Dấu ấn cung điện nguy nga thời Lý
PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), nhấn nút thì một đoạn phim về kiến trúc Hoàng thành Thăng Long (HTTL) tại các khu khảo cổ A, B, C, D, E ở 18 Hoàng Diệu (Hà Nội) hiện ra. Từ những móng trụ, hố sỏi, chân tảng xám, những cột gỗ mọc lên, tiếp theo là thân kiến trúc với những khung cửa và sau cùng, bộ mái xuất hiện. Từ hố khai quật, dấu tích khảo cổ biến thành cung điện lộng lẫy. "Đây là một phần kết quả nghiên cứu HTTL sau 10 năm của Viện Nghiên cứu kinh thành”, ông Trí chia sẻ. “Chúng ta chỉ tìm thấy nền móng, phần giữa và mái không còn tồn tại. Các móng trụ sỏi còn lại cho thấy nền móng, cũng cho thấy dấu tích HTTL là kiến trúc cung điện và kiến trúc gỗ”, ông Trí nói.
Về bộ mái, theo ông Trí, khai quật ở HTTL đã tìm thấy lượng lớn ngói đất nung đỏ tươi. Chúng cho thấy kiến trúc thời Lý có mái ngói với vật liệu kiến trúc trang trí. Năm 2006, việc nghiên cứu chức năng các loại ngói trên mái cung điện bắt đầu. Việc nghiên cứu so sánh cùng với những dấu tích đấu củng (một loại kết cấu đỡ mái có nguồn gốc Trung Quốc) sơn son tìm thấy khiến bộ mái rõ dần lên. “Tìm thấy kiến trúc đấu củng là việc quan trọng cho phép tái hiện bộ mái thời Lý”, ông Trí nói. Các dấu vết mặt bằng còn giúp các nhà nghiên cứu ở viện tìm ra 2 kiến trúc ở khu vực khảo cổ khu A-E ở 18 Hoàng Diệu. Theo đó, có một kiến trúc lục giác và một kiến trúc bát giác nhiều tầng tại đây. Cả hai đều nằm trên trục trung tâm của khu vực.
PGS-TS Nguyễn Văn Kim, Phó chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia, đánh giá cao việc đã có những nghiên cứu so sánh để đưa ra cách dựng lại hình thái cung điện xưa. PGS-TS Bùi Minh Trí chia sẻ điều làm ông ấn tượng nhất ở hình thái cung điện thời Lý chính là những dấu ấn vương quyền, thần quyền trên trang trí kiến trúc. Nó cho thấy vẻ đẹp riêng, sắc thái riêng, “hơi thở” của nhà Lý. “Từ đây, chúng ta có thể tự hào nói rằng, HTTL thời Lý vốn từng được xây dựng rất nguy nga, tráng lệ và có nhiều công trình kiến trúc gỗ to lớn, hoành tráng không thua kém so với các kiến trúc cung điện nổi tiếng ở châu Á”, PGS-TS Trí không giấu tự hào nói.
Quy mô kinh đô Hoa Lư lớn hơn hình dung
Kết quả khảo cổ học trong khu vực rộng 300 m2 tại di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) được Viện Khảo cổ học công bố ngày 20.4. Theo đó, tại hố H1 với địa tầng khai quật có độ dày gần 2 m, ngay sau khi bóc lớp đất mặt dày khoảng 30 cm, trong hố đào đã xuất lộ 3 lớp kiến trúc thuộc các giai đoạn lịch sử thời Đại La, thời Đinh - Tiền Lê nằm chồng xếp lên nhau.
|
Cũng tại hố này, ở lớp kiến trúc thứ nhất có vài viên gạch Bắc thuộc đặt ở rìa ngoài cùng có tác dụng kê chèn trong lúc rải các lớp gia cố nền kiến trúc. Một hàng cọc được đóng chạy dài theo hướng đông - tây có tác dụng kè chống sụt lún. Nghiên cứu so sánh cho thấy đây là nền kiến trúc thuộc thời Đại La, có niên đại trước thế kỷ 10. Lớp kiến trúc thứ hai có một số hố chôn cột, trong đó có 2 hố còn dấu tích cột gỗ. Trên thềm kiến trúc xuất lộ một đoạn tường gạch đã bị phá khi kiến trúc còn đang được sử dụng, có đoạn tận dụng gạch thời Đại La. Dựa vào những mảnh sành kê chèn trong kiến trúc, có thể nhận định đây là nền kiến trúc cung điện thời Đinh ở thế kỷ 10. Lớp kiến trúc thứ ba có gạch tận dụng từ loại gạch bìa màu xám trước thế kỷ 10, một vài viên có chữ Giang Tây Quân và gạch thời Đinh - Tiền Lê, trong đó có gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên. Lớp này nằm ở giai đoạn tu sửa, tôn tạo kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê.
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều mộ táng tại Nho Quan và Gia Viễn. Có 3 mộ gạch tại Đền Hạ (Gia Lâm, Nho Quan) cùng đồ tùy táng như vòng đá mã não màu thạch lựu, bông tai thủy tinh hình gối quạ, nhẫn đồng, âu đồng, một số bát gốm sứ tráng men… Đây là những minh chứng cho trình độ phát triển về nhiều mặt, có thể lý giải cho sự hình thành và phát triển vượt bậc của lực lượng sứ quân Đinh Bộ Lĩnh cũng như quá trình thành lập và phát triển kinh đô Hoa Lư sau này.
TS Nguyễn Ngọc Quý, người chủ trì khai quật, đánh giá: “Kết quả nghiên cứu ở cố đô Hoa Lư vừa qua bước đầu ghi nhận khu vực nội đô của kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ 10 có quy mô và không gian phân bố các công trình kiến trúc rộng hơn nhiều so với những hình dung của chúng ta từ trước đến nay”.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự lễ giỗ tổ Hùng Vương
Sáng 21.4 (tức mùng 10.3 Âm lịch), lễ giỗ tổ Hùng Vương 2021 đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương ở đền Hùng, tưởng nhớ các vua Hùng có công dựng nước.
|
Tham dự lễ dâng hương năm nay có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cùng nhiều lãnh đạo cấp cao.
Đúng 7 giờ sáng 21.4, đoàn rước di chuyển từ sân trung tâm Khu di tích lịch sử đền Hùng để lên đền Thượng trước sự theo dõi của hàng ngàn người dân.
Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, chủ lễ giỗ tổ, đã đọc chúc văn bày tỏ lòng biết ơn các vua Hùng có công dựng nước và hứa sẽ tiếp nối truyền thống tiên rồng, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường để đưa nước ta trở nên giàu mạnh, hùng cường, làm rạng danh cơ đồ dân tộc.
Cần cẩn trọng khi trùng tu điện Thái Hòa
Bộ VH-TT-DL đã có thỏa thuận về dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa (cố đô Huế), trong đó công trình sẽ được hạ giải toàn bộ để trùng tu. Giới chuyên môn đánh giá đây là giải pháp phù hợp, nhưng cũng lưu ý phải cẩn trọng.
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết việc tiến hành bảo tồn tu bổ tổng thể điện Thái Hòa là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
|
Theo ông Nhật, kết quả phân tích các cứ liệu lịch sử và tình trạng kỹ thuật công trình cho thấy mặc dù bị hư hại nặng, nhưng về cơ bản điện Thái Hòa hiện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn các giá trị cốt lõi xuyên suốt trong giai đoạn 1833 - 1945. Do đó, trung tâm đã đề xuất phương án bảo tồn tu bổ trên cơ sở hiện trạng của công trình.
Về phương án thi công, ông Nhật cho biết công tác hạ giải công trình sẽ được tiến hành song song với công tác vẽ ghi từng kết cấu; cùng với việc scanner 3D toàn bộ công trình trước khi hạ giải để lưu giữ quy mô, hình thức kiến trúc. Đồng thời, ghi chép lại công nghệ truyền thống, tính toán lựa chọn các giải pháp trùng tu tối ưu cho các kết cấu và chi tiết kiến trúc.
Tranh của danh họa Việt được đấu giá tới 3,1 triệu USD trên sàn quốc tế
Sáng 19.4, nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông đã bán đấu giá thành công nhiều tác phẩm của các danh họa Việt. Cụ thể, tác phẩm Hai người phụ nữ và Đối thoại của danh họa Vũ Cao Đàm được bán lần lượt với giá 500.000 USD và 530.000 USD (khoảng 11,5 tỉ và 12,2 tỉ đồng). Bức Hai người phụ nữ nhìn ra ao cá vàng của danh họa Lê Phổ có giá 750.000 USD (17,2 tỉ đồng). Danh họa Mai Trung Thứ có bức Quý bà viết thơ bán với giá 790.000 USD (18,1 tỉ đồng) và Coquetry có giá 560.000 USD (12,8 tỉ đồng). Bức Quang cảnh một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam của họa sĩ Phạm Hầu được mua với giá lên đến 1 triệu USD (khoảng 23 tỉ đồng). Bức Phụ nữ và trẻ em của nữ họa sĩ Lê Thị Lựu bán được 860.000 USD (19,7 tỉ đồng). Đa số các tác phẩm đều bán giá sa,u cùng cao hơn giá khởi điểm từ 2 - 4 lần.
Đáng chú ý trước đó, tác phẩm Chân dung cô Phương (Portrait de Mademoiselle Phuong) của danh họa Mai Trung Thứ đã xuất hiện trong phiên đấu giá Beyond Legends: Modern Art Evening Sale của Sotheby’s Hồng Kông vào chiều 17.4 và được bán lên đến 3,1 triệu USD (khoảng 71,3 tỉ đồng). Có thể nói đây là bức tranh của danh họa Việt có giá cao nhất trên thị trường hội họa thế giới, vượt qua bức Khỏa thân của danh họa Lê Phổ từng đấu giá thành công 1,4 triệu USD (32,2 tỉ đồng) hồi năm 2019.
|
Bức Chân dung cô Phương được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, kích cỡ 78 x 135 cm, trưng bày lần đầu tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội) vào năm 1930. Sau đó, tác phẩm được tuyển chọn để tham dự Triển lãm quốc tế thuộc địa năm 1931 ở Paris (Pháp) và một nhà sưu tập tranh cá nhân người Pháp đã mua bức tranh ngay sau triển lãm. Qua thời gian, tác phẩm nằm trong bộ sưu tập Les Souvenirs D’Indochine: Property from the Madame Dothi Dumonteil Collection (Ký ức Đông Dương: Bộ sưu tập của bà Dothi Dumonteil) thuộc sở hữu của bà Dothi Dumonteil. Bà cùng với chồng - Pierre Dumonteil, vốn là nhà sưu tập nghệ thuật có tiếng, sở hữu nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam. Chân dung cô Phương từng xuất hiện trong phim Mùi đu đủ xanh (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng.
Đề xuất chi hơn 20,3 tỉ đồng tu bổ di tích Chùa Cầu
Tại kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX (kỳ họp chuyên đề cuối cùng của nhiệm kỳ 2016-2021) vào hôm 19.4, UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh thống nhất chủ trương chi hơn 20,3 tỉ đồng để tu bổ di tích Chùa Cầu (TP.Hội An, Quảng Nam). Trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, TP.Hội An 50%.
|
Theo đó, Chùa Cầu được tu bổ bằng cách gia cố hệ nền, móng, mố, trụ; tu bổ hệ sàn, hệ khung gỗ, hệ mái; cải tạo hệ thống cách điện; chống mối toàn bộ công trình; tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ bằng công nghệ 3D; hội thảo, tọa đàm.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột qua đời
Chiều tối 20.4, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột qua đời tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Được biết những năm gần đây, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm mắc bệnh về phổi và thường gặp những cơn khó thở.
|
Hoàng Nhuận Cầm nổi tiếng và đoạt nhiều giải thưởng văn học với các tập thơ: Thơ tuổi 20 (1974); Những câu thơ viết đợi mặt trời (1983); Xúc xắc mùa thu (1992); Thơ với tuổi thơ (2004); Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến (2007); 36 bài thơ tuyển chọn (2008). Ông đã viết một số kịch bản phim: Lầm lỗi; Đằng sau cánh cửa; Đêm hội Long Trì; Hà Nội- mùa đông năm 1946; Pháp trường trắng; Ai lên xứ hoa đào; Đoạn trường chiêm bao; Nhà tiên tri; Mùi cỏ cháy…
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm được trao giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1972-1973; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1993 cho tâp thơ Xúc xắc mùa thu; Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2012. Hoàng Nhuận Cầm còn nổi tiếng với nhân vật Bác sĩ Hoa súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần và vai nhà thơ trong phim Số đỏ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội.
Cựu thị trưởng Mỹ bị xướng tên tại giải Mâm xôi vàng 2021
Giải Mâm xôi vàng 2021 vừa gọi tên phim Absolute Proof (One America News Network) là Phim tệ nhất năm qua. Vị chính khách Mỹ Rudy Giuliani cũng bất ngờ khi... thắng giải.
Nhận tổng cộng 6 đề cử và có mặt ở hầu hết đề cử quan trọng như Phim tệ nhất, Đạo diễn tệ nhất, Nam diễn viên chính tệ nhất, Kịch bản tệ nhất... nhưng 365 Days chỉ thắng một giải là Kịch bản tệ nhất. Giải Phim tệ nhất được trao cho phim Absolute Proof (One America News Network) của nhà kinh doanh Mike Lindell. Ông Mike Lindell đồng thời cũng nhận luôn giải Nam diễn viên chính tệ nhất khi đóng trong bộ phim do mình sản xuất.
|
Ông Rudy Giuliani, cựu Thị trưởng thành phố New York (Mỹ), rinh về nhà tượng vàng của mùa giải năm nay khi được gọi tên ở hạng mục Nam diễn viên phụ tệ nhất khi xuất hiện trong phim Borat Subsequent Moviefilm. Điều hài hước là vị chính khách này không biết mình bị ê-kíp phim Borat Subsequent Moviefilm ghi hình khi ông ở trong phòng của một khách sạn.
Bình luận (0)