Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Diễn viên Thương Tín đột quỵ

28/02/2021 09:09 GMT+7

Diễn viên Thương Tín được một người bạn đưa vào Bệnh viện Đa khoa Tâm trí Sài Gòn cấp cứu lúc 18 giờ ngày 25.2 vì đột quỵ.

Hiện sức khỏe nam diễn viên đã qua cơn nguy kịch

“Sau thời gian được tích cực điều trị, sức khỏe của diễn viên Thương Tín đã khá hơn khi mới nhập viện...”, bác sĩ Cao Hùng Phú, Giám đốc điều hành Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, TP.HCM cho biết.
Diễn viên Thương Tín hiện nằm tại khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, TP.HCM. “Nếu 1, 2 ngày tới bệnh trạng ổn và sức khỏe tốt hơn, chúng tôi sẽ chuyển về chuyên khoa để tiếp tục điều trị", bác sĩ Phú nói.
Trước đó, nam diễn viên Biệt động Sài Gòn được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nhồi máu não (tai biến mạch máu não) trên nền bệnh xơ gan. Phía lãnh đạo bệnh viện cũng cho biết với sự cống hiến một đời cho nghệ thuật, bệnh viện sẽ hỗ trợ viện phí cho diễn viên Thương Tín (ngoài chi phí bảo hiểm thanh toán).

Vợ Thương Tín: 'Ảnh kêu không sống được, muốn về nhà'

Sáng 26.2, sau khi thông tin Thương Tín đột quỵ được chia sẻ trên các trang Facebook của MC Phạm Anh, nghệ sĩ Hồng Vân..., bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ của nam diễn viên vai Sáu Tâm - Biệt động Sài Gòn đã dành nhiều sự quan tâm cũng như đã đến bệnh viện thăm hỏi anh. Người vợ hiện nay của anh (đang sống cùng con gái tại Phan Rang) trưa 26.2 cũng đã vào viện chăm sóc anh...
Đam mê sân khấu cải lương từ nhỏ, sau khi ra trường (Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ, Sài Gòn), Thương Tín (65 tuổi) được công chúng biết đến và mến mộ với các vai diễn ấn tượng trong Bông hồng cài áo, Huyền thoại mẹ, Vực thẳm chiều cao ... (Đoàn Kim Cương). Sau thành công với sân khấu, Thương Tín tham gia vào lĩnh vực điện ảnh và cũng nhanh chóng được khán giả yêu thích, đặc biệt qua các vai thiếu tá Lưu Kỳ Vọng trong Ván bài lật ngửa, Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn, tướng cướp Bạch Hải Đường trong SBC, Tám Thương trong Chiến trường chia nửa vầng trăng...

Hiện vật quý trong bộ sưu tập của dược sĩ Victor Thomas Holbé được trưng bày trực tuyến

ẢNH: BẢO TÀNG LỊCH SỬ TP.HCM

Lộ diện bộ sưu tập “khủng” từng triển lãm cách đây hơn 100 năm ở Nam Kỳ

Bảo tàng Lịch sử TP.HCM vừa quyết định “mở kho” trực tuyến nhiều hiện vật quý của Victor Thomas Holbé, đã từng triển lãm cách đây 108 năm tại bảo tàng đầu tiên ở Nam Kỳ.
Bảo tàng Lịch sử TP.HCM là bảo tàng đầu tiên ở Nam Kỳ. Theo đó, năm 1883, Hội Nghiên cứu Đông Dương (SEI) được thành lập và thường xuyên tự xuất tiền mua nhiều cổ vật, dự kiến thành lập một bảo tàng. Do sự vận động tích cực của hội nên ngày 28.11.1927, Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse đã ký nghị định thành lập Bảo tàng Nam kỳ, sau đó đổi tên thành Blanchard de la Brosse, do ông Jean Bouchot làm giám thủ đầu tiên. Bảo tàng xây dựng theo kiến trúc Đông Dương, do kiến trúc sư Delaval thiết kế và Hãng thầu Etablissements Lamorte Saigon thi công trong vòng 2 năm và được khánh thành vào ngày 1.1.1929.
Những ngày đầu khánh thành, bảo tàng trưng bày bộ sưu tập của dược sĩ Victor T.Holbé, gồm: nhóm hiện vật bằng ngà (vật trang trí, con dấu), bằng đá quý, gốm, thủy tinh (bình phong, gậy như ý, lọ hít), nhóm tượng Phật của Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan; bộ sưu tập Malleret với nhóm hiện vật trang sức của văn hóa Óc Eo: nhẫn và khuyên tai vàng, chuỗi hạt bằng đá quý, cùng hơn 5.000 tác phẩm chuyên khảo quý hiếm về Đông Dương và vùng Viễn Đông.
TS Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết thêm về lần mở kho online hấp dẫn này của bảo tàng, rằng: “Các cuộc triển lãm trực tuyến hoặc kỹ thuật số, tái tạo, mở rộng và bổ sung các bộ sưu tập hiện vật bảo tàng đang dần trở nên phổ biến, tiềm năng được cung cấp bởi kỹ thuật số chuyển tải nội dung phong phú, đa dạng, vừa tạo sự tương tác trực tiếp với người xem để bảo tàng ngày càng hoàn thiện hơn".
Bộ sưu tập đầu tiên được Bảo tàng Lịch sử TP.HCM giới thiệu trong kho mở online là của nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật nổi tiếng Victor Thomas Holbé (1857-1927). Ông là dược sĩ phục vụ trong Hải quân Pháp, từng làm Phó chủ tịch Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ. Sau khi Holbé mất, Hội Nghiên cứu Đông Dương (SEI) vận động tiền mua lại bộ sưu tập của ông với giá 45.000 đồng Đông Dương, gồm 2.160 hiện vật thuộc các nền văn hóa của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia…, cùng với những hiện vật sẵn có của hội chính là cơ sở để thành lập Bảo tàng Blanchard de la Brosse năm 1929 (Bảo tàng Lịch sử TP.HCM ngày nay).
Đặc biệt, ngày 1.1.1929 khi Bảo tàng Blanchard de la Brosse khánh thành đầu tiên ở Nam Kỳ thì bộ sưu tập Holbé được chọn trưng bày ngay đại sảnh phục vụ khách tham quan, một số hiện vật khác còn được trưng bày ở Pháp tại nhiều địa điểm nổi tiếng như Paris, tháp Eiffel, Buffalo Bill. Bộ sưu tập hiện vật này rất quý hiếm, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và gắn liền với sự phát triển của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM nên cũng sẽ được chọn mở kho online đầu tiên.
Bộ sưu tập được giới thiệu tới công chúng bao gồm: Nhóm hiện vật chất liệu ngà, xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản; Ấn "khánh ninh chi ấn" (núm cầm hình tam sơn) - cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20; Dấu triện chữ thọ, "Bính Thân niên tạo" - năm 1896; Dấu triện chữ thọ, "Đinh Tỵ niên tạo" - năm 1857; Ống cắm, "Minh Mạng niên tạo" (1820-1840). Nhóm hiện vật chất liệu đá ngọc Trung Quốc thế kỷ 18 -19: Vật trang trí hình đĩa (chạm rồng và nhũ đinh); Chén (chạm lộng cành hoa), chén (chạm rồng và nhũ đinh), chén (hình lá sen).
Nhóm tượng thờ: Tượng Thích Ca - thế kỷ 19, tượng Maha Kaccayana (Tán-đà Ca-chiên-diên) - thế kỷ 19 (đồng phủ sơn, phong cách nghệ thuật Phật giáo Thái -Miến Điện), tượng Phật Dược sư - thế kỷ 19 (đồng phủ sơn, xuất xứ Tây Tạng); khám thờ Hộ pháp - thế kỷ 19, khám thờ Long vương - thế kỷ 19 (gỗ phủ sơn, xuất xứ Nhật Bản). Nhóm hiện vật chất liệu gốm, xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc: đĩa (gốm men xanh ngọc - thế kỷ 12-13), bình vôi (gốm men nhiều màu - thế kỷ 19), bát (gốm men xanh ngọc - thế kỷ 12-13), hũ vẽ màu - cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 (gốm men nhiều màu)...
Tất cả hiện vật quý trên được giới thiệu tại địa chỉ www.baotanglichsutphcm.com.vn của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

NSND Hồng Vân (phải) và nghệ sĩ Thanh Thủy chào đón lứa học viên trẻ vừa nhập học khóa đào tạo của mình

ẢNH: H.K

NSND Hồng Vân vẫn duy trì hoạt động của sân khấu kịch Phú Nhuận

Đầu năm mới, tuy các sân khấu tạm ngưng sáng đèn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng NSND Hồng Vân - "bà bầu" của sân khấu kịch Phú Nhuận, sân khấu Chợ Lớn (TP.HCM), vẫn cố gắng chuẩn bị “xuất phát” khi sân khấu được phép biểu diễn trở lại.
NSND Hồng Vân cho biết, mọi thứ vẫn bình thường, chỉ có giá cả thuê mặt bằng Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận thì chị đang thỏa thuận với Ban Giám đốc của trung tâm. “Mình thì gặp khó vì dịch Covid-19, tình hình khó khăn chung của sân khấu. Nhưng Ban Giám đốc cũng có cái khó là họ chịu áp lực phải tự thu - tự chi và nộp thuế trên số mét vuông hiện hữu. Vì vậy họ muốn tăng giá. Đôi bên chúng tôi đang ngồi lại làm việc với nhau cho thỏa đáng. Tôi làm kiến nghị gửi lên trên, cũng phải chờ cơ quan chức năng xét duyệt nữa. Nhưng nói chung, Ban Giám đốc vẫn rất yêu mến kịch nói, mong tôi mở màn biểu diễn để có sinh khí. Chúng tôi đã làm việc với nhau nhiều năm rồi, hiểu nhau và luôn thông cảm cho nhau”, NSND Hồng Vân nói.
Rồi chị kết luận: “Chúng tôi gắn bó với sân khấu kịch Phú Nhuận đã lâu, khán giả cũng đã gắn bó, trở thành địa chỉ quen thuộc, chỉ mong “trời yên sóng lặng” để chúng tôi biểu diễn là may mắn lắm. Qua đại dịch Covid-19 này, mình mới rút ra một điều: cứ bình thường đã là… hạnh phúc”.

Các diễn viên trong phim Bố già của Trấn Thành

ẢNH: GALAXY

Bố già Gái già lắm chiêu V chính thức trở lại rạp toàn quốc vào ngày 12.3

Mới đây, nhà sản xuất của Bố già bản điện ảnh là diễn viên Trấn Thành đã chính thức đưa ra quyết định sẽ quay trở lại rạp vào ngày 12.3.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất Bố già bản điện ảnh cũng nói thêm sau khi có những cuộc họp liên tục và cân nhắc kỹ lưỡng từ nhiều phía, họ quyết định sẽ mang Bố già ra rạp trong thời gian thích hợp nhất. Bởi các kế hoạch quảng bá, công tác chuẩn bị và tâm huyết của toàn bộ đoàn phim đã được đầu tư rất lớn không chỉ về công sức, nhân lực mà còn là tài chính. Và việc dời lịch chiếu, ngoài chuyện mang đến những thiệt hại nhất định cho nhà sản xuất, còn khiến trải nghiệm bất ngờ, sự mong đợi của khán giả dành cho phim bị ảnh hưởng.
Như vậy, cả Bố già của Trấn Thành lẫn Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả của hai đạo diễn Bảo Nhân - NamCito đều sẽ xuất quân cùng một ngày trong tháng 3 này.

Gần 10 năm sau khi được phát hiện, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ đã được xếp hạng di tích cấp TP

ẢNH: HOÀNG SƠN

Bảo tồn, phát huy di tích Phong Lệ thành cơ sở 2 Bảo tàng Điêu khắc Chăm

Ngày 23.2, UBND Q.Cẩm Lệ (Đà Nẵng) tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp thành phố đối với di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (tại P.Hòa Thọ Đông).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đề nghị chính quyền và nhân dân cần chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di chỉ này xứng tầm với vị thế của một di sản cấp TP. Đáng chú ý, theo ông Nam, các đơn vị liên quan cần tham mưu UBND TP xây dựng dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng giai đoạn 2 và tu bổ, phục hồi di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ trình UBND TP phê duyệt, làm cơ sở cho việc tôn tạo và phát huy bền vững giá trị di tích trong thời gian tới.
Theo Sở VH-TT, về nội dung quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích, khu di tích được chia làm 3 khu vực với các chức năng khác nhau, gồm: khu vực bảo tồn (khu vực 1, diện tích 2.653 m2), khu vực bảo vệ di tích (khu vực 2, diện tích 1.626 m2), khu vực phát huy giá trị di tích (15.461 m2). Cuối năm 2020, UBND TP.Đà Nẵng đã có chủ trương đầu tư khu vực này thành Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 và đưa dự án vào danh mục cần đầu tư giai đoạn 2020 - 2025.
Như Thanh Niên đã thông tin, di tích Chăm Phong Lệ được phát lộ và thực hiện khai quật khảo cổ lần đầu vào năm 2012. Kết quả khảo cổ cho thấy khu di tích có ít nhất 3 ngôi tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ 11. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là di tích tiêu biểu trong các di tích Chăm tại Đà Nẵng có điều kiện khảo sát đầy đủ nhất, đồng thời là di tích duy nhất cho đến nay trong toàn bộ hệ thống đền tháp Chăm có điều kiện để nghiên cứu và giới thiệu về phần nền móng kiến trúc. Trong đó, có một ngôi tháp còn lại phần cấu trúc lòng tháp dưới mặt đất (gọi là hố thiêng) lần đầu được khám phá, nghiên cứu.

Cua Năm Căn Cà Mau lọt vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam

ẢNH: GIA BÁCH

Cua Năm Căn, lẩu mắm U Minh Cà Mau lọt vào top 100 món ăn đặc sản

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa quyết định công nhận Cua Năm Căn, lẩu mắm U Minh của Cà Mau lọt Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam.
Ngày 26.2, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Hội Kỷ lục gia Việt Nam vừa có thông báo về kết quả hành trình tìm kiếm và quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam 2020-2021.
Theo đó, hành trình tìm kiếm và quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings), Viện Kỷ lục Việt Nam và tổ chức Top Việt Nam triển khai liên tục tại 63 tỉnh thành trên cả nước trong suốt 10 năm qua.
Sau thời gian tổng hợp, xem xét và chọn lựa, Hội đồng thẩm định Top Việt Nam, Viện Kỷ lục Việt Nam chính thức xác lập: Cua Năm Căn Cà Mau và lẩu mắm U Minh của tỉnh Cà Mau được lọt vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020 - 2021) theo Bộ tiêu chí Top món ăn đặc sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, tôm khô Cà Mau và mật ong rừng U Minh của tỉnh Cà Mau được lọt vào top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2020 - 2021) theo Bộ tiêu chí Top món ăn, đặc sản Việt Nam.
Các món ăn và đặc sản của Cà Mau lọt top sẽ được trao tặng chứng nhận Top, huy hiệu Top tại sự kiện Hội ngộ Top Việt Nam (dự kiến tổ chức vào ngày 26.4) tại TP.HCM.

Nữ diễn viên Kiều Chinh tại Hà Nội năm 2016

ẢNH: NGỌC THẮNG

Nữ diễn viên huyền thoại Kiều Chinh nhận giải thưởng Thành tựu trọn đời của AWFF

Nữ diễn viên Mỹ gốc Việt Kiều Chinh (84 tuổi) sẽ nhận giải thưởng Thành tựu trọn đời - Báo Tuyết tại Liên hoan phim Thế giới châu Á (AWFF) thường niên lần 6 tổ chức tại Los Angeles (Mỹ) từ 10 - 15.3.2021.
Nữ diễn viên Mỹ gốc Việt Kiều Chinh là ngôi sao màn bạc nổi tiếng Sài Gòn trước năm 1975. Bà tham gia nhiều bộ phim, trong đó có Hồi chuông Thiên Mụ của đạo diễn Lê Dân. Trước năm 1975, không chỉ tham gia đóng phim trong nước, bà còn được mời đóng phim ở nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Singapore, Philippines, Ấn Độ… Sau khi định cư ở Mỹ, bà tham gia nhiều phim điện ảnh và truyền hình tại Hollywood (MASK, The Letter, The Joy Luck Club…) cùng nhiều đạo diễn, tài tử điện ảnh nổi tiếng thế giới.
Năm 2016, Kiều Chinh trở về Việt Nam dự lễ cắt băng khánh thành ngôi trường thứ 50 của quỹ từ thiện Vietnam Children's Fund (Quỹ trẻ em Việt Nam). Quỹ này do diễn viên Kiều Chinh và nhà báo Terry Anderson đồng sáng lập nhằm mục đích xây dựng trường học ở những miền đất bị chiến tranh tàn phá. Hà Nội cũng là nơi diễn viên Kiều Chinh sinh ra và lớn lên. Bà bảo, dù đã xa Hà Nội từ năm 16 tuổi, nhưng đến giờ với bà, Hà Nội vẫn là nơi quan trọng nhất trong cuộc đời.
AWFF vừa công bố 14 bộ phim trong danh sách dự thi chính thức tại liên hoan tổ chức trực tuyến diễn ra từ ngày 10 - 15.3.2021, trong đó gồm: Circus of Life (Pakistan), The Crying Steppe (Kazakhstan), The Man Standing Next (Hàn Quốc), Hive (Thổ Nhĩ Kỳ), Impetigore (Indonesia), Leap (Trung Quốc), True Mothers (Nhật Bản), Wet Season (Singapore)…
Giải AWFF hạng mục Phim hay nhất, Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, cũng như Giải Đặc biệt và Giải thưởng của Ban giám khảo sẽ được trao cho những người chiến thắng tại Lễ trao giải đêm Gala bế mạc vào ngày 15.3. Ngoài các suất chiếu tranh giải chính thức, Liên hoan sẽ giới thiệu các suất chiếu đặc biệt dành cho các bộ phim châu Á được đánh giá cao gần đây và trong quá khứ. Ngoài ra, AWFF sẽ tổ chức một loạt hội thảo với các chuyên gia về các chủ đề liên quan đến phim mang tính thời sự, bao gồm cả cách đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất phim và ngành công nghiệp điện ảnh nói chung.
Liên hoan phim Thế giới châu Á (AWFF) mang đến Los Angeles một số thuộc những tác phẩm hay nhất của châu Á để thu hút sự công nhận lớn hơn về tài năng của nghệ sĩ châu Á và tăng cường mối quan hệ giữa ngành công nghiệp điện ảnh châu Á với Hollywood.
Giám đốc điều hành AWFF Georges N.Chamchoum cho biết: “Giải thưởng Thành tựu trọn đời - Báo tuyết (Snow Leopard) của chúng tôi luôn nghiêng về nhân cách đằng sau tài năng. Kiều Chinh đại diện cho cả hai yếu tố đó. Tài năng và nhân cách của bà làm “tan nát” màn ảnh! Các phim tranh giải năm nay, như hằng năm, phản ánh sự sống động của điện ảnh châu Á, là tinh thần thực sự những gì chúng ta đang hướng tới: rộng mở cánh cửa đến với điện ảnh thế giới của châu Á”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.