Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ

10/04/2022 07:00 GMT+7

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về dự lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại TP.Cần Thơ - công trình văn hóa trọng điểm, có ý nghĩa lịch sử quan trọng của ĐBSCL và Quốc gia.

Tối 6.4, UBND TP.Cần Thơ long trọng tổ chức khánh thành Đền thờ Vua Hùng (tọa lạc khu vực 7, P.Bình Thủy, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ).

Về dự lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh.

Cùng dự còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều lãnh đạo bộ ngành, đoàn thể T.Ư, các địa phương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại TP.Cần Thơ

ĐÌNH TUYỂN

Đền thờ Vua Hùng TP.Cần Thơ là công trình văn hóa trọng điểm, có ý nghĩa lịch sử quan trọng của Cần Thơ và của quốc gia, được khởi công ngày 18.6.2019; kinh phí đầu tư xây dựng 129,5 tỉ đồng do Công ty CP đầu tư Văn Phú - Invest tài trợ.

Công trình có diện tích 4 ha, với các hạng mục chính như: Đền thờ chính, nhà bia, nghi môn, nhà điều hành, sân đường… Đền chính được bao bọc bởi hồ nước tròn trên nền đế vuông, tượng trưng cho triết lý “trời tròn đất vuông”; 18 cánh cung bao quanh tượng trưng 18 đời Vua Hùng. Bên trong hồ nước có 54 trụ đá, tượng trưng cho cộng đồng 54 dân tộc anh em, đồng thời cũng thể hiện sự kết hợp văn hóa sông nước đồng bằng châu thổ.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, với tinh thần khẩn trương, tâm huyết, chu đáo, khoa học, công trình đã hoàn thành, với chất lượng cao về nội dung tư tưởng, kỹ thuật, mỹ thuật... Công trình như một biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết, điểm hội tụ văn hoá tâm linh của dân tộc Việt Nam, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng theo tâm nguyện của đông đảo nhân dân TP.Cần Thơ nói riêng, nhân dân các tỉnh ĐBSCL nói chung.

Công trình cũng được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn, kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch của vùng và phục vụ du khách tham quan, tưởng niệm, góp phần thúc đẩy ngành du lịch ngày càng phát triển, từng bước xứng tầm là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.

Sau lễ khánh thành, Đền thờ Vua Hùng TP.Cần Thơ sẽ chính thức mở cửa phục vụ nhân dân thăm viếng, dâng hương từ ngày 7.4.

Hàng vạn người dâng hương giỗ Tổ trước ngày chính lễ

Trước ngày chính lễ 10.3 (âm lịch), hàng vạn người dân đã đổ về khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) để dâng hương, hành lễ vào hôm qua 9.3 (âm lịch).

Theo ghi nhận của phóng viên, thời tiết tại TP.Việt Trì nắng nhẹ, có gió và mát mẻ. Khoảng 13 giờ ngày 9.4, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã có hàng ngàn người đổ về, mang theo lễ dâng hương các Vua Hùng.

Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cho biết năm nay lượng người đổ về đã tăng hẳn so với năm ngoái, vì tình hình dịch bệnh đã bớt căng thẳng. Theo ông Giang, từ đầu tháng 3 âm lịch, khu di tích đã đón hàng vạn người dân dâng hương, lễ Tổ. Riêng ngày 8.4, khu di tích đón hơn 10.000 lượt khách và tính tới 15 giờ chiều 9.4 đã đón khoảng 20.000 khách, càng về chiều tối, lượng khách càng đông.

Người dân lên đền Thượng hành lễ

KIẾN TRẦN

Trước đó, ban tổ chức lễ hội đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao để phục vụ du khách đến với lễ hội Đền Hùng 2022. Trong tối 9.4, tại Công viên Văn Lang (TP.Việt Trì) diễn ra chương trình nghệ thuật "Linh thiêng nguồn cội - đất Tổ Hùng Vương" và bắn pháo hoa tầm cao 15 phút để phục vụ người dân, cũng như du khách đến với lễ hội Đền Hùng 2022.

Khởi công tôn tạo Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Quảng Trị

Sáng 7.4, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ khởi công công trình bảo tồn, tôn tạo di tích khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn tại thôn Hậu Kiên (xã Triệu Thành, Triệu Phong). Công trình được khởi công đúng vào ngày kỷ niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7.4.1907 - 7.4.2022).

Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn (giai đoạn 2) đã được HĐND tỉnh Quảng Trị thông qua với tổng mức đầu tư 45 tỉ đồng. Mục tiêu đầu tư của dự án là bảo tồn những giá trị lưu niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn; góp phần giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống cách mạng, xây dựng môi trường cảnh quan tương xứng với tầm vóc và giá trị di tích.

Các đại biểu nhấn nút khởi công

LINH TRANG

Giải pháp bảo tồn, tôn tạo công trình bao gồm các nội dung chủ yếu: Nâng cấp, chỉnh trang nhà lưu niệm theo hướng bảo tồn, tôn tạo; kết hợp nâng cấp nhà trưng bày, xây mới không gian tưởng niệm theo bố cục hình chữ “Công"; xây mới nhà đón tiếp, thư viện, nhà sinh hoạt chung; tôn tạo cổng chính ở phía nam theo hình thức truyền thống Trung bộ, cổng vào nhà lưu niệm ở phía bắc được tôn tạo theo mô hình hiện có; tôn tạo xây mới hệ thống kè, bậc cấp… Thời gian thực hiện từ nay đến năm 2024.

Tối 7.4, chương trình sân khấu thực cảnh đặc biệt nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7.4.1907- 7.4.2022) mang tên “Yêu lẽ phải - Trọng tình thương” đã được tổ chức tại thôn Bích La Đông, xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong), quê hương của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đây là chương trình do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo nội dung, quy tụ dàn diễn viên, nghệ sĩ gần 100 người từ 3 miền Bắc Trung Nam và diễn viên quần chúng là bà con nhân dân thôn Bích La Đông.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, tác giả kịch bản kiêm tổng đạo diễn của chương trình, bằng nghệ thuật sân khấu thực cảnh, chương trình khắc họa cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và quê hương, gia đình của Tổng Bí thư Lê Duẩn - chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Chương trình được chia thành nhiều chương, trong đó có nhiều cảnh vừa thi vị vừa sinh động như: chợ đình Bích La vào đêm mồng 2 rạng ngày mồng 3 tết; chiếc xuồng ba lá ngược xuôi kênh rạch rừng U Minh, Đồng Tháp Mười; nhà làm việc căn cứ Trung ương Cục miền Nam hay Phủ Chủ tịch…

Đan xen trong chương trình là nhiều đoạn tự sự của Tổng Bí thư Lê Duẩn và con trai của ông. Gây xúc động không kém là những phân đoạn có sự xuất hiện của Bác Hồ, đại tướng Nguyễn Chí Thanh và 2 người vợ của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Lễ hội bánh dân gian Nam bộ tại TP.Cần Thơ hút du khách

Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ 9 năm 2022 diễn ra từ ngày 7 đến 11.4, tại Quảng trường Q.Bình Thủy (đường Đặng Văn Dầy, P.Bình Thủy, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ). Chủ đề lễ hội là "Bảo tồn và phát huy giá trị bánh dân gian Nam bộ".

Tham gia lễ hội có đến 200 gian hàng với hơn 100 loại bánh dân gian đầy màu sắc. Lễ hội lần này được xem là "đại tiệc" bánh, bởi quy mô lớn và quy tụ nhiều nghệ nhân làm bánh nức tiếng ở miền Tây Nam bộ.

Gian hàng trưng bày bánh bò, ít trần, bánh chuối đẹp mắt

DUY TÂN

Các gian hàng được thiết kế gắn liền với tuổi thơ của bao người, như: gian hàng tre lá khu bánh dân gian; gian hàng tre lá khu ẩm thực; gian hàng tiêu chuẩn khu đặc sản vùng miền và du lịch…

Đến với lễ hội, thực khách không chỉ ‘no mắt’ về chủng loại, màu sắc của hàng trăm loại bánh mà còn được trải nghiệm nhiều hương vị đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Nam bộ. Đặc biệt, màu sắc của các loại bánh hoàn toàn không sử dụng nguyên liệu phụ trợ. Các nghệ nhân sử dụng màu thiên nhiên như: màu đỏ từ trái gấc và củ dền, màu vàng từ nghệ, màu xanh từ hoa đậu biếc, màu xanh lá cây từ lá dứa, màu tím từ lá cẩm.

Đà Lạt xây dựng mô hình nhạc nước đa phương tiện tại Vườn hoa

Ngày 8.4, UBND TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết đã xây dựng kế hoạch hình thành mô hình nhạc nước đa phương tiện trong khuôn viên của Vườn hoa thành phố và gửi văn bản đến các sở, ngành liên quan lấy ý kiến trước khi báo cáo UBND tỉnh.

Nhạc nước tại thắng cảnh hồ Xuân Hương - Đà Lạt

GIA BÌNH

Mô hình nhạc nước đa phương tiện thực hiện tại 3 vị trí trong khuôn viên của Vườn hoa thành phố. Mô hình kết hợp giữa nước, nhạc và ánh sáng tạo nên những vũ điệu ấn tượng và đẹp mắt; các vòi phun nước được điều khiển thông qua lập trình sẵn phun nước theo giai điệu kết hợp với ánh sáng lung linh, độc đáo trong đêm tạo sức thu hút khán giả.

Đồng thời sẽ xây dựng các tiểu cảnh hoa theo mùa kết hợp với hệ thống đèn LED trang trí, đèn chiếu sáng cảnh quan, khu vực hài hòa, tôn lên nét đẹp của các tiểu cảnh phục vụ cho hoạt động tham quan, chụp hình về đêm.

Tại đây cũng sẽ tổ chức biểu diễn nghệ thuật, lắp đặt sân khấu trên mặt nước, mời các ca sĩ, ban nhạc, ảo thuật gia nổi tiếng trong và ngoài nước tham gia biểu diễn nghệ thuật, ảo thuật hằng đêm.

Bên cạnh đó sẽ bố trí, sắp xếp và hình thành thêm các gian hàng tham quan, mua sắm tại các vị trí phù hợp với các mặt hàng mỹ nghệ, đặc sản, nông sản đặc thù của TP.Đà Lạt.

Về hình thức hoạt động: mô hình tham quan có thu phí; loại hình đầu tư dài hạn, thu hồi vốn thông qua bán vé tham quan. Kinh phí do Công ty CP dịch vụ đô thị Đà Lạt thực hiện đầu tư từ nguồn vốn của đơn vị hoặc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Lộ trình thực hiện cũng đã được UBND TP.Đà Lạt xây dựng và quý 3/2022 này sẽ bắt đầu tiến hành các công việc liên quan. Dự kiến đến đầu quý 1/2023 sẽ tổ chức hoạt động thí điểm, bước đầu chỉ tổ chức hoạt động vào các ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Đến quý 2/2023 sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình để xem xét, hoàn thiện mô hình nhạc nước này

Khai mạc Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ 3 tại Cần Thơ

Tối 7.4, tại Cần Thơ, Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ 3 và Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ 9 năm 2022 đã chính thức khai mạc. Về dự lễ có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa.

Lễ khai mạc đã diễn ra đặc sắc với các chương trình nghệ thuật mang đậm văn hóa vùng đất phương Nam

ĐÌNH TUYỂN

Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ 3 do Bộ VH-TT-DL và UBND TP.Cần Thơ phối hợp tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, đồng thời để tôn vinh giá trị lịch sử, nghệ thuật và trao truyền, lan tỏa di sản Đờn ca tài tử Nam bộ - tài sản vô giá mà cha ông ta để lại.

Lễ khai mạc diễn ra đặc sắc với các chương trình nghệ thuật mang đậm nét văn hóa vùng đất phương Nam như: Hồn Việt phương Nam, Cần Thơ - cội nguồn và hội tụ phương Nam, Tiếng lòng ngân vang, Vị ngọt cho đời - Bánh với tuổi thơKhát vọng ngân vang, vươn xa.

Liên hoan và lễ hội diễn ra từ ngày 7.4 đến ngày 11.4 với sự tham gia của 21 tỉnh, thành có nghệ thuật đờn ca tài tử khu vực Nam bộ. Trong khuôn khổ liên hoan có nhiều hoạt động nghệ thuật hấp dẫn như Hội thi đờn ca tài tử, Không gian đờn ca tài tử, Triển lãm nhạc cụ dân tộc...

Trước đó, trong khuôn khổ liên hoan, Hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử, Không gian đờn ca tài tử đã được khai mạc ngày 6.4, với sự tham gia của 21 tỉnh, thành phía Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.