Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Hà Kiều Anh vướng ồn ào ‘công chúa đời thứ 7 triều Nguyễn’

04/07/2021 06:00 GMT+7

Hoa hậu Hà Kiều Anh vướng phải ồn ào khi chia sẻ thông tin về gia tộc cũng như dẫn lại lời của bà nội nói cô là "công chúa" đời thứ 7 triều Nguyễn.

Chỉ là họ hàng xa xa

Trước thông tin này, nhà nghiên cứu độc lập trẻ Tôn Thất Minh Khôi - hậu duệ Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa thứ 8 triều Nguyễn (người sáng lập trang Thiên Nam lịch đại hậu phi, chuyên cung cấp thông tin về hậu phi, nội cung sử Việt) đã lên tiếng, cho rằng Hoa hậu Hà Kiều Anh không phải "công chúa" đời thứ 7 triều Nguyễn dựa theo các tài liệu lịch sử mà anh tra cứu như Nguyễn Phước tộc Thế phả - Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc (NXB Thuận Hóa, 1995), Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ (Nội các triều Nguyễn), Đại Nam Thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn), Đại Nam Liệt truyện (Quốc sử quán triều Nguyễn).
Hậu duệ đời thứ 5 của đức Tuy Lý Vương, Nguyễn Phước Vĩnh Khánh (thành viên Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên-Huế và hiện là Phó phòng Tuy Lý Vương) cũng lên tiếng: "Cô ấy là cháu chắt chút chít chiu... của ông Hoàng Thơ Tuy Lý Vương (tính theo kê khai của cô ấy) là khoảng 7 đời kể từ ngài Tuy Lý (du di tạm cho là ngang chữ Bảo).Chỉ chừng đó thôi thì sao gọi là "công chúa". Chưa kể, cô ấy kê khai bà cụ cố con của cụ Hường Ngải 洪 艾(con trai ngài Tuy Lý Vương - Miên Trinh) thì bà phải ngang hàng chữ Ưng (tức là Công Tôn Nữ) thì Hà Kiếu Anh cho bà thành Công Tằng Tôn Nữ (tức mới ngang chữ Bửu)...". Và, ông khẳng định: "Đúng là ngài Tuy Lý Vương - Miên Trinh có một người con trai tên là Hường Ngải 洪 艾 (chứ không phải Ngãi 騃). Bởi vì con cháu ngài Tuy Lý được ban bộ Thảo để chọn chữ đặt tên cho con cháu. Tóm lại cô Hà Kiều Anh đúng là con cháu có họ hàng... xa xa xa của Phủ Tuy Lý Vương, nhưng là "công chúa đời thứ 7" thì không thể".

Hà Kiều Anh công khai xin lỗi vụ 'công chúa đời thứ 7 triều Nguyễn'

Tối 2.7, Hà Kiều Anh đã chính thức lên tiếng xin lỗi khán giả sau ồn ào này. Cô gửi lời xin lỗi đến khán giả vì đã để xảy ra ồn ào không đáng có này. Hoa hậu khẳng định cô chưa bao giờ tự nhận mình là công chúa, có chăng chỉ là "công chúa nhỏ" của riêng bà nội mình mà thôi. Hà Kiều Anh viết: "Mấy ngày trước, nhân dịp giỗ bà nội, Kiều Anh trong lúc xúc động nhớ về bà, đã có một vài chia sẻ hồi tưởng trên Facebook cá nhân. Tuy nhiên, có lẽ do cách sử dụng từ ngữ chưa chuẩn xác nên đã khiến nhiều người hiểu lầm. Kiều Anh lấy làm tiếc và xin lỗi tất cả mọi người về những sơ sót gây ra ồn ào không đáng có này".

Netflix gỡ phim Pine Gap có hình ảnh đường lưỡi bò vi phạm chủ quyền Việt Nam

Ngày 25.6, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã phát hiện ra các hình ảnh sai trái về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong bộ phim truyền hình Pine Gap, được cung cấp trên dịch vụ của Công ty Netflix tại Việt Nam. Cụ thể, hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp trên biển Đông xuất hiện tại phút thứ 12 của tập 2 và phút thứ 52 của tập 3 trong tổng số 6 tập của bộ phim này.
Việc để xuất hiện các thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam trong các tập phim nêu trên của Công ty Netflix đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật Việt Nam. Về mặt xã hội, vi phạm của Công ty Netflix làm tổn thương tình cảm và gây phẫn nộ đối với toàn thể nhân dân Việt Nam.

Poster phim Pine Gap

ẢNH: T.L

Trước đó vào tháng 7 và tháng 8.2020, 2 bộ phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put your head on my shoulder) và Bà Ngoại trưởng (Madam Secretary) phát trên dịch vụ của Công ty Netflix bị phát hiện có các hình ảnh bản đồ có hình lưỡi bò phi pháp trên biển Đông.
Với việc Công ty Netflix lần thứ 3 liên tiếp cung cấp phim có hình ảnh vi phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, ngày 25.6, Cục tiếp tục có văn bản yêu cầu Công ty Netflix ngay lập tức gỡ bỏ các bộ phim, chương trình truyền hình có nội dung vi phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam. Ngày 30.6, Công ty Netflix đã gỡ bỏ bộ phim này trên dịch vụ tại Việt Nam.

Sầm Sơn lên tiếng về tượng đài đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc

Những ngày qua, dư luận xôn xao việc Thanh Hóa chuẩn bị xây dựng Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Chiều 29.6, UBND TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã lên tiếng về dự án này.
Theo UBND TP.Sầm Sơn, sau Hiệp định Genève về VN, thị xã Sầm Sơn (nay là P.Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn) đã thay mặt dân tỉnh Thanh Hóa và đồng bào miền Bắc đón 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở miền Nam tập kết ra miền Bắc.
Nguyện vọng của các cựu cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam (trong đó có một số người trở thành lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước) mong muốn xây dựng một cụm công trình văn hóa, lịch sử nhằm tri ân những đóng góp, sự cưu mang của người dân miền Bắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết.

Phối cảnh tượng đài tại Khu lưu niệm đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc

ẢNH: T.L

Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình tại Quyết định số 2207/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa vào tháng 6.2015 và được điều chỉnh tại Nghị quyết số 322/NQ-HĐND ngày 21.9.2020 của HĐND tỉnh Thanh Hóa.
Dự án có với tổng mức đầu tư khoảng 255 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh Thanh Hóa bảo đảm cho công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật; phần kinh phí xây dựng toàn bộ tượng đài do Hội cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc huy động từ các nguồn hợp pháp khác; chủ đầu tư là UBND TP.Sầm Sơn. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, trong thời điểm hiện nay, TP. Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa đang cùng cả nước tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên chưa triển khai thực hiện dự án.

Phim tài liệu về đại thi hào Nguyễn Du được cấp phép phổ biến

Sau 2 năm sản xuất và sau 2 lần chỉnh sửa, bộ phim tài liệu Đại thi hào Nguyễn Du (ảnh) đã hoàn thành và vừa được Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) cấp phép phổ biến rộng rãi (chiếu rạp, chiếu trước công chúng, dự liên hoan phim).

Cảnh trong phim

ẢNH: T.L

Theo thông tin từ nhà sản xuất (Công ty CP không gian văn hóa Việt Media), bộ phim được làm theo hình thức phim tài liệu nghệ thuật. So với dự kiến ban đầu có 3 phần (2 tập/phần), hiện nay phim chỉ giữ lại cấu trúc 3 phần với thời lượng 180 phút.
Phim là những lát cắt kể về cuộc đời và sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du từ khi sinh ra ở P.Bích Câu (Thăng Long) năm 1765, cho đến giai đoạn ông làm quan giữ chức Hữu tham tri bộ Lễ dưới thời vua Gia Long và mất tại Huế vào năm 1820. Nhà sản xuất cho biết bộ phim sẽ tham dự Liên hoan phim VN lần thứ 22 dự kiến diễn ra vào tháng 9 tại TP.Huế.

Độc đáo triển lãm ảnh khỏa thân 3D của Thái Phiên

Triển lãm trực tuyến (diễn ra đến hết 15.7) giới thiệu 28 bức ảnh nude yoga, tuyển chọn từ hơn 120 tác phẩm mới nhất của nhiếp ảnh gia Thái Phiên, được ông sáng tác từ đầu năm 2020 đến nay. Người mẫu trong bộ ảnh là những huấn luyện viên tạo dáng trong các tư thế yoga.

Tác phẩm của triển lãm 3D Nắng sau rèm

ẢNH: NSCC

Sử dụng công nghệ hiện đại từ một người bạn giúp sức, Thái Phiên đã đưa các bức ảnh nude yoga vào triển lãm 3D Nắng sau rèm tại website artspaces.kunstmatrix.com. Mọi người có thể thưởng thức các tác phẩm và khi muốn xem từng bức ảnh, chỉ cần bấm vào tác phẩm để nhìn ở nhiều góc độ và chiều sâu.
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và là hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế, từng được phong tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc E.VAPA/G, Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc E.FIAP. Ông cũng đoạt 52 giải thưởng trong nước và quốc tế, có trên 300 tác phẩm được chọn triển lãm tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phượng khấuBố già tham dự Asia Contents Awards

Asia Contents Awards (ACA) là giải thưởng dành cho các tác phẩm giải trí xuất sắc phát trên truyền hình, các kênh trực tuyến và trên nền tảng OTT toàn Châu Á. Năm 2021 là năm thứ 3 giải thưởng này được liên tục tổ chức tại Hàn Quốc, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới. Phượng khấuBố già (phiên bản web drama trên YouTube) là 2 phim Việt đại diện Việt Nam vinh dự được ACA trực tiếp mời tham dự giải thưởng này.

Phượng khấu được vinh danh trong Top 10 TV Shows của Đông Á và Đông Nam Á năm 2020 do trang NME (Anh) bình chọn

ẢNH: ĐPCC

ACA là giải thưởng nhằm khuyến khích và vinh danh các tác phẩm giải trí có giá trị của châu Á đồng thời kích thích sự phát triển cho thị trường nội dung & phim ảnh châu Á. Năm 2020, ACA nhận được 75 tác phẩm được gửi đến từ 17 quốc gia. Vòng sơ khảo và chung khảo đã chọn ra 28 tác phẩm đến từ 12 quốc gia.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.