trung, năng động; đảm bảo góc nhìn thông thoáng cho toàn thể khách bộ hành cùng tham gia thưởng lãm nghệ thuật. Hai sân khấu phụ với chiều ngang 12 m đặt tại giao lộ Nguyễn Huệ-Ngô Đức Kế và gần đài phun nước Hoa Sen nhằm tạo ra sự đa dạng trong các hoạt động văn hóa đón chào năm mới. Ngoài ra, để đảm bảo người dân được thưởng thức trọn vẹn, ban tổ chức còn bố trí 4 cụm màn hình LED trực tiếp trải dài trên cung đường.
Bên cạnh chương trình nghệ thuật TP.HCM đón chào năm mới 2021 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn thành phố còn tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân tại các các quận: 9, 12, Tân Phú, Bình Tân, các huyện: Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè trong 2 đêm: 31.12.2020 và 1.1.2021. Những hoạt động nghệ thuật này do các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM thực hiện.
|
Không gian, ẩm thực Hà Nội xuất hiện trên truyền thông Úc
Trong bài viết mới đây, đài ABC News của Úc mô tả Hà Nội là nơi quá khứ ẩn dưới bóng dáng hiện đại, đầy sức sống và có đôi khi bảng lảng ngỡ như đang ở trong một bộ phim đen trắng cũ.
Đài ABC News cho rằng Hà Nội tổng hòa hương vị thức ăn ngon, pha trộn các quan điểm từ nhiều tôn giáo hay tín ngưỡng khác nhau, cùng phong vị lịch sử và di sản từ quá khứ. Đó là nơi hiện tồn chuẩn mực văn hóa, nét bình dị của người Hà Nội từ quán cà phê đến hàng ăn vỉa hè.
Nhớ về lần đầu đến Hà Nội, GS-TS người Úc William Logan - Giáo sư danh dự Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ (ICOMOS - cơ quan tư vấn về di sản văn hóa của UNESCO), tác giả cuốn Hanoi - Biography of a City (tựa Việt: Hà Nội - tiểu sử một đô thị, năm 2000), cho biết ông rất ấn tượng với phong cách kiến trúc ở thủ đô.
Giáo sư William Logan cho biết thêm khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa vào những năm 1990, nhiều người dân Hà Nội đã biến cửa hàng trong khu phố cổ thành khách sạn nhiều tầng. Tuy nhiên, giáo sư khẳng định: “Khu phố cổ là một trong những nét đẹp của thành phố. Những con phố nghề thuộc 36 phố phường tại Hà Nội hàng trăm năm vẫn không thay đổi với phố Hàng Thiếc, Hàng Giấy, Hàng Mã…”. Giáo sư William Logan cũng ấn tượng với cung Hữu nghị Việt - Xô trong khu phố Pháp. Ông cho rằng đó là tòa nhà phong cách kiến trúc Xô viết nhưng vẫn mang hơi hướng châu Á. Trong khi với nhà báo Michael Tatarski - phóng viên Telegraph, hồ Hoàn Kiếm là nơi thực sự độc đáo, không tìm được tại địa phương nào khác của Việt Nam.
Bình luận (0)